|
Tin này thật sự là một cú “sốc” đối với giới khảo cổ Việt Nam. Vừa qua, người viết được tháp tùng một đoàn nghiên cứu và khai quật thuộc Bảo tàng Văn hóa Việt đã tiến hành đi khảo sát, khai quật thực tế ở xã Tà Bing (H.Nam Giang, Quảng Nam, cách biên giới Việt - Lào 30 km). Đây là khu vực tái định cư của cộng đồng người dân tộc Cơ Tu, bản làng của họ đang di dời để xây dựng thủy điện A Vương. Trong quá trình san lấp mặt bằng để dựng nhà mới, nhiều người đã phát hiện được những mảnh gốm đất nung, những hạt chuỗi mã não, bình, lọ bằng đất nung còn khá nguyên vẹn. Tuy nhiên vì không biết đó là đồ cổ nên người ta đập bỏ, vứt đi. Những hạt mã não thì nhặt về cho con nít chơi. Chúng tôi gặp một phụ nữ Cơ Tu khoảng trên 60 tuổi, bà khoe một chuỗi hạt đeo cổ gồm nhiều hạt nhựa xen lẫn với những hạt mã não hình quả trám óng ánh rất đẹp do bà tình cờ nhặt được.
Người dân ở đây cũng đã cung cấp cho đoàn một chiếc nồi bằng đất nung và dẫn tới nơi tìm được chiếc nồi. Đoàn tiến hành khai quật tại khu vực này. Sau nhiều giờ khai quật, đoàn đã may mắn phát hiện được một quần thể các hiện vật được xác định là thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh. Trong quần thể có chiếc “mộ chum” đất nung chứa nhiều hiện vật quý như trang sức, đá quý và đặc biệt là một pho tượng hình ngựa bằng sắt vô cùng đặc sắc (theo TS khảo cổ học Phạm Hữu Công, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM thì dùng chữ “mộ chum” là không thật chính xác, bởi người xưa thuộc văn hóa Sa Huỳnh đã dùng chiếc chum làm quan tài, tẩm liệm người chết với tư thế ngồi bó gối rồi đem chôn, chứ không dùng chiếc chum làm mộ). Con ngựa sắt này được giám định có cách đây 2.000 - 2.500 năm. Ngựa có tư thế đứng, cổ cao. Trên bề mặt có các chi tiết như yên, dây cương thuộc dạng chiến mã. Ngựa cao 46,5 cm, dài 40 cm, nơi rộng nhất 18 cm. Tượng hiện đã gỉ sét, mất tai và gãy 1 chân.
|
Tuy nhiên, điều mà các nhà khảo cổ băn khoăn là không biết nên xếp con ngựa quý giá này vào dạng nào. Thuộc diện Văn hóa Sa Huỳnh thì cũng đúng bởi nó là vật tùy táng theo mộ chum, nhưng các bộ tộc người xưa khu trú tại miền Trung ngày nay lại không quen dùng chiến mã với đầy đủ yên cương, vậy thì có lẽ tượng xuất phát từ phương bắc rồi vì một lý do nào đó mà “lạc” đến vùng này và được sử dụng làm vật tùy táng?
Tượng ngựa sắt này (đang được lưu giữ tại Bảo tàng Văn hóa Việt) cũng như còn rất nhiều điều thú vị quanh sự xuất hiện của văn hóa Sa Huỳnh ở dãy Trường Sơn vẫn đang chờ sự nghiên cứu của các nhà chuyên môn.
Giải mã chữ trên lưng tượng Chămpa cổ Ngày 23.4, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cho biết Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) đã giải mã được những hàng chữ bí ẩn trên bia đá gắn sau lưng pho tượng Phật Lồi tại chùa Linh Sơn (ở thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn). Tượng cao 80 cm, rộng 46 cm, được chế tác từ đá sa thạch. Dựa vào một số chi tiết trên tượng, các nhà nghiên cứu xác định đây là tượng thần Visnu. Đáng chú ý, lưng tượng là một tấm bia hình ngũ giác, đỉnh nhọn, cao 60 cm, rộng 45 cm, có 12 dòng chữ Chămpa cổ. Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã dập và gửi những dòng chữ trên bia gửi Bảo tàng Guimet (ở Paris, Pháp) nhờ các chuyên gia dịch. Tháng 5.2011, Viện Viễn Đông bác cổ Pháp đã cử GS ArLo Griffiths, một chuyên gia về ngôn ngữ Ấn Độ cổ, đến tiếp cận văn bia này. Theo bản dịch của GS ArLo Griffiths, có thể tạm hiểu vua Sri Vrsu Visnujati Virabhadravarmadeva trị vì tại kinh đô Vijaya vào năm 1343-1352, dương lịch là năm 1430-1431, là người cho khắc bia đá và đã thực hiện một nghi lễ. Sau đó dưới sự hướng dẫn của vua Sri Jayasimhavarmadeva phục dựng thánh địa. Vijaya thường gọi là thành Đồ Bàn, kinh đô của Chămpa từ thế kỷ 11 đến năm 1471, hiện ở xã Nhơn Hậu (TX.An Nhơn, Bình Định). Ngoài ra, tại Bình Định còn có một thánh địa của người Chămpa, xây dựng sau thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) nhưng đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Đinh Bá Hòa |
Hà Đình Nguyên
>> Dấu vết văn hóa Sa Huỳnh ở Hà Tĩnh
>> Xây dựng Khu bảo tồn di tích văn hóa Sa Huỳnh
>> Phát hiện di chỉ văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi
>> Di chỉ văn hóa Sa Huỳnh bị xâm hại
>> 100 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh
>> Khai mạc trưng bày văn hóa Sa Huỳnh
Bình luận (0)