Ngày 27.12, nguồn tin của Thanh Niên, Cục quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết trong năm 2019, đơn vị đã thực hiện 75.400 vụ kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó phát hiện hơn 1.100 vụ vi phạm.
Đột biến
Theo Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM Nguyễn Văn Bách, năm 2019, lực lượng QLTT đã kiểm tra chuyên ngành và tham gia liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm với tổng số 75.400, tăng 61.700 vụ so với năm 2018.
Về chuyên ngành, Cục QLTT TP.HCM đã kiểm tra 989 công ty, hộ kinh doanh, cơ sở chế biến… phát hiện 547 vụ vi phạm. Với hàng hóa không chứng từ, hóa đơn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đơn vị đã tịch thu hơn 99.000 kg và trên 326.000 đơn vị sản phẩm bánh kẹo, rượu, sữa, trái cây, nước giải khát, bia…
Với hàng hóa quá hạn sử dụng, Cục QLTT tịch thu hơn 4.400 kg đường cát, sườn non, xương heo. Đồng thời tịch thu gần 1.500 bánh trung thu, bột ngọt, sữa bột cà phê với hành vi là hàng giả, xâm phạm quyền nhãn hiệu. Tổng số tiền xử phạt hành chính đối với các hành vi này là gần 8,3 tỉ đồng.
Về phối hợp kiểm tra liên ngành, Cục QLTT đã phát hiện 581 vụ vi phạm. Trong liên ngành chống dịch bệnh gia cầm, phát hiện 410 vụ vi phạm về kiể dịch và 171 vụ vi phạm chế biến thực phẩm không đạt vệ sinh, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn…
Những “vụ án” điểm
Việc “dẹp loạn” các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm được Cục QLTT TP.HCM thực hiện cương quyết, không nhân nhượng. Trong đó, có rất nhiều “vụ án” điểm.
Điển hình như, ngày 6.6, Đội QLTT số 8 kiểm tra điểm chứa hàng không treo biển hiệu là Chi nhánh Công ty TNHH ĐT-TM Ngọc Bích (P.16, Q.8) do bà Đặng Thị Ngọc Bích làm giám đốc kiêm người đứng đầu chi nhánh. Tại đây, Đội tạm giữ 10.000 đơn vị sản phẩm đồ chơi trẻ em và sản phẩm bánh kẹo các loại không có hóa đơn chứng từ.
Ngày 28.8, Đội QLTT số 12 kiểm tra điểm chứa hàng của Công ty TNHH ĐT-TM-XK Minh Hương (P.Thới An, Q.12) do ông Nguyễn Viết Minh làm đại diện.
Tại đây, đang hoạt động sang chiết, chứa trữ hạt chia, yến mạch, muối hồng các loại. Đối với hạt chia có xuất xứ là Peru và Bolivia được Công ty đóng vào các gói, ghi đóng gói tại Úc, trên nhãn hàng hóa chỉ ghi thông tin bằng tiếng nước ngoài, không ghi bằng tiếng Việt Nam. Thậm chí trên bao bì ghi địa chỉ ở "Australia" bằng tiếng Anh, nhưng thực tế Công ty sang chiết và đóng gói tại Q.12. Đội QLTT số 12 đã lập biên bản, chuyển vụ việc cho Công an Q.12 điều tra mở rộng.
Tiếp đến, ngày 24.10, Đội QLTT số 26 kiểm tra cửa hàng Shop Ngọc Tú (P.Cầu Kho, Q.1) do bà Phạm Thị Thảo Uyên làm chủ. Đội đã lập biên bản tạm giữ trên 4.600 đơn vị sản phẩm hàng hóa là sữa các loại không có hóa đơn, chứng từ.
Cùng ngày 24.10, Đội QLTT số 29 kiểm tra cửa hàng Chí Kiên (P.1, Q.6) do ông Dương Chí Kiên làm chủ. Đội đã lập biên bản tạm giữ trên 2.200 đơn vị sản phẩm bánh kẹo không hóa đơn, chứng từ. Chưa đầy 1 tháng sau, Đội QLTT số 29 phát hiện xe tải biển số 89C-13758 đang vận chuyển bánh bông lan hiệu JIN BEI FU do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ do ông Diệp Quế Cường làm chủ. Đội 29 của Cục QLTT TP.HCM đã lập biên bản tạm giữ 220 thùng (trên 5.400 gói) bánh bông lan để xử lý.
Bình luận (0)