Khi mời bà Hillary Clinton làm ngoại trưởng cách đây 4 năm, ít ai phủ nhận rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đi một nước cờ cao tay. Chỉ trong phút chốc, vị tổng thống trẻ tuổi nắm được một chính khách thuộc dạng “ngôi sao” trên chính trường Mỹ vốn là đối thủ hùng mạnh. Theo kết quả thực tế, quyết định của ông Obama đã thành công.
“Ngôi sao nhạc rock”
Khi so sánh với các ngoại trưởng lẫy lừng của Mỹ, bà Clinton có thể chưa để lại di sản hay thành tựu nào cụ thể. Trong lịch sử Mỹ, ông John Quincy Adams, ngoại trưởng đời thứ 8 và là tổng thống đời thứ 6, giúp thai nghén nên Học thuyết Monroe khẳng định khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ là sân sau của Washington. Đến cuối thập niên 1940, ngoại trưởng đời thứ 50 là George Marshall ghi dấu ấn với kế hoạch tái thiết kinh tế châu u sau Thế chiến thứ 2. Người kế vị là Dean Acheson thì được đánh giá như một kiến trúc sư cho chính sách ngăn chặn Chiến tranh lạnh và góp phần tạo nên NATO. Đến ông Henry Kissinger, ngoại trưởng thứ 56 của Mỹ, cũng đạt thành công cùng chính sách giải tỏa căng thẳng với Liên Xô và chủ trương lập quan hệ hữu nghị với Trung Quốc...
|
Mặc dù không đạt thành tựu ấn tượng như các bậc tiền bối nhưng bà Clinton vẫn kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 1.2 trong tư thế ngẩng cao đầu khi đạt tỷ lệ ủng hộ cao chót vót ở mức 69%. Đó là kết quả khảo sát do Đài NBC và báo The Wall Street Journal vừa thực hiện. Trên tờ Times Magazine, Giáo sư Stephen Walt chuyên về quan hệ đối ngoại của Đại học Harvard gọi bà Hillary là “nhà ngoại giao ngôi sao nhạc rock”. Có lẽ, chính nhờ những điều này mà Tổng thống Obama, khi phát biểu trên Đài ABC, đã ca ngợi cộng sự Hillary Clinton là “một trong những ngoại trưởng giỏi nhất” của Mỹ.
Tận dụng lợi thế giao tiếp khéo léo và bệ đỡ hoàn hảo khi phu quân từng làm tổng thống Mỹ suốt 2 nhiệm kỳ, bà Clinton di chuyển tất bật trên toàn thế giới để kết nối với các đối tác. Ngoại trưởng này theo đuổi phương châm mà bà nhấn mạnh là Mỹ phải “có ghế tại mọi bàn đàm phán có tiềm năng hợp tác để giải quyết vấn đề”. Vào năm 2009, Hillary Clinton đã lên tiếng tán thành việc sử dụng “quyền lực thông minh” trong chính sách đối ngoại. Bà cho rằng phải cân bằng 2 tầm nhìn đối lập về vai trò của Mỹ trên thế giới. Một mặt, Washington cần sử dụng sức mạnh quân sự và tập trung khai thác tầm ảnh hưởng đang có. Mặt khác, Washington cần nhấn mạnh vai trò của các liên minh và sử dụng những thể chế quốc tế để theo đuổi hòa bình. “Chính sách đối ngoại của Mỹ là một cái ghế 3 chân: quốc phòng, ngoại giao và phát triển”, theo lời bà Clinton nói vào năm đó. Nữ ngoại trưởng này đã khéo léo duy trì quan hệ Mỹ - Trung vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm trong khi chỉ trích mạnh mẽ tham vọng bá quyền của Bắc Kinh tại châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, bà Clinton còn thể hiện mối quan tâm chính trong quan hệ giữa Mỹ với châu u, hồi phục những nền kinh tế đang sứt mẻ của cả hai phía. Thêm vào đó, bà cũng kéo quan hệ với Pakistan ra khỏi bờ vực, đồng thời sẵn sàng dùng con bài kinh tế để gia tăng áp lực đối với Iran thay vì dọa nạt bằng vũ lực. Sau nhiệm kỳ vừa qua, bà Clinton đã tóm gọn phương pháp tiếp cận của mình bằng cách mô tả chính sách ngoại giao là chìa khóa đảm bảo an ninh quốc gia của Mỹ.
Vì thế, khó ai phủ nhận rằng nỗ lực vượt bậc của bà Clinton suốt 4 năm qua mang lại kết quả khá ấn tượng. Nữ ngoại trưởng này đã lèo lái chuyển hướng chính sách đối ngoại của Mỹ từ chỗ tập trung can thiệp trực tiếp và tham chiến với mức độ cao trên toàn cầu sang một thứ “vũ khí ngoại giao” và tăng cường đa phương hóa. Bà Clinton đã khéo léo tránh những nguy cơ xung đột bạo lực trước khi nó thực sự bùng nổ, đồng thời giúp cải thiện uy tín nước Mỹ sau triều đại của Tổng thống George W.Bush.
Tương lai sáng chói
Những gì Ngoại trưởng Clinton tạo ra sẽ là tiền đề tích cực cho người kế nhiệm John Kerry, vốn được nhìn nhận như một nhà ngoại giao có cách tiếp cận mềm dẻo. Ông Kerry cũng đưa ra các chính sách tương tự như bà Clinton đã theo đuổi nên quá trình chuyển giao chiếc ghế ngoại trưởng Mỹ khó có khả năng vấp phải trở ngại.
Từ những thực tế trên, chẳng hề quá lời khi cho rằng Hillary Clinton là chính khách được yêu mến hàng đầu tại Mỹ. Vì thế, chưa kịp rời ghế ngoại trưởng, bà đã được nhiều người trông đợi sẽ trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 2016. Mặc dù bà chưa tỏ ý sẽ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng đợt tới nhưng đã có hai Siêu ủy ban hoạt động chính trị (Super PAC) được thành lập. Cả hai đều lên kế hoạch quyên góp tiền nếu bà Clinton ứng cử tổng thống, theo Đài ABC. Trong lịch sử chính trường Mỹ, không ít ngoại trưởng đã trở thành tổng thống, điển hình như Thomas Jefferson, James Madison, James Monroe đến James Buchanan… Vì thế, nếu Ngoại trưởng Clinton tiếp tục giữ được phong độ và “hào quang” như hiện tại thì dân Mỹ có quyền hy vọng sớm có nữ tổng thống đầu tiên.
Ngoại trưởng chịu đi nhất Kênh ABC đã thống kê khá chi tiết số giờ di chuyển công cán vào hàng kỷ lục của bà Clinton Số giờ di chuyển: 2.084,21 giờ/86,8 ngày Quãng đường đã đi: 1.539.712 km Số nước đã đến: 112 Số ngày di chuyển: 401 Các cuộc gặp với nguyên thủ thế giới: 1.700 Gặp tại Nhà Trắng: 755 Số bữa ăn trên máy bay: 570 Số lần nhảy trước ống kính: 3 (Columbia, Malawi, Nam Phi) |
Thụy Miên
>> Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trở lại làm việc
>> Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton xuất viện
>> Bà Hillary Clinton nhập viện khẩn cấp
>> Bà Hillary Clinton ngất xỉu vì đau dạ dày
>> Các ứng viên kế nhiệm bà Hillary Clinton
>> Khó đoán tương lai bà Hillary Clinton
>> Angela Merkel, Hillary Clinton - hai phụ nữ quyền lực nhất thế giới
>> Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp gỡ sinh viên Ngoại thương
>> Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến Việt Nam
>> Ngày mai, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Hà Nội
>> Bà Hillary Clinton lập kỷ lục công du 100 nước
>> Al-Qaeda treo giá 10 con lạc đà cho Obama, 20 con gà cho Hillary Clinton
Bình luận (0)