Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Những ngày này, tại các vườn hoa ở miền Tây, nhiều người đang tất bật làm công việc “không giống ai”. Đó là bứt các bông thừa bông cho cúc và vạn thọ. Công việc tuy giản đơn nhưng khá vất vả, đổi lại họ có thu nhập tiền triệu để lo cho một cái Tết ấm áp, sum vầy.
|
Nghề không khó nhưng phải tỉ mỉ từng ly, từng tí
Để có được những chậu hoa đẹp cung ứng cho thị trường, anh Nguyễn Hải Đăng (25 tuổi, quê Bến Tre) phải thuê 6 lao động cùng với người trong nhà bứt bông, tuyển lại chỉ chừa những bông to nhất để khoe sắc vào dịp Tết. Anh Đăng cho biết, năm nay gia đình anh trồng chủ yếu là cúc và vạn thọ.
Muốn cây ra hoa đều, đẹp anh Đăng phải thuê nhân công bứt bỏ các bông thừa, mỗi đọt thường có 4 - 5 bông, chỉ chừa một bông cái thôi, các bông nhỏ bỏ hết, riêng tiền thuê người bứt bông không là hơn 10 triệu đồng. “ 5 - 6 người bứt ròng rã mấy tuần mới xong. Mấy bữa trước, người ta làm đông lắm, nay chỉ còn vài người làm vì chỉ còn tuyển lại đợt nữa là đợi cây nở hoa thôi”, anh Đăng nói thêm.
|
|
|
Bà Đặng Thị Lên (ngụ xã Thanh Đức, H.Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết năm nào cũng vậy, đến thời điểm này là bà cùng 2 người nữa đến đây bứt bông thuê, tiền công mỗi ngày được 160.000 đồng. “Hôm nay chỉ còn tuyển lại thôi nên 2 người kia nghỉ rồi, còn mình tôi làm. Nghề này không khó, nhưng rất cần sự tỉ mẩn, đòi hỏi người làm phải cẩn thận trong từng động tác để không làm gãy nụ cái. Mỗi đợt làm khoảng gần 1 tháng, kiếm được vài triệu về mua thịt, bánh ăn Tết”, bà Lên nói.
|
Ở vườn bông bên cạnh, Chị Nguyễn Thị Tuyền (ngụ xã Thanh Đức, H.Long Hồ) vừa bứt bông vừa cho biết: “Nghề bứt nụ hoa này đòi hỏi phải mất nhiều công sức, tỉ mỉ từng ly, từng tí mới mong cây có hoa đẹp. Mà phải bứt đúng thời điểm để cây nuôi hoa lớn kịp Tết. Sơ sẩy là gãy bông, vì thân cúc khá giòn. Nếu mình nhặt không kỹ, để sót nụ và gãy bông xấu thì chủ vườn thất thu, sang năm không thuê mình làm nữa”.
Hy vọng có một cái Tết sum vầy
Còn anh Võ Văn Lợi (ngụ H.Vũng Liêm, Vĩnh Long), người làm thuê cho anh Đăng, cho biết anh làm công theo đợt ngoài bứt bông ra anh Lợi còn phụ trách chăm sóc bông nữa. “Ngày thường, tôi đi làm thuê. Đến đợt trồng bông thì đến đây làm, xong vụ bông thì tùy giá cả mà chủ trả công cho tôi, bình quân cũng được 10 triệu. Năm nay hy vọng bán được giá thì chủ cho thêm tiền”, anh Lợi nói.
|
Theo anh Đăng, đây là năm thứ 8 gia đình anh đến Vĩnh Long thuê đất trồng hoa (ấp Thanh Mỹ 1, xã Thanh Đức, H.Long Hồ). Năm nay, lo lắng nhu cầu tiêu thụ hoa kém hơn mọi năm do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên anh chỉ trồng khoảng 8.000 chậu bông các loại, trong đó có khoảng 2.000 chậu cúc Đà Lạt, bằng một nửa so với các năm trước. “Các loại bông khác thì chăm sóc khỏe hơn, như vạn thọ chỉ cần bứt đọt một lần là xong, còn cúc phải bứt bông 2 lần, mỗi lần khoảng 2 - 3 tuần. Hy vọng năm nay bán được giá để gia đình có cái Tết sum vầy hơn”, anh Đăng hy vọng.
Theo anh Đăng, nghề bứt bông này cũng lắm cực khổ, phải ngồi dưới trời khô và nắng gắt rất khó chịu, nên người nào, người ấy đều kín bưng từ đầu đến chân, công việc tuy nhẹ nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, tuy vất vả nhưng họ có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình có cái Tết đầm ấm hơn.
Bình luận (0)