Dự kiến các sản phẩm nghệ thuật của dự án sẽ được triển lãm vào tháng 1.2019.
“Cái này mà làm là bán được”
Nhà thiết kế công nghiệp Nguyễn Huy Biển thấy gỗ vụn, gỗ công nghiệp vụn, sơn thừa tại xưởng của Công ty nội thất Pallet (Hà Nội) và muốn tận dụng tất cả. “Gỗ tự nhiên thừa thì có nhiều cách sử dụng, nhưng những mẩu vụn gỗ công nghiệp thì không ai sử dụng tái chế cả. Tôi đưa ra ý tưởng tận dụng hết.
|
Tôi đổ mặt nạ bằng xi măng kết hợp bột gỗ rồi vẽ sơn lên những mặt nạ tuồng. Sau đó, tôi đặt mặt nạ lên những khung bằng gỗ công nghiệp thừa. Tôi cũng dùng bột gỗ và xi măng đổ thành những chậu cây trang trí trong văn phòng”, ông Biển nói. Ông Biển cũng cho biết, ông đặc biệt yêu quý di sản tuồng. “Khi sơn hoàn thiện bề mặt và vẽ mặt nạ, tôi chọn tuồng đưa lên. Đây là bộ môn có nguy cơ mai một lớn nên tôi muốn phát triển nó”, ông chia sẻ.
|
Nghệ sĩ Lại Diệu Hà lại pha trộn tất cả những đôi giày lỗi tạo hình thành xác máy bay và thủy sinh len lỏi xen vào tạo thành một sắp đặt. Hà Nội có hồ Hữu Tiệp, nơi xác máy bay B.52 ở dưới lòng hồ có một loài thủy sinh thủy tức sống tương tác với môi trường và xác máy bay. Cô để giày vào những cái gối được ghép từ vải thừa cũng của nhà máy và thiết kế sắp đặt giống như những mảnh ghép xác máy bay B.52, tiếp nối ý tưởng mà cô đã từng làm triển lãm cá nhân ở Cúc Gallery. Điều này cho thấy việc cần bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, nghệ sĩ điêu khắc Lê Giang thử làm tác phẩm mới của mình tại một xưởng sản xuất nhựa. Cô muốn làm một hòn đảo với nhiều hoa đào đang độ nở. Đó là thế giới không tưởng Đảo Đào Hoa - một truyền thuyết khá quen thuộc với nhiều nước châu Á. “Tôi tạo hòn non bộ và có hoa đào bằng chất liệu nhựa tại xưởng của Công ty Hami. Họ hoàn toàn dùng nhựa tái chế. Máy móc của họ cũng là tái chế. Tác phẩm của tôi chủ yếu làm bằng những máy móc này”, cô nói.
Trong quá trình làm, nghệ sĩ Lê Giang cũng có những va chạm nho nhỏ khi làm khuôn với một công ty khác trước khi đổ nhựa. Chẳng hạn, có những sản phẩm chưa nuột nà như ý cô, song người gia công cho rằng như thế là đẹp rồi. “Họ luôn nghĩ họ làm thế đã là đẹp, tại sao mình cứ phải cố làm thêm. Có những khuôn rất lởm chởm. Hoặc đặt núi hình thang thì lại làm ra hình tam giác. Sau cùng thì cũng làm được khuôn cho hòn non bộ và các chi tiết của cây”, cô nhớ lại.
|
Nhưng điều đáng nói nhất là khi những bông hoa đào nhựa đầu tiên được sản xuất, người chủ xưởng đã rất muốn tiếp tục hợp tác với cô. “Anh ấy thắc mắc, tại sao không làm nhiều mà chỉ làm một tác phẩm. Anh ấy bảo cái này mà làm là bán được đây. Bản thân anh ấy cũng muốn làm hoa nhựa lâu rồi nhưng không có ai tạo mẫu”, nghệ sĩ Lê Giang nói. Đây cũng là ý mà ông Nguyễn Cường, quản lý Công ty nội thất Pallet đã nói với ông Biển. “Tôi nhìn cái mà Biển làm về tuồng bằng chất liệu sơn, tôi nói ngay: Ôi cái này anh em mình có thể làm được đây này!”, ông Cường nhớ lại.
Nâng giá trị tinh hoa nghề bằng thiết kế mới
Ông Nguyễn Cường cũng cho biết: “Khi được làm việc cùng anh Biển thì thực sự thấy đặt ra nhiều câu hỏi, vấn đề. Những ý tưởng đưa xuống rất mới lạ và chưa bao giờ có ở Hà Nội hay trong quá trình làm việc của bọn tôi. Những đơn vị như xưởng tôi, mọi người đang đi theo rập khuôn, lối mòn mà không có sự sáng tạo nào. Xưởng thì vẫn theo công thức thiết kế, sản xuất, sản phẩm cuối. Thiết kế bị chi phối vì chỉ có bản vẽ phổ thông thông thường. Những cái sáng tạo như anh Biển thì không có”.
|
TS Jane Gava, ĐH Sydney (Úc), người đã kết nối hai bên nghệ sĩ và xưởng sản xuất, cũng vui mừng vì điều này. Hiện tại, dự án mà bà và UNESCO thực hiện trong năm 2018 này đang có 7 cặp kết nối như thế. “À, có thể bán được đấy, chúng mình hợp tác để bán đi... Phản ứng này khá phổ biến. Tôi hiểu, việc sáng tạo để có được sản phẩm thương mại sẽ giúp có bước tiến dài hơn. Khi người sản xuất nhận ra việc sáng tạo cần thiết, họ sẽ tạo cơ hội thay đổi, cũng là cơ hội phát triển lâu dài. Các nước vẫn gọi đó là nghiên cứu đầu tư phát triển và tái đầu tư cho thiết kế”, nhà nghiên cứu này nói.
Bà cũng cho biết cách thay đổi suy nghĩ của những doanh nhân như ông Cường khiến bà rất vui. “Họ đã có quy trình sản xuất cố định nhưng vẫn lắng nghe xem người mới làm gì. Hơn nữa, họ sẵn sàng bắt tay hợp tác. Tiếp nữa là họ muốn tìm những giải pháp mới, ý tưởng mới cho doanh nghiệp từ những giải pháp đó. Đây là những diễn tiến hợp tác mà chúng tôi mong đợi”, bà nói.
|
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa UNESCO tại VN, cho biết lý do UNESCO quyết định làm dự án kết nối này: “Đó là một dự án nghe qua chẳng dính gì đến di sản cả. Nó bắt nguồn từ trăn trở của chúng tôi về việc lâu nay hễ cứ nói đến di sản là chỉ nói đến bảo vệ. Như vậy, chúng ta sẽ chỉ tập trung quá nhiều vào di sản vật thể. Mà trong thế giới rộng lớn còn có di sản phi vật thể. Đó là những hiểu biết, kỹ năng sáng tạo, các tinh hoa nghề. Vậy chúng ta sẽ truyền gì cho mai sau, tại sao không có thêm những giá trị gia tăng của chính thế hệ chúng ta. Đó chính là di sản cho tương lai. Và nó chỉ có thể đến từ sáng tạo”.
Bà Hường cũng nói đến những trăn trở về sự suy thoái của hơn 3.900 làng nghề trên toàn quốc và 1.360 làng nghề tại Hà Nội. “Tại sao những làng nghề truyền thống như thế lại mai một? Khi thiếu sáng tạo thì họ chuyển sang việc gia công và đa số đi vào xu hướng đó rồi cạnh tranh bằng giá rẻ. Như vậy, họ hoàn toàn thua sản xuất công nghiệp. Thế thì giá trị của làng nghề ở đâu, tinh hoa nghề ở đâu? Rõ ràng có điểm nghẽn. Và chúng ta chỉ có cách nâng giá trị của tinh hoa nghề lên bằng thiết kế mới. Đó sẽ là những di sản mới cho tương lai”, bà nói.
Bà Hường cũng cho biết về dự án kết nối: “Khi kết thúc dự án, chính công nhân cũng có ấn tượng sâu sắc là họ có thể làm được các sáng tạo. Việc của nghệ sĩ cũng không phải là bí thuật gì, công nhân cũng có thể làm được như nghệ sĩ. Chúng ta thấy có sự xúc tiến can thiệp của nghệ sĩ với lối mòn trong kinh doanh, tư duy. Đó là điều sẽ làm nên thay đổi”.
Bình luận