Tô canh bún hấp dẫn bên đường ray xe lửa Lê Văn Sỹ |
Quán canh bún Mẹ Tôi được người Sài Gòn đặt cho rất nhiều nhiều biệt hiệu, nào là “canh bún trên lầu” do phải đi lên lầu mới là quán, còn tầng trệt thì làm nơi giữ xe của khách. Hay là "canh bún đường ray xe lửa Lê Văn Sỹ".
Thương hiệu canh bún này đã có tuổi đời 30 năm, ngày trước bán ở gần chợ Trần Hữu Trang, còn hơn chục năm nay thì quán chuyển về địa chỉ 115/62 Lê Văn Sỹ (phường 13, quận Phú Nhuận) ngay sát đường bên ray xe lửa. Cứ đến tầm trưa là rất nhiều thực khách nô nức chạy vào con đường nhỏ bên cạnh đường ray để tìm ăn cho được món canh bún đặc sắc này.
Tô canh bún ở đây hấp dẫn bởi nước dùng ngọt và thơm nức vị cua, miếng chả lụa thanh thanh, thơm mùi rau rút và lá hẹ, đặc biệt là rau muống và rau nhút thả vào tô bún rất hợp vị.
30 năm trước, bà Mến, quê gốc ở Hà Nam Ninh (cũ) đã bán món canh bún có âm hưởng rất Bắc này. Nước lèo của món canh bún hoàn toàn nấu từ cua chứ không có nước xương heo pha vào, do vậy vị bún rất thanh và hợp với những ai không thích cho xương hay thịt heo vào canh bún.
Nét Bắc thứ hai là món rau nhút thả vào canh cua. Đến mùa rau nhút, người Bắc thường luộc chung rau muống với rau nhút (người Bắc hay gọi là rau rút) để có đĩa rau luộc thơm ngon khác lạ, đồng thời vị ngọt của hai loại rau này rất thanh mát. Rau nhút và rau muống khi thấm đẫm nước cua thì còn gì ngon bằng!
|
Mắm tôm và sa tế của quán cũng rất hấp dẫn và thơm ngon. Chỉ cần cho một chút vào tô canh bún là dậy mùi thơm phức, càng làm tăng thêm hương vị nồng nàn của tô canh bún.
Con trai bà Mến, chủ quán canh bún Mẹ Tôi hiện tại cho biết, lý do anh không nhuộm đỏ màu bún là bởi bây giờ không thể kiếm gạch tôm tạo màu, và hơn nữa anh không muốn dùng phẩm màu độc hại. Một lý do nữa là, huyết heo sạch tìm cũng rất khó (bởi muốn có huyết heo sạch thì các lò mổ phải tắm heo rất sạch sẽ, mà điều này thì thường khó xảy ra).
Do vậy, tô canh bún ở đây thoạt nhìn khá đơn giản. Nếu bạn ưa vị ngọt thanh của cua và rau thì canh bún ở đây rất phù hợp.
Có người cho rằng, canh bún ở quán Mẹ Tôi không ngon như 10 năm trước, rất có thể, người nấu hiện tại là con trai chứ không phải bà Mến. Nấu món bún riêu, canh bún sao cho ngon, có lẽ người phụ nữ làm sẽ tốt hơn, và ngược lại với phở, một món mà đàn ông sẽ có ưu thế hơn nhiều.
|
Canh bún Sài Gòn có cùng tên gọi nhưng trên thực tế có nhiều kiểu. Có nơi có riêu cua, xương hầm, đậu hủ, huyết, nơi khác thì có thêm ốc bươu hoặc nhấn nhá miếng chả cây, giò heo, thịt luộc. Đặc biệt nước dùng phải có màu đỏ để nhuộm các nguyên liệu và cọng bún to như sợi bánh canh. Món rau duy nhất dùng với canh bún là rau muống.
Có người cho rằng, canh bún Sài Gòn có lẽ ảnh hưởng và pha trộn món bún đỏ của Buôn Ma Thuột. Với món bún này, riêu được làm từ thịt cua, thịt heo và tép xay nhuyễn. Nước dùng của bún được ninh từ xương heo, xương bò và nước cua nên tạo được vị ngọt đậm đà. Ngoài ra còn có thêm trứng cút, huyết heo, điểm thêm ít hành phi, tóp mỡ. Rau ăn kèm là rau đã chần sơ gồm cải ngọt, giá và đặc biệt không thể thiếu cần nước.
Và rất có thể, món canh bún là ở Sài Gòn là sự giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền, lấy mỗi nơi một ít nên nói món ăn chơi này thuộc quyền "sở hữu" của người Sài thành cũng không sai.
Với người Sài Gòn mỗi khi phải rời xa thành phố, thì canh bún là một trong những món nhớ nhung âm ỉ nhất. Có người khi trở về, việc đầu tiên phải đi ăn một tô canh bún cho đã thèm, thấm đẫm vị mắm tôm và ớt bằm cay xè mới đã... Và có khi là những niềm nhớ đọng lại bên con đường nhỏ, của tiếng xe lửa rầm rì băng ngang qua mà không nơi nào có được.
P.V
Canh bún Mẹ Tôi
115/62 Lê Văn Sỹ, phường 13, quận Phú Nhuận
Mở cửa: từ 11h30 đến 20h30
Giá: Canh bún (19.000đ/tô lớn, 15.000đ/tô nhỏ).
Bình luận (0)