Di sản hát đình thần lên phim

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
07/09/2020 06:12 GMT+7

Đoạn trường vinh hoa kể về đời sống của một đoàn hát ở đồng bằng sông Cửu Long. Phim được đánh giá là có mạch cảm xúc mạnh.

Đạo diễn Lê Mỹ Cường nhớ lại thời điểm thuyết minh dự án phim tài liệu Đoạn trường vinh hoa trong Ngày hội sáng tạo của VTV vào tháng 4.2019: “Lúc đó, tôi nhớ mình rất hăng. Phim đặt ở hạng mục VTV đặc biệt và đó là nơi có nhiều đề tài lớn. Tôi muốn kể câu chuyện có thể giản dị thôi nhưng khiến mình rung động. Và sau đó 2 ngày, tôi đã triển khai luôn”. Dự án Đoạn trường vinh hoa sau đó được VTV đặc biệt lựa chọn, và được Quỹ FAMLAP của Hội đồng Anh chọn cho dự án liên quan kết nối di sản văn hóa.
Nhưng hiện trường làm phim lại quá bất ngờ với đạo diễn Lê Mỹ Cường. Anh muốn làm phim tài liệu thực tế, ở đó, những thước phim được ghi chân thực, không dàn cảnh, sau đó cắt dựng. Tuy nhiên ở thời điểm đoàn phim đến gặp đoàn hát Phương Ánh, họ đã quen làm việc với truyền hình rồi. “Đoàn này có nhiều đài địa phương đưa thông tin. Thậm chí, họ còn hỏi tôi là có cần phải ra đây làm việc này để quay không? Nghĩa là họ đã biết quá rõ và hình thành cách làm việc với truyền hình rồi. Chính điều đó làm mình thấy không ổn”, đạo diễn nhớ lại. Phải sau đó 3 tháng, những thước phim của anh mới có cảm giác “dùng được” nhờ sự tự nhiên và “mặc kệ” máy quay của những nhân vật trong đoàn hát.
Từ đó, đời sống của những nghệ sĩ diễn xướng mở ra, hình dung về di sản diễn xướng hát đình thần rõ ràng hơn. Đó là cuộc rong ruổi của những nghệ sĩ mang lời ca tiếng hát đến với khán giả các tỉnh miền Tây. “Vào mỗi dịp lễ Kỳ yên, các thành viên trong gánh hát Phương Ánh mỗi người một nơi, người ở Cần Thơ, người ở Sóc Trăng, người ở Bạc Liêu, lại gói ghém đồ đạc, phục trang biểu diễn tụ họp về các đình thần. Họ vừa biểu diễn phục vụ người dân, vừa là để trả lễ cho ông tổ nghề, cầu mong sự bình an, đủ đầy và hạnh phúc”, Thanh Nguyễn, đồng tác giả dự án, cho biết.
Di sản hát đình thần lên phim1

Một số hình ảnh trong phim

ẢNH: ĐOÀN PHIM CUNG CẤP

Những thước phim cứ thế nhiều lên trong suốt 18 tháng đồng hành cùng nhân vật trên sân khấu, vừa đam mê vừa là những mảnh ghép số phận. Nhóm làm phim có hơn 100 giờ quay, sau đó gói trọn trong 50 phút phim. “Đối với những người theo đuổi và thực hiện dự án, cái quý giá của việc làm phim tài liệu thực tế như thế này là có thể đồng hành trong đời sống của nhân vật một cách tự nhiên, biến bản thân mình từ một người xa lạ trở thành một phần trong thế giới vốn kín đáo và bí mật vô cùng của họ...”, Thanh Nguyễn nói.
Bộ phim đã hoàn thành và dự kiến phát trên VTV đặc biệt vào tháng 11 tới. Phim cũng dự kiến được công chiếu tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ vào tháng 10, 11. Công chúng sẽ được xem về các nghệ sĩ có xuất phát điểm từ những gánh cải lương xưa, đến khi cải lương thoái trào thì họ hát cúng đình và phục vụ nghi thức lễ nhiều hơn. Họ cũng phục vụ thêm cho bà con tham dự lễ, hoặc bà con ở những vùng còn ít lựa chọn giải trí. “Phim có mang lại cảm giác cây táo sẽ nở hoa không ư? Ít nhất, những người bạn tôi khi họ xem, họ nói à, lạ quá, có di sản như vậy. Họ có động lực để tìm hiểu về điều đó”, đạo diễn Lê Mỹ Cường cho biết.
Đạo diễn Trần Phương Thảo, người được giải Grand Prix tại LHP quốc tế Jean Rouch 2015 (Paris, Pháp) với phim tài liệu Đi tìm Phong, cho biết chị rất xúc động và bị cuốn theo bộ phim này. “Một phim mạnh về cảm xúc. Tôi cũng hiểu về văn hóa ở đồng bằng sông Cửu Long và cảm theo khám phá đó. Đó cũng là sự vinh danh nghệ sĩ”, nữ đạo diễn chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.