Người dân được phép đốt pháo hoa như thế nào trong Tết Nguyên đán?

Huy Đạt
Huy Đạt
10/01/2021 12:10 GMT+7

Tết Nguyên đán cận kề, nhiều người hiểu nhầm, chưa phân biệt được các loại pháo và các trường hợp nào có thể sử dụng pháo hoa đúng theo quy định. Từ những mơ hồ đó, người dân rất dễ vi phạm pháp luật khi sử dụng pháo hoa.

Hiểu sai dễ dẫn tới vi phạm pháp luật

Ngày mai 11.1, theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (gọi tắt NĐ 137-PV) sẽ chính thức có hiệu lực. Nghị định 137 đưa ra một số điểm trong công tác quản lý nhà nước về pháo và đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan. Tuy nhiên, do chưa tìm hiểu kỹ, nhiều người dân đã hiểu nhầm một số quy định, chưa phân biệt được các loại pháo và các trường hợp được phép sử dụng pháo hoa.
Thời gian qua tại TP.Đà Nẵng, tình hình mua bán, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng trái phép pháo được kiểm soát chặt chẽ, tuy nhiên vẫn có trường hợp ngang sử dụng, vận chuyển pháo đặc biệt là vào dịp cuối năm, cận Tết nguyên đán.
Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lực lượng CSGT Công an TP Đà Nẵng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên QL1, Km 937, thôn Quan Châu, xã Hòa Châu, H.Hòa Vang (Đà Nẵng) đã ngăn chặn một xe tải chở hàng lậu, pháo lậu qua địa bàn. Qua kiểm tra có 50 thùng pháo Trung Quốc với hơn 1.000 sản phẩm.
Mới đây, ngày 22.12.2020, tài xế xe tải Đinh Ngọc Đức, trú tại TP.Đà Nẵng điều khiển xe ô tô khách BKS 43B – 017.46 đã khai nhận chở 4 hộp pháo dàn có trọng lượng 5,8 kg từ Hà Nội vào Đà Nẵng để tiêu thụ. Khi đi qua địa bàn tỉnh Ninh Bình đã bị lực lượng Công an kiểm tra hành chính và phát hiện.

Lực lượng Công an TP.Đà Nẵng bắt giữ lô pháo lậu

Đ.X

Nếu hiểu không kỹ, hiểu sai bản chất của NĐ 137 sẽ vô tình khiến nhiều người có thể vi phạm pháp luật, dẫn tới bị xử lý hình sự, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề, nhu cầu sử dụng pháo hoa tăng cao.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh (39 tuổi, trú Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, sau khi nghe thông tin về NĐ 137 được sử dụng pháo, chị và gia đình mơ hồ không biết những loại pháo nào có thể sử dụng và không biết phải mua pháo đúng theo quy định ở đâu.
“Hàng xóm những ngày cuối năm có bàn bạc với nhau sẽ tổ chức đón giao thừa, cả xóm sẽ quay quần cùng nhau thời khắc chuyển giao năm mới. Có người đề nghị mua pháo về đốt vì đã được phép sử dụng pháo, tuy nhiên vì sợ vi phạm pháp luật nên chúng tôi chưa thống nhất mà phải tìm hiểu thêm”, chị Quỳnh nói.
Trao đổi về NĐ 137 sắp có hiệu lực, Đại tá Quách Văn Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Đà Nẵng thông tin, qua nắm bắt dự luận xã hội, một bộ phận người dân cũng đang hiểu nhầm việc cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo hoa. Người dân đang hiểu chưa đúng và chưa phân biệt rõ ràng giữa pháo hoa nổ và pháo hoa không nổ. Đại tá Dũng nhấn mạnh, NĐ 137 quy định chỉ cho phép người dân được đốt pháo hoa không gây tiếng nổ.
Theo đó, Nghị định nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ (quy định tại khoản 1 Điều 5 NĐ 137). Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.
Theo NĐ 137, pháo hoa mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ. “Do đó, người dân cần có sự phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ, tránh vi phạm pháp luật”, Đại tá Quách Văn Dũng nhấn mạnh.

Nếu không nắm rõ Nghị định 137 về việc được phép sử dụng pháo thì người dân rất dễ vi phạm pháp luật

Đ.X

Ngoài ra, Đại tá Quách Văn Dũng cũng nêu rõ, theo NĐ 137, để đảm bảo sử dụng pháo hoa theo đúng quy định thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải đảm bảo 3 yếu tố: Một là, chỉ sử dụng pháo hoa trong các trường hợp như Lễ, tết, sinh nhật, cưới, hỏi, hội nghị…và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; Hai là, người sử dụng pháo hoa phải có đủ năng lực hành vi dân sự và Ba là, pháo hoa chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đã được cấp phép kinh doanh pháo hoa.
Có thể nói, NĐ 137 về quản lý, sử dụng pháo có hiểu lực thay thế Nghị định 36/2009 trước đây sẽ giúp cơ quan năng có cơ sở để quản lý chặt chẽ hơn, kiểm tra và xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm. “Việc cần làm trước mắt, đơn vị sẽ tham mưu cho các cấp, các ngành trên địa bàn TP Đà Nẵng tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng và hiểu đủ về các quy định trong NĐ 137”, Đại tá Quách Văn Dũng nhấn mạnh.

Tết Nguyên đán cận kề, tăng cường tuyên truyền

Trung tá Đỗ Thị Thu Nga, Đội trưởng Đội Đặc Danh, Phòng Quản lý hành chính về Trật tự xã hội cho biết, để người dân hiểu đúng về NĐ 137, trọng tâm thời gian tới là sẽ tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng để người dân hiểu rõ hơn về NĐ này.
Cụ thể, đơn vị đã xây dựng đề cương tuyên truyền và cho thu âm để tuyên truyền bằng xe lưu động trên toàn thành phố; phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông TP.Đà Nẵng tuyên truyền bằng hình thức gửi tin nhắn SMS đến từng người dân, qua Tổng đài 1022, qua mạng xã hội Zalo, Chatbox…; in và phát tờ rơi có nội dung và hình ảnh sinh động đến tay người dân trong các khu dân cư. Người dân cũng sẽ tham gia ký cam kết không tàng trữ, vận chuyển, kinh daonh và sử dụng các loại pháo nổ trái quy định.
Theo Trung tá Nga, dự kiến ngay sau khi NĐ 137 có hiệu lực, Công an TP.Đà Nẵng cũng sẽ chủ trì buổi làm việc với các đơn vị như Cảng vụ Đà Nẵng, Bến xe Đà Nẵng, Ga Đà Nẵng và An ninh hàng không để trao đổi về các nội dung liên quan đến thực hiện NĐ 137. Trên cơ sở đó, các cơ quan sẽ căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ của mình để lên kế hoạch ngăn chặn hoạt động mua bán, vận chuyển pháo lậu qua địa bàn. Một nội dung trọng tâm khác, sau một thời gian tuyên truyền, lực lượng Công an sẽ tổ chức kiểm tra các cơ sở. Nếu phát hiện có tàng trữ, buôn bán pháo lậu sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Về sản xuất và sử dụng pháo hoa, trong quy định của Nghị định 37, chỉ có các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa. Như vậy, người dân chỉ được mua pháo hoa do các tổ chức doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng bán ra và được sử dụng trong các ngày lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi hoặc các sự kiện văn hóa nghệ thuật.
“Tình hình mua bán, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép còn diễn biến phức tạp. Việc NĐ 137 bị hiểu sai, làm khác có thể sẽ là cơ hội để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm buôn bán lậu pháo hoa. Việc tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về việc sử dụng pháo là hết sức cần thiết”, Trung tá Nga nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.