Dẻo thơm xôi gấc

08/02/2020 20:06 GMT+7

Ở quê tôi, ăn xôi gấc đầu năm trở thành thói quen của nhiều gia đình. Xôi gấc vốn có màu đỏ tự nhiên của đất trời - màu của hạnh phúc, màu thắm của sắc xuân, tạo sự dung hòa, thuận lợi cho năm mới.

Làm xôi gấc thết đãi gia đình, bạn bè không chỉ nhằm mục đích bồi bổ, mà còn ngụ ý cầu mong sức khỏe và sự an khang, thịnh vượng suốt cả năm.
Để có được đĩa xôi gấc thơm ngon đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, tỉ mỉ, từ lúc chọn nếp, chọn gấc đến khi nấu xôi. Đầu tiên phải chọn loại nếp thơm, ngon, dẻo. Tiếp đến, chọn cho được quả gấc đỏ tươi vừa đủ độ chín; gai nhỏ, đều và thưa, cuống to để thịt gấc dày.
Lựa được gấc ngon sẽ nấu được đĩa xôi đỏ thắm và thơm mùi tự nhiên. Gạo nếp vo thật sạch, ngâm với nước dừa qua đêm. Gấc bổ đôi, nạo lấy phần thịt đỏ và cùi vàng óng ả bóp đều sau đó trộn cùng nếp đã vo sạch để ráo nước.
Tiếp tục cho nước cốt dừa vào hỗn hợp gạo nếp và thịt gấc, canh nước sao cho xôi chín dẻo nhưng không ướt. Không quên thêm một ít lá dứa đã rửa sạch để tạo mùi thơm nồng. Khi xôi chín mềm, cho thìa đường vào, dùng đũa đảo đều và đậy nắp. Theo kinh nghiệm, cho đường sau là vì nếu cho đường ngay từ lúc đầu, gạo nếp sẽ lâu chín hơn.
Thích nhất là nấu xôi gấc bằng lửa củi, xôi chín có lớp cháy ăn rất giòn và thơm. Xôi chín, mở nắp nồi đang còn nghi ngút sẽ cảm nhận được mùi thơm nức từ hương gấc và lá dứa. Khâu cuối cùng là đơm xôi ra đĩa, rắc một ít muối mè hay đậu phộng khi thưởng thức.
món ăn được kết hợp một cách hoàn hảo giữa vị thơm ngọt của gấc, sự bùi, nồng ấm của gia vị và sự dẻo dai của gạo nếp, xôi gấc có tác dụng như vị thuốc dân gian (bổ mắt, chống lão hóa và các bệnh phổi, tim mạch), đồng thời là biểu tượng cho sự sung túc, may mắn, tốt lành.
Trong tiết trời tháng giêng còn se lạnh, nghe thoảng đưa mùi hương xôi gấc dẻo từ căn bếp nhỏ. Thấy lòng mình như có gì níu lại, chẳng muốn rời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.