Đi dọc miền Tây, dừng chân Đồng Tháp: Nghe chuyện 'bốn mùa xuân', chờ... sếu đầu đỏ

17/11/2022 14:09 GMT+7

Về Đồng Tháp mà không ghé làng hoa Sa Đéc, đến thăm nhà cổ “Người tình”, vào Vườn quốc gia Tràm Chim, thưởng thức đặc sản... là chưa trải nghiệm hết sự thú vị của vùng đất miền Tây này.

Vùng đất có “bốn mùa xuân”

Ai đến Đồng Tháp cũng dễ phải lòng TP.Sa Đéc tươi đẹp, đáng sống. Nằm thơ mộng giữa dòng sông Tiền và sông Sa Đéc, làng hoa Sa Đéc với diện tích hơn 700 ha, phủ sắc rực rỡ cả một vùng trời rộng lớn, với hơn 2.000 giống kiểng các loại, từ hoa đến kiểng lá, cây công trình, kiểng ăn trái... mùa nào cũng có trăm hoa đua nở. Nhiều người ví Sa Đéc là vùng đất có “bốn mùa xuân” là vậy.

Một góc làng hoa Sa Đéc - nơi được ví là có bốn mùa xuân vì hoa, kiểng khoe sắc rực rỡ quanh năm

trần ngọc

Thời điểm này, làng nghề tất bật chuẩn bị hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán 2023. Thật thú vị khi bạn vừa ngắm hoa, vừa nghe các bậc cao niên kể lịch sử hình thành làng hoa Sa Đéc. Từ những năm đầu của thế kỷ 20, hoa kiểng Sa Đéc đã được các bậc tiền nhân mang đi bán khắp lục tỉnh Nam kỳ, sau đó đến thế hệ của nghệ nhân Tư Tôn - chủ vườn hồng Tư Tôn nổi tiếng vốn không ngừng sáng tạo để tiếng tăm làng hoa Sa Đéc càng thêm vang xa. Giai đoạn từ năm 1990 đến nay, người trồng hoa ở TP.Sa Đéc được xem là “thế hệ vàng” khi họ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng tầm giá trị cho hoa kiểng và xuất khẩu hoa sang Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước Ả Rập...

Hoa ở Sa Đéc được trồng trên giàn, để đi tưới hoa nông dân dùng xuồng ba lá

trần ngọc

TP.Sa Đéc hôm nay trở thành xứ sở ngàn hoa, vang danh khắp nơi vì nét lạ lẫm nhưng vẫn đậm chất miền Tây và hiếm thấy ở các làng hoa khác trên cả nước. Người Sa Đéc không trồng hoa trực tiếp dưới đất mà trồng trong chậu đặt trên giàn cao, phía dưới là mặt nước long lanh. Buổi sáng sớm cảnh trí nông dân lướt xuồng ba lá tưới nước cho những giàn hoa thẳng tắp tựa như nghệ sĩ lướt trên phím đàn giàu cung bật cảm xúc và phải si mê.

Lão nông Nguyễn Văn Tám (69 tuổi, ngụ xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc), ôn tồn giải thích: “Chuẩn bị hoa kiểng bán Tết, bà con phải xuống giống từ giữa năm. Thời gian đó cũng là mùa nước nổi nên nhà vườn phải đưa hoa lên giàn kẻo bị ngập. Năm nào cũng vậy nên thành lệ và trở thành hình ảnh rất riêng của người trồng hoa xứ này”.

Hàng năm làng hoa Sa Đéc đón lượng khách rất lớn đến tham quan

trần ngọc

Đã về làng hoa Sa Đéc mà không ghé nhà cổ Huỳnh Thủy Lê để nghe câu chuyện “Người tình” được Holywood dựng thành phim là vô cùng lãng phí. Sức hút của tác phẩm văn học này và bộ phim ăn khách cùng tên của đạo diễn Jean-Jacques Annaud chắc chắn thôi thúc du khách đến thăm căn nhà cổ nổi tiếng của họ Huỳnh giàu có bậc nhất xứ Sa Đéc khi đó.

Khách du lịch quốc tế ghé thăm quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

trần ngọc

Không phải là người yêu kiến trúc nhưng chúng tôi mê mẩn và choáng ngợp trước vẻ đẹp hoài cổ trong căn nhà của Huỳnh công tử với điểm nhấn nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, kết hợp hoài hoài giữa phong cách Đông - Tây. Đặc biệt, trong nhà còn lưu giữ nhiều hình ảnh liên quan đến câu chuyện tình xuyên biên giới giữa nữ nhà văn Pháp - Marguerite Duras và chàng công tử người Nam kỳ - Huỳnh Thủy Lê (con chủ nhà). Họ là 2 nhân vật chính trong tác phẩm “Người tình.

Còn thú vị nào hơn khi được ngồi nhâm nhi tách cà phê tại quán nhỏ gần nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nghe người dân kể lại những chuyện lôi cuốn của đoàn làm phim quốc tế năm xưa. Nào là đoàn làm phim đã phải tìm 4 địa điểm khác nhau để quay bối cảnh ngôi nhà của gia tộc họ Huỳnh và khu vực nhà lồng chợ Sa Đéc là nơi tái hiện cảnh đám cưới hoành tráng trong phim. Hay ly kỳ là chuyện con trai của bà Marguerite Duras sau này về Sa Đéc và ghé thăm ngôi nhà người tình của mẹ.

Cảnh trong phim Người tình

cắt từ phim

Những chuyện kể như thế càng làm tăng phần hấp dẫn của ngôi nhà cổ. Chúng tôi nghĩ lần sau về lại Sa Đéc, chắn chắn phải chuẩn bị một bộ áo dài để chụp ảnh cho hợp “mốt” và ở lại nhà cổ Huỳnh Thủy Lê một đêm để cảm nhận trọn vẹn hơn không gian văn hóa của người Nam bộ xưa và sống lại ký ức về một chuyện tình nổi tiếng thế giới.

Hủ tiếu khô Sa Đéc và chuột đồng quay lu Cao Lãnh

Nếu rời TP.Sa Đéc mà bạn không thưởng thức món hủ tiếu Sa Đéc là phí... nửa cuộc đời. Ghé bất cứ một quán hủ tiếu bình dân ven đường nào khi bụng đang “réo gọi” chỉ cần gọi “Cho một đĩa hủ tiếu Sa Đéc khô đi” là có ngay một đĩa hủ tiếu thơm phức, nóng hổi.

Món hủ tiếu khô Sa Đéc, nhìn dân dã nhưng thưởng thức rồi thì nhớ hoài không quên

trần ngọc

Hủ tiếu là món ăn trứ danh của TP.Sa Đéc, được xếp vào hàng món ngon Nam bộ, sánh ngang với hủ tiếu Nam Vang và hủ tiếu Mỹ Tho. Món ăn hấp dẫn với sự tổng hòa của nhiều nguyên liệu, người lạ thấy thèm, người quen ăn riết thành ghiền là có thật. Mà đã về Sa Đéc thì phải dùng món hủ tiếu khô. Chỉ cần vài miếng thịt heo, tim, gan, thêm vài lát ớt, vài cọng hẹ, xà lách tạo màu xanh đỏ đẹp mắt cho món ăn bắt mắt. Điểm nhấn là loại nước sốt rưới lên trên thoang thoảng mùi hương, bỏ thêm một ít hành phi, vài lá rau thơm nữa là coi như khỏi chê. Ăn kèm với món này không thể thiếu bát nước lèo được nấu công phu mang vị ngọt từ xương. Món này “lạ mà quen”, ăn ngon thì phải trộn nước sốt cho ngấm vào sợi hủ tiếu, ăn cho nóng là đúng bài. Càng ngon hơn khi dùng loại nước tương kèo kẹo do người dân Sa Đéc chế biến từ đậu nành ăn kèm.

Đã một lần thưởng thức hủ tiếu Sa Đéc thì sẽ rất khó để quên. Thứ nước dùng sền sệt, đậm đà hòa quyện từng sợi hủ tiếu tạo cảm giác rất đặc biệt. Bánh hủ tiếu ở đây độc đáo, sợi mềm nhưng không bở, vừa phải không ngán, không có vị chua mà thơm mùi hương gạo mới. Theo tương truyền, muốn ăn món này ngon thì nhất thiết phải mua hủ tiếu sợi được làm tại làng bột Sa Đéc hơn trăm tuổi. Ai đã trót lỡ ăn hủ tiếu Sa Đéc rồi thì nhớ hoài món ăn đặc sản và khi nào về xứ sở ngàn hoa miền Tây thì phải ăn hủ tiếu là vậy.

Món chuột đồng quay lu Cao Lãnh chế biến từ chuột thiên nhiên có "bao la" ngoài đồng, ăn giòn rụm, thơm ngon

CTv

Có dịp xuôi về TP.Cao Lãnh, du khách sẽ bị mê hoặc bởi món chuột đồng quay lu Cao Lãnh.

Nhiều người khi đến Đồng Tháp e dè thưởng thức món chuột đồng tự nhiên, tuy nhiên khi đã thưởng thức rồi thì ngon “kinh khủng”. Chuột quay lu da căng bóng, giòn rụm như heo quay chỉ cần chấm nước tương kèm theo vài cọng rau thơm, dưa leo thì hết ý. Nhiều khách phương xa khi đến Đồng Tháp có cảm giác e ngại khi thưởng thức món chuột quay lu vì sợ nguồn chuột không đảm bảo. Tuy nhiên, Đồng Tháp ruộng lúa bao la chuột đầy đồng, con nào cũng to béo nên ai dại gì mà đi tìm dùng chuột bẩn chế biến cho nhọc công.

Một góc Vườn quốc gia Tràm Chim nhìn từ trên cao

Thanh duy

VTràm Chim tìm loài chim biểu tượng của Đồng Tháp

Nếu đã đến Đồng Tháp mà không ghé làng hoa, thăm nhà cổ, vào Tràm Chim thì giống như thưởng thức một món ăn mà chưa được nêm nếm đậm đà, chưa trải nghiệm hết sự thú vị của vùng đất này. Mất khoảng 1 giờ từ TP.Cao Lãnh di chuyển ngược lên hướng biên giới Campuchia sẽ đến Vườn quốc gia Tràm Chim - Khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Tràm Chim có hệ sinh thái dưới nước phong phú với hơn 150 loài cá nước ngọt. Nơi đây cũng là 1 trong 8 vùng chim quan trọng ở vùng nước ngọt của Việt Nam, với hơn 232 loài, trong đó có 32 loài chim quý hiếm được bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế. Đặc biệt nổi tiếng với loài sếu đầu đỏ một loài chim quý nằm trong sách đỏ của thế giới và từ lâu đã trở thành biểu tượng của tỉnh Đồng Tháp.

Du khách tham quan cánh đồng hoa hoàng đầu ấn tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

Tràm Chim cảnh sắc bốn mùa đều đẹp với các loại hoa hoang sơ nhưng rực rỡ sắc màu. Nếu đến nơi đây đúng vào dịp mùa hoa hoàng đầu ấn nở rộ sẽ cảm giác như đang bước trên một thảm lụa vàng lộng lẫy rộng thênh thang trên nền xanh của thiên nhiên hoang dại. Hay đến đúng lúc sẽ thấy những dòng kênh đầy ắp loài hoa nhĩ cán tím đung đưa quyến rũ trên mặt nước hay những cánh đồng hoa sen, hoa súng nở rộ. Chúng tôi đến Tràm Chim đúng vào mùa nước nổi, hệ sinh cảnh Tràm Chim đẹp tựa như một bức tranh thủy mặc.

Tràm chim có 174 loài thực vật nổi, độc đáo với quần xã sen, cỏ ống... Nơi đây vẫn còn duy trì hoạt động thu hoạch lúa trời (hay còn gọi là lúa ma). Đây là loài lúa hoang dại đặc trưng trong mùa nước nổi. Trong khi các loài cây thân cỏ khác bị nước nhấn chìm thì lúa trời vẫn không chịu ngập nước.

Gia đình sếu đầu đỏ ở Vườn quốc gia Tràm Chim

đỗ minh chánh

Ngồi trên chiếc ghe từ từ rẽ sóng vào những cánh rừng tràm bạt ngàn như lọt vào miền cổ tích huyền ảo. Càng vào sâu trong rừng chúng tôi càng bị hấp dẫn bởi nét hoang sơ, kỳ bí của rừng tràm tỏa hương thơm ngát. Buổi chiều chim muông sải cánh bay về tổ trú ngụ, thỉnh thoảng vài con cá quẫy đuôi đớp mồi dưới dòng nước mát rượi. Đi được vài đoạn lại bắt gặp những tổ cò, vạc, cồng cộc đang mớm mồi cho chim non háu đói trong tổ.

Còn gì bằng khi được dừng chân trong rừng tràm thưởng thức cơm gói lá sen dân dã, nhâm nhi món cá lóc đồng nướng trui ăn kèm lá sen, cá linh kho chấm bông súng đồng… Anh Nguyễn Thanh Nhàn (33 tuổi, du khách TP.HCM) thích thú chia sẻ: “Tôi thấy mình thật nhỏ bé giữa thiên nhiên hoang sơ, thanh bình của Tràm Chim. Vào đây thật sảng khoái vì được sống hài hòa với thiên nhiên”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (32 tuổi, du khách Đà Nẵng), xuýt xoa: “Người yêu thiên nhiên đến Tràm Chim ngắm cảnh mỏi mắt, chụp ảnh mỏi tay là có thật. Nơi đây còn nhiều hoang sơ, không thể khám phá hết trong một chuyến đi. Hoàng hôn mùa nước nổi ở đây đẹp lịm tim, chỉ tiếc là chưa thấy được sếu”.

Sếu đầu đỏ là loài đại diện cho Tràm Chim và tỉnh Đồng Tháp. Sếu về nơi đây thường vào cuối năm cũ, đầu năm mới và đến đầu mùa hạ, khi mưa xuống nhiều thì chúng mới bay đi. Hiện sếu thưa thớt dần và câu chuyện về đàn sếu hàng ngàn con bay về Tràm Chim những năm 1988-1989 chỉ còn là ký ức. Chưa biết sếu đầu đỏ sẽ lũ lượt kéo về nhiều khi nào, nhưng tin rằng thiên nhiên rồi cũng sẽ phục hồi, sinh sôi. Đất lành thì chim đậu, miễn là mọi thứ cứ bình yên, môi trường vẫn xanh, thảm thực vật không mất đi sự phong phú thì loài sếu đầu đỏ - biểu tượng của Đồng Tháp sẽ tìm về vùng đất lành này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.