Ông Cao Văn Lạc, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Cư Jút, đưa tôi đến lớp học trồng nấm ở xã Đăk Wil cách trung tâm huyện 20 km. Ông Lạc chia sẻ: “Lớp học trồng nấm hoàn toàn miễn phí. Nhưng mình phải đưa giáo viên đến tận đây dạy để bà con không phải vất vả lặn lội xuống trung tâm học. Học viên còn được hỗ trợ tiền ăn trưa thêm 30.000 đồng/ngày thực học theo nhà nước quy định nên rất hào hứng. Một khóa học từ 320 - 360 tiết. Bà con học xong được cấp chứng chỉ và đủ kiến thức để trồng các loại nấm cho giá trị kinh tế cao”.
Hào hứng tham gia
tin liên quan
Bí quyết làm giàu: Từ bán rau củ thành nữ triệu phú nấmHầu hết bà con nông dân theo khóa học trồng nấm tại xã Đăk Wil với mong muốn đổi đời. Theo họ, nhiều năm nay cứ chạy theo cây lúa, cây cà phê, cây tiêu hay các loại hoa màu khác nhưng đời sống kinh tế vẫn rất khó khăn. Bà Đinh Thị Thúy, 56 tuổi, dân tộc Tày, tâm sự: “Tôi có chồng là thương binh mất sức lao động. Trồng tiêu thì tiêu chết, giá rẻ. Trồng các loại hoa màu truyền thống thì vất vả mà hiệu quả không cao. Đi học trồng nấm để thoát nghèo”. Anh Lý Văn Chay, 35 tuổi, dân tộc Dao, phấn chấn: “Làm ruộng, làm rẫy thu nhập rất thấp. Có lớp học trồng nấm miễn phí mà nghe nói thu nhập gấp 10 lần trồng lúa thì rất mê. Xong khóa học lại còn được nhận tiền công đi học thì càng sướng”. Còn cô gái Hoàng Thị Viện, 21 tuổi, dân tộc Dao, thì ấp ủ khát vọng lớn hơn. “Bố mẹ làm nương, làm rẫy gần 30 năm rồi mà cuộc sống có khấm khá gì đâu. Vì thế, đi học trồng nấm với ước muốn không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn có thể làm giàu nữa”, Viện bộc bạch.
|
Rơm rạ “mọc” ra tiền tỉ
Kỹ sư Hồ Thị Mỹ Hạnh lý giải việc cần thiết phải nhân rộng mô hình trồng nấm. Theo đó, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển nghề trồng nấm. Riêng lượng rơm rạ 20 - 30 triệu tấn/năm đủ để sản xuất 2 triệu tấn nấm tươi, trị giá 1 tỉ USD, thậm chí nếu chế biến thành đồ hộp giá trị còn cao hơn. Trong khi đó, đến nay cả nước mới sản xuất được khoảng 250.000 tấn nấm/năm. Theo tính toán của kỹ sư Hạnh, nếu đầu tư khoảng 40 triệu trồng nấm rơm, một năm có thể thu về 70 triệu đồng tiền lãi. Còn nấm bào ngư đầu tư khoảng 40 triệu thì một năm thu khoảng 40 triệu tiền lãi.
Kỹ sư Kim Lợi cho biết thêm: sản xuất nấm đem lại nguồn thực phẩm sạch và giàu dinh dưỡng, chi phí sản xuất thấp và cần diện tích nuôi trồng ít hơn nhiều lần so với cây trồng khác, tạo việc làm tại chỗ và mọi lứa tuổi đều có thể tham gia. Ngoài ra, trồng nấm còn giúp hạn chế việc đốt rơm rạ, phá rừng làm rẫy... Trong lĩnh vực sinh học nông nghiệp, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật về chọn tạo giống nấm, kỹ thuật nuôi trồng và sự bùng nổ thông tin, nghề trồng nấm đã và đang phát triển trên toàn thế giới. Đây được coi là nghề xóa đói, giảm nghèo và làm giàu nhanh chóng, thích hợp với các vùng nông thôn, miền núi.
Bình luận (0)