Đi cấp cứu vì đột quỵ, bệnh nhân được phát hiện bị nhồi máu cơ tim

Lê Cầm
Lê Cầm
04/07/2023 13:33 GMT+7

Cụ ông T.V.C (75 tuổi, ngụ Bình Chánh, TP.HCM) được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nói đớ, yếu liệt nửa người, nghi đột quỵ não. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện thêm bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, đe dọa tính mạng.

Chóng mặt, ngã khỏi võng, sau đó yếu tay chân

Người nhà cho biết, ông C. có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường (tiểu đường) loại 2. Ngày 24.6, trước nhập viện khoảng 2 tiếng, khi đang nằm võng thì ông đột ngột chóng mặt, bị ngã khỏi võng, đập đầu xuống đất. Sau khi té, mặc dù ông C. tỉnh nhưng vẫn còn chóng mặt, tay chân trái yếu, cầm đồ không chắc. Thấy thế, người thân đã đưa ông đi cấp cứu.

Ngày 4.7, BSCKII Dương Duy Trang, Phó giám đốc, Trưởng khoa Nội tim mạch - Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Gia An 115, cho biết: Qua kiểm tra lâm sàng cho thấy, người bệnh bị liệt vận nhãn ngang sang trái, liệt dây VII trung ương bên trái, nói đớ, yếu nửa người trái - đều là các triệu chứng cảnh báo đột quỵ. Do đó, các bác sĩ đã ngay lập tức kích hoạt quy trình Code Stroke và nhanh chóng cho người bệnh thực hiện các cận lâm sàng cần thiết. Kết quả CT scan cho thấy, người bệnh bị nhồi máu não bán cầu phải. Ở đầu giờ thứ 3 kể từ khi phát hiện triệu chứng đột quỵ đầu tiên, người bệnh đủ điều kiện để tiêm thuốc tiêu sợi huyết.

Hy hữu: Đi cấp cứu vì đột quỵ, bác sĩ phát hiện thêm nhồi máu cơ tim - Ảnh 1.

Bác sĩ trong quá trình can thiệp cứu bệnh nhân

T.T

Tuy nhiên, ngay sau đó, dựa trên kết quả xét nghiệm huyết học, các bác sĩ lại phát hiện người bệnh không chỉ bị đột quỵ mà còn đang trong cơn nhồi máu cơ tim cấp với chỉ số Troponin I hs tăng rất cao, lên đến 1.184,40 pg/mL (ở người bình thường là dưới 34 pg/mL). Nhồi máu não và nhồi máu cơ tim đều là những tình trạng cấp cứu rất nặng, dù xuất hiện riêng lẻ cũng đe dọa tính mạng bệnh nhân. Mắc cùng lúc đột quỵ nhồi máu não và nhồi máu cơ tim là trường hợp rất hiếm gặp, nguy hiểm lại tăng lên nhiều lần, nếu không được can thiệp khẩn cấp và hợp lý, tính mạng người bệnh sẽ gặp rủi ro rất lớn.

Chạy đua thời gian cứu người bệnh trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc"

BSCKII Dương Duy Trang cho biết, đột quỵ nhồi máu não và nhồi máu cơ tim đều là cấp cứu khẩn nhưng lại không thể can thiệp đồng thời, trong khi điều trị tình trạng nào trước cũng sẽ làm trì hoãn việc điều trị tình trạng còn lại. Chính vì vậy, can thiệp nhồi máu não hay nhồi máu cơ tim trước là việc phải được cân nhắc, tính toán kỹ để bảo vệ tính mạng và mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh.

Sau khi tiến hành hội chẩn, dựa trên tình trạng của người bệnh, các bác sĩ quyết định sẽ tận dụng "thời gian vàng" để tiêm thuốc tiêu sợi huyết, xử trí vấn đề đột quỵ não trước. Điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đã được chứng minh giúp giảm tỷ lệ tàn tật và tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ nhồi máu não. Tỷ lệ người bệnh không bị tàn phế, hoặc liệt vận động mức tối thiểu tăng thêm hơn 30% nếu được điều trị sớm với thuốc tiêu sợi huyết trong 3 giờ đầu sau khi xuất hiện triệu chứng.

Sau khi được tiêm thuốc tiêu sợi huyết, người bệnh được theo dõi tích cực tại khoa Nội tim mạch - Tim mạch can thiệp. 

Đến 6 giờ 25 phút sáng ngày hôm sau, sau 9 tiếng theo dõi sát sao, người bệnh được quyết định tiến hành can thiệp tim mạch.

Bác sĩ Trang cho biết, trong các trường hợp thông thường, sau khi tiêm thuốc tiêu sợi huyết, người bệnh cần được theo dõi tích cực 24 tiếng. Can thiệp tim mạch sau thời điểm này, người bệnh sẽ hạn chế được nguy cơ xuất huyết. Tuy nhiên, do bệnh nhân đang ở tình trạng cấp bách, có thể ngưng tim bất cứ lúc nào nên các bác sĩ phải tiến hành can thiệp dù biết trước có rất nhiều nguy cơ.

Hy hữu: Đi cấp cứu vì đột quỵ, bác sĩ phát hiện thêm nhồi máu cơ tim - Ảnh 2.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau hồi phục

T.T

Ê kíp nhanh chóng tiến hành chụp, nong và đặt stent động mạch vành cho người bệnh. Quá trình can thiệp chụp DSA cho thấy người bệnh bị hẹp động mạch liên thất trước, hẹp 90% nhánh LAD-I và 95% nhánh LAD-II, ngoài ra động mạch vành phải nhánh RCA III cũng hẹp 50%. Với sự cẩn trọng cao nhất, các bác sĩ đã đặt thành công 2 stent vào 2 nhánh LAD-I và LAD-II. Sau khi can thiệp, người bệnh tiếp tục được theo dõi tình trạng xuất huyết và điều trị nội khoa, kiểm soát huyết áp và đường huyết. 

Sau 8 ngày điều trị, người bệnh phục hồi tốt, các chỉ số ổn định và vừa được xuất viện.

"Trường hợp người bệnh mắc đồng thời nhồi máu não cấp và nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng rất hiếm gặp nhưng may mắn được phát hiện sớm và xử trí kịp thời nên người bệnh không gặp nguy hiểm tính mạng và đã phục hồi tốt sau can thiệp. Chính vì vậy, khi phát hiện người bệnh có các triệu chứng cảnh báo đột quỵ, thân nhân cần gọi trợ giúp y tế ngay hoặc đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế có thể can thiệp điều trị đột quỵ, tận dụng tối đa "thời gian vàng" để nâng cao hiệu quả điều trị", bác sĩ Duy Trang chia sẻ.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.