Gần 400 tay chèo của 23 đội nam nữ, đông nhất xưa nay, với 7 quận, huyện Đà Nẵng và 6 địa phương Quảng Nam, làm sống động ngày hội truyền thống như những ngày chưa chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ (trước năm 1997).
Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn phát triển giúp sông Hàn, ngày nay không thiếu lễ hội, như pháo hoa quốc tế, vũ hội, âm nhạc đường phố, tuồng xuống phố, phố đi bộ, chợ đêm… với 16 hoạt động định kỳ từ tháng 1 - 10, gần 50 hoạt động thường niên trải đều khắp 12 tháng. Nhưng đua thuyền truyền thống trở lại sông Hàn vẫn mang ý nghĩa đặc biệt.
Chứng kiến các vị lão niên cũng chen chân, đội nắng bên sông Hàn, tôi tin rằng đua thuyền đã ăn sâu vào ký ức không thể phai mờ đối với ngư dân Đà Nẵng, làm sống dậy một thời sôi nổi của các đội thuyền đua từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước đến nay.
Trong bối cảnh Đà Nẵng đô thị hóa nhanh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, ngư dân lên bờ ngày càng nhiều, các làng chài, nghề chài lưới biến đổi… thì văn hóa sông nước, miền biển khó tránh khỏi mai một. Do đó, các hoạt động truyền thống như đua thuyền dịp 2.9 trên sông Hàn, lễ hội cầu ngư… không chỉ bảo tồn di sản và bản sắc, mà còn góp thêm sản phẩm du lịch đặc sắc của làng chài. Đây là một khía cạnh của sản phẩm du lịch chưa được chú trọng phát triển đúng mức.
Hơn nữa, nhìn những ngày lễ hội, từ pháo hoa đến đua thuyền, hàng chục ngàn, có lúc đến trăm ngàn người dân, du khách chật kín hai bờ, mới thấy vốn quý của sông Hàn. Rất may, vừa qua, một số dự án đã rút kinh nghiệm, điều chỉnh, trả lại không gian "mặt tiền" cho sông Hàn. Đó là những bài học sâu sắc, có vậy mới "trả" lễ hội, di sản sông Hàn lại cho chủ thể người dân thụ hưởng.
TP.Đà Nẵng từng tốn nhiều công sức, tiền của để "xin" doanh nghiệp trả lại lối xuống biển. Với sông Hàn và các dòng sông khác, nếu thiếu quyết liệt về chuyện "mặt tiền", tương lai lại phải làm chuyện tương tự như ở biển…
Bình luận (0)