Chứng kiến cách ông Phạm Dương chăm sóc từng li từng tí cho bà Quách Tân Ngọc Minh (51 tuổi, tạm trú P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), ai cũng tưởng hai người là ruột thịt với nhau. Nhưng không, cả hai lại là người xa lạ. Khi biết bà Minh bị ung thư vú, ông Dương đã tự nguyện đến chăm sóc suốt hơn 1 năm qua. Câu chuyện tưởng chừng trong cổ tích lại xuất hiện thật đẹp giữa đời thường.
Mình 'rách' ít thì đùm bọc người 'rách' hơn mình
Đường từ nhà ông Dương đến nhà trọ của bà Minh khoảng 10 km. Mỗi ngày, ông đến chăm sóc bà 2 lần, với quãng đường cả đi và về 4 lượt gần 40 km. “Ngày nào tôi đến 2 lần, buổi sáng lúc 6 giờ và buổi chiều lúc 4 giờ để thăm nom, chăm sóc cho bà Minh. Sáng thì đến lau dọn phòng, nấu cơm, giặt giũ và dặn dò uống thuốc đủ liều. Chiều tôi lại đến thăm nom và chỉ an tâm về nhà khi bà ấy đã uống thuốc xong”, ông Dương nói. Không chỉ hằng ngày đạp xe đến nhà trọ giúp đỡ bà Minh, cứ cách tuần, bà Minh nhập viện tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ để vô thuốc thì ông Dương lại theo chăm sóc cả tuần.
Bà Minh kể bà bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ, may mắn được cưu mang tại một nhà thờ ở Hậu Giang trong tình yêu thương của các ma-sơ (soeur). Năm 20 tuổi, bà rời nhà thờ và lưu lạc đến Cần Thơ, nương thân ở đầu đường xó chợ, hằng ngày đi lượm ve chai kiếm sống. Cơ duyên chợt đến vào năm 2013, khi bà đi lượm ve chai ở bến Ninh Kiều thì gặp ông Dương. Thấy cảnh khổ của bà, ông Minh hỏi chuyện và thấu hiểu được hoàn cảnh, thế là ông xem bà như một người chị trong gia đình.
Năm 2020, bà Minh phát bệnh ung thư vú giai đoạn 4, rồi bị xe đụng khiến đôi chân bị chấn thương nặng, đi lại rất khó khăn. Cám cảnh cuộc đời bất hạnh của bà Minh, ông Dương đã tìm đến chăm sóc mà không hề nghĩ suy. “Giờ bà ấy hay quên trước sau, sinh hoạt hằng ngày cũng không thể tự lo liệu được. Từ khi bị xe đụng đến nay, bà ấy chỉ có thể đi khập khiễng vài bước hoặc di chuyển bằng cách lê lết dưới đất. Còn căn bệnh ung thư thì hành hạ khiến bà ấy đau nhức như chết đi sống lại. Giờ một bên ngực cũng lở loét, mùi mủ, mùi máu tanh hôi khiến ai cũng tránh né”, ông Dương cho biết. Cũng bởi vì thế mà nhiều người chạy xe ôm cũng không dám nhận chở bà đi nhập viện. “Bởi không ai dám chở nên cách tuần nhập viện điều trị là tôi đạp xe chở bả (bà Minh) đi. Đến bệnh viện, thấy ai cũng có người thân chăm sóc, bả đâm ra tủi thân. Những lúc như vậy, tôi tìm cách an ủi bả suốt mới bớt buồn”, ông Dương nói.
|
Hoàn cảnh ông Dương cũng lắm khó khăn. Vợ chồng ông chia tay, vợ để lại 2 con nhỏ - đứa nhỏ 10 tuổi, đứa lớn 12 tuổi cho ông chăm sóc. Để lo cho các con, ông xin đi giữ sà lan, mỗi tháng thu nhập 3 triệu đồng, cũng không đủ xoay sở. Những lúc nuôi bệnh bà Minh, ông ở suốt trong bệnh viện, chỉ khi đến tối mới vội vã đi giữ sà lan, sáng sớm lại chạy vào chăm sóc bà. “Cực khổ cách mấy tôi cũng chịu được, miễn sao giúp đỡ bà ấy níu kéo được sự sống. Nhiều người nói tôi dại, đã nghèo lại tự rước họa vào thân, tự dưng đi chăm sóc người dưng, nhưng tôi không màng đến. Bản thân tôi thấy công việc mình đang làm có ý nghĩa thì vẫn cứ làm, ai nói sao mặc kệ. Mình 'rách' ít thì đùm bọc người 'rách' hơn mình”, ông Dương chia sẻ.
Nước mắt lưng tròng, bà Minh đưa cánh tay sưng phù lau nước mắt nói: “Tôi may mắn gặp được ông Dương. Nếu không có ông ấy, tôi cũng chẳng biết trông cậy vào đâu. Chỉ có ông ấy không xa lánh khi tôi nồng nặc mùi máu mủ và không gớm ghiếc mỗi khi dọn dẹp bởi tôi không tự chủ được trong vệ sinh”.
Bà Nguyễn Thị Vân (43 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều) cho biết: “Biết hoàn cảnh quá khổ của bà Minh nên tôi cũng vận động để giúp bà suốt 8 tháng nay. Riêng đối với ông Dương, dù gia cảnh rất khó khăn nhưng vẫn tự nguyện đến chăm sóc và chở bà Minh đi viện, còn ở lại chăm sóc suốt thời gian nằm viện khiến ai cũng nể phục”.
Bằng tình yêu thương, ông Dương trở thành chỗ dựa cho bà Minh và giúp bà duy trì cuộc sống... Việc làm của ông khiến ai thấy cũng không khỏi ngạc nhiên và nể phục một câu chuyện quá đẹp về tình người.
|
Bình luận (0)