Đi học trực tiếp bị F0, F1 thì học sinh sẽ học như thế nào?

Bích Thanh
Bích Thanh
09/12/2021 13:57 GMT+7

Học sinh sẽ được hỗ trợ việc học trong trường hợp đi học trực tiếp trở thành F0, F1 phải thực hiện cách ly.

Học sinh lớp 9, 12 sẽ đi học trực tiếp vào ngày 13.12

Đ.N.T

Phân công giáo viên hỗ trợ

Khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, việc xuất hiện F0, F1 bị cách ly, không thể tiếp tục đến trường đã được các trường dự báo. Từ đó, nhà trường xây dựng phương án cụ thể để hỗ trợ học sinh, tránh ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức.

Bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), cho biết việc tổ chức cho học sinh đến trường sẽ có phát sinh tình huống học sinh trở thành F0, F1, không thể đến trường. "Tuy vậy, nhà trường không thể ngừng việc dạy học nên phải xây dựng phương án thích ứng, linh hoạt", bà Chương nói.

Học sinh tiêm phòng vắc xin Covid-19 để chuẩn bị đến trường

Đ.N.T

Theo cô Chương, nhà trường trước mắt vẫn duy trì việc cập nhật bài giảng trực tuyến lên hệ thống học liệu của các nền tảng học trực tuyến. Đối với mỗi bộ môn, nhà trường sẽ phân công một giáo viên thực hiện tiết dạy trực tuyến theo thời khóa sắp xếp vào trái buổi. Sau thời gian cách ly, học sinh đi học trở lại, nhà trường sẽ tổ chức phụ đạo, củng cố kiến thức, cô Chương lưu ý.

Tương tự, cô Kim Nguyễn Quỳnh Giao, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Q.8), cho hay, trong trường hợp học sinh đủ sức khỏe, thực hiện cách ly tại nhà thì nhà trường phân công giáo viên dạy trực tuyến hoặc giao nhiệm vụ học tập cho các em. Còn nếu phải thực hiện cách ly tập trung, điều trị bệnh tại trung tâm y tế thì khi học sinh ổn định sức khỏe, nhà trường sẽ dành thời gian phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức, theo cô Giao.

TP.HCM kết thúc chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi

Học sinh học nhóm, chia sẻ

Tại Trường THPT Trường Chinh (Q.12), Hiệu trưởng Nguyễn Minh Hoàng cho hay dù học sinh sẽ học trực tiếp nhưng nhà trường vẫn duy trì hệ thống nền tảng dạy học trực tuyến với đầy đủ nội dung các bài giảng trực tuyến, hệ thống bài tập, ôn tập… để chuẩn bị cho các tình huống phát sinh nếu học sinh không thể đến trường do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo thầy Hoàng, bên cạnh việc phân công giáo viên trong các tổ bộ môn theo dõi và tổ chức tiết dạy trực tuyến hỗ trợ học sinh thì nhà trường còn khuyến khích học sinh kết nối với nhau. Cụ thể, học sinh trong các nhóm lớp có thể trao đổi, tổ chức giờ học nhóm để hỗ trợ bạn bè bị cách ly, không thể đến trường.

Đề cập đến việc học sinh trở lại trường học trực tiếp, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhấn mạnh học sinh đến trường là hết sức cần thiết vào thời điểm này.

Ông Hưng lưu ý việc kéo dài học trực tuyến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý học sinh, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Hệ lụy của học trực tuyến kéo dài còn kéo theo nhiều bệnh không lây nhiễm, như cận thị, loạn thị, cong vẹo cột sống... ảnh hưởng đến sự phát triển của học sinh.

"Đi học trực tiếp còn là nhu cầu thực sự của học sinh… Học sinh trở lại trường sẽ là cơ hội rèn giũa kỹ năng phòng chống dịch để trở thành thói quen, phản xạ; giáo dục kỹ năng, hành vi có lợi có sức khoẻ, hình thành thế hệ tương lai có nhiều kỹ năng bảo vệ sức khỏe", ông Hưng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.