Di sản được vinh danh, cộng đồng đứng ngoài lề

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
23/10/2021 06:29 GMT+7

Chuyên gia cho rằng khi di sản càng có nhiều danh hiệu, cộng đồng chủ di sản càng bị đẩy ra ngoài lề. Việc làm chủ di sản của cộng đồng phần nhiều là hữu danh vô thực.

Gạt bỏ “ông bà đồng”, chiếm không gian thiêng

PGS-TS Nguyễn Thị Hiền (ĐH Quốc gia Hà Nội) mở đầu bài nghiên cứu của mình tại Hội nghị quốc tế nhân học Phát triển từ cơ sở, diễn ra ngày 21.10 tại Hà Nội, bằng câu chuyện những “ông đồng, bà đồng” bị bỏ quên khi quản lý di sản đạo Mẫu. “Chúng ta có các ban quản lý di tích, chúng ta có các ông đồng, bà đồng là thủ nhang có mặt ở ban quản lý đấy không, chắc chắn là không. Ông trưởng thôn và người thực hành hầu như không có mặt ở cấp thấp nhất như ban quản lý di tích để quản công việc liên quan đến di sản. Tôi thấy hữu danh vô thực chính là ở chỗ đó”, bà Hiền nói.

Lễ hội Katê truyền thống của cộng đồng Chăm tại tháp Pô Klong Garai ((Ninh Thuận))

Thiện Nhân

PGS Nguyễn Thị Hiền cũng nhắc lại câu chuyện tại Đường Lâm (Hà Nội). Ở đó, cộng đồng thay vì là trung tâm của di sản lại bị đẩy ra ngoài lề. “Ví dụ điển hình là Đường Lâm, chúng ta chứng kiến hồi năm 2013 - 2014 gần 80 hộ gia đình Đường Lâm xin trả lại danh hiệu cho nhà nước. Nhà cổ 400 năm không có kinh phí thì làm sao bảo vệ nguyên trạng? Trong hoạch định chính sách, nhận tiền sửa nhà, họ đều không được tham gia. Họ đứng ngoài việc bảo tồn di sản của họ…”, bà Hiền phân tích.

TS Quảng Đại Tuyên (Trường ĐH Văn Lang) lại dẫn câu chuyện xảy ra ở ngôi tháp thiêng Po Klong Garai của người Chăm ở Ninh Thuận. Theo TS Tuyên, người Chăm vẫn còn thực hành nhiều tín ngưỡng ở di tích quốc gia đặc biệt này. Tuy nhiên, là một điểm đến quan trọng của du lịch Ninh Thuận, không gian thiêng này đang bị biến thành nơi trần tục, nơi vui chơi giải trí. Ông Tuyên cho biết ban quản lý di tích đã đưa việc trình diễn lễ tục năm mới Chăm (bao gồm cả nhạc lễ) tại tháp thiêng này vào Tết Nguyên đán để phục vụ du khách. Mặc dù vậy, là chủ nhân của không gian tháp Po Klong Garai cũng như lễ tục năm mới, cộng đồng Chăm địa phương đã phản ứng dữ dội.

Theo TS Quảng Đại Tuyên, lễ tết của người Chăm thường diễn ra tại không gian làng và gia đình chứ không phải đền tháp. Tại ngôi tháp thiêng, họ chỉ tổ chức 4 lễ thiêng với sự tham gia của chức sắc Bà La Môn giáo. “Việc mang lễ này lên không gian khác, chủ lễ khác… đi ngược lại truyền thống tôn giáo và gây hiểu sai về văn hóa với khách du lịch và ngay với giới trẻ cộng đồng Chăm”, TS Tuyên phân tích. Cho tới năm 2018, hoạt động này kết thúc.

Lễ Giỗ tổ Hùng Vương trở thành di sản, cộng đồng các làng Vi, Trẹo và Cổ Tích phải thi ông từ

Ngọc Thắng

Vai trò cộng đồng với di sản bị xem nhẹ

PGS-TS Lâm Minh Châu (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng trường hợp ở ngôi tháp thiêng Po Klong Garai cho thấy những xung đột liên quan đến không gian của di sản, liên quan đến vi phạm trật tự biểu tượng của di sản. “Ví dụ, một cái tháp 1 năm chỉ mở 4 lần mà giờ đây quanh năm mở thì trật tự thế giới biểu tượng của cộng đồng địa phương gắn với di sản có thể bị vi phạm”, PGS-TS Lâm Minh Châu nói.

TS Hoàng Cầm (Viện Nghiên cứu văn hóa) nhận xét rằng cho tới nay, vấn đề cốt lõi, thách thức nhất về bảo vệ di sản, kể cả phi vật thể và vật thể, là vai trò cộng đồng ở đâu. Về điều này, Công ước 2003 về di sản phi vật thể đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng với di sản. Việt Nam đã ký công ước này, tuy nhiên cộng đồng của di sản vẫn bị ngoài lề hóa. “Chẳng hạn, một thời gian dài chúng ta chống mê tín dị đoan thì hàng loạt những bà then (hiện nay then được UNESCO ghi danh) không được thực hành. Nhìn lại lịch sử là vậy. Rất tiếc câu chuyện ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay, sau khi Việt Nam đã ký Công ước 2003”, TS Cầm bày tỏ.

Cũng theo TS Hoàng Cầm, trước đây lễ Giỗ tổ Hùng Vương do 3 làng ở Phú Thọ tổ chức là làng Vi, làng Trẹo và làng Cổ Tích. Theo tập quán, mỗi làng cử một ông từ đi canh một đền trên núi Nghĩa Lĩnh. Nhưng sau khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh, ban quản lý di tích lại tổ chức thi ông từ. “Di sản càng được ghi danh thì chủ nhân di sản càng bị ngoài lề hóa”, TS Cầm nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.