Đi đâu cũng thủ sẵn… nước sát khuẩn!

Thúy Hằng
Thúy Hằng
08/12/2021 06:15 GMT+7

Không lạ nếu một ngày bạn ra đường và bắt gặp ai đó đi chợ, siêu thị, đi cà phê đều mang theo một chai nước sát khuẩn . Thích ứng an toàn với tình hình có dịch Covid-19 , người trẻ ở TP.HCM đã thay đổi nhiều thói quen.

Không mang nước sát khuẩn thì không tự tin ra đường

Chị Nguyễn Thanh Hiền, 31 tuổi, trú số 19 đường 107, P.9, Q.8, TP.HCM đã quen với việc đi chợ phải treo thêm chai nước sát khuẩn bên xe máy. Mua gì xong là xịt bên ngoài túi ni lông mới cho vào giỏ. Ai thối tiền cũng xịt nước sát khuẩn lên tiền, rồi mới bỏ vào bóp, đồng thời rửa tay liên tục.

“Không chỉ đi chợ, mà đi tới cơ quan, tôi cũng có chai cồn để sẵn trên xe. Dọc đường có mua sắm gì thêm, hoặc xuống xe, bỏ áo chống nắng, nón bảo hiểm ra lại tiếp tục rửa tay với cồn. Mấy tháng nay da tay khô đi nhiều, nhưng bây giờ không có cồn hay nước sát khuẩn thì không tự tin, giống như ra đường quên mang tiền hay điện thoại vậy”, chị Hiền giải thích.

Một ngày cuối tháng 11, tại quán cà phê Bin, số 006 chung cư Khiêm Khải, đường 332, P.5, Q.8, nhiều người tới và chủ động ngồi cách một bàn so với nhóm khách khác. Không sử dụng nước rửa tay mà quán chuẩn bị sẵn, một bạn trẻ lấy trong giỏ xách chai cồn xịt trên bề mặt bàn và rửa tay, đồng thời đeo khẩu trang trong lúc gọi đồ uống. Chia sẻ với người viết, anh Văn Thanh Hải (trú đường Đặng Thúc Liêng, P.4, Q.8) cho hay đây là thói quen của anh mấy tháng qua. Đi đâu, anh và bạn bè cũng lựa những quán nào thoáng, khoảng cách các bàn xa nhau mới ngồi.

Trần Thùy Dương (phải) luôn mang theo cồn sát khuẩn bên mình

Thúy Hằng

Bạn trẻ tới đây đông dần lên

Phố đi bộ Nguyễn Huệ, P.Bến Nghé, Q.1 dần dần hồi sinh trở lại sau thời gian TP.HCM giãn cách xã hội phòng chống Covid-19. Mỗi tối, đặc biệt cuối tuần, số bạn trẻ tới đây đông dần lên. Tối 26.11, có mặt tại phố, chúng tôi ghi nhận các quán cà phê, đồ ăn vặt đã xôm tụ hơn hẳn trên các đường Nguyễn Huệ, Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế…

Người trẻ không tập trung đông tại một địa điểm. Trước tiệm nước giải khát, gà rán 66A Nguyễn Huệ, khi thấy quán nhiều người ghé tới hơn, nhiều bạn đang ăn chủ động đứng dậy, gói đồ ăn và nước uống mang theo vì ngại ngồi sát nhau.

Trần Thùy Dương (25 tuổi), nhân viên y tế, làm việc tại nha khoa Otis Dental (P.Bến Nghé, Q.1) cho biết để thích ứng an toàn trong dịch, cô và bạn luôn đeo khẩu trang, đi đâu cũng có nước rửa tay hoặc chai cồn. Dương là tình nguyện viên chống dịch, hơn 2 tháng làm nhiệm vụ tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 (nằm trong Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, TP.Thủ Đức, TP.HCM), là bệnh viện tầng 3, nơi điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch lớn nhất TP. Do đó, cô gái rất mừng khi thấy nhịp sống của TP hồi sinh trở lại.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ đang hồi sinh, các bạn trẻ đeo khẩu trang dạo phố

“Tôi vui vì những đóng góp của mình có ý nghĩa. Nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng không được chủ quan, khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin rồi mọi người rất cần có ý thức, chủ động 5K để bảo vệ chính mình và cộng đồng, để dịch không tái bùng phát”, Dương nói.

Trong khi đó, vừa “khởi động” lại các chuyến đi dã ngoại từ Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) tới H.Nhà Bè, H.Bình Chánh… vào các buổi không có lịch làm thêm, Nguyễn Yến Nhi (19 tuổi, sinh viên năm 2 Trường ĐH Gia Định) cho biết cô có những tiêu chuẩn an toàn như nơi ăn uống, ngồi chụp hình đều là những quán thoáng, không đông người; chỉ đi từng nhóm nhỏ, khi các bạn đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin…

Nhân viên một tiệm cà phê tại TP.Thủ Đức đeo khẩu trang, trang trí quán đón Giáng sinh

Thích trả tiền bằng ví điện tử hơn

Mỗi cuối tuần, Huỳnh Phương Duyên (25 tuổi, kiến trúc sư, làm việc tại Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam - Bộ Xây dựng) thường thích ngồi cà phê ở các quán nhỏ bên phố đi bộ Nguyễn Huệ. “Tôi mừng khi nhìn thấy sinh khí của phố phường, nhiều khi mình chỉ ngồi trên vỉa hè này, nhìn người ta đi bộ, dắt thú cưng đi dạo, trượt patin hay chơi đàn guitar trên phố cũng thấy vui”, Duyên nói. Từ ngày bình thường mới, khẩu trang, nước rửa tay là hai đồ bất ly thân của Duyên khi ra đường, cô cũng thích thanh toán trực tuyến hơn, hạn chế dùng tiền mặt khi có thể.

Anh Lê Văn Quang (34 tuổi, khởi nghiệp với chè bưởi Mẹ Siêu Nhân, TP.HCM) cho biết thích ứng an toàn sau dịch, anh đẩy mạnh bán hàng mang đi qua các ứng dụng trực tuyến, giao hàng tận nơi ở 3 chi nhánh (đường Chu Văn An, đường Lê Văn Duyệt và phố đi bộ Nguyễn Huệ). Để phục vụ khách ngồi tại quán, anh không dùng máy lạnh mà mở quạt để thông thoáng. Đồ ăn, đồ uống được để trong ly giấy cho mọi người tiện lợi đứng dậy mang đi theo nếu thấy quán đông lên, do đó không lãng phí đồ ăn.

“Hành vi của khách hàng cũng thay đổi so với trước đây. Rất nhiều người cầm theo cồn, nước sát khuẩn theo bên mình, ai cũng mang khẩu trang đầy đủ. Đặc biệt, mọi người chuộng thanh toán bằng các ví điện tử hơn vì đã quen với quét mã QR. Việc này tránh tiếp xúc, lây nhiễm qua tiền mặt, dù quán phải trả 1,1% doanh thu cho các ví này, song chúng tôi đều rất sẵn lòng”, anh Quang cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.