Ngày 23.2, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết nam bệnh nhân N.V.Đ (54 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) bị ong đốt hiện đã qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân Đ. |
PHƯƠNG CHI |
Trước đó, ông Đ. đi thăm vườn nhà vô tình bị ong đốt hàng trăm mũi vào đầu, mặt, cổ, gáy, 2 tay, vùng lưng và được người nhà đưa vào cấp cứu tại BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long.
Lúc này, bệnh nhân trong tình trạng bứt rứt, khó thở, mạch nhanh, sưng nề vùng đầu mặt vì có rất nhiều mũi kim ong đốt còn dính trên thân thể.
Bệnh nhân được cấp cứu cho thở ô xy, truyền dịch, tiêm thuốc kháng viêm, chống dị ứng và cho làm các xét nghiệm kiểm tra chức năng gan thận. Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị hạ kali máu, tổn thương gan, thận cấp nghiêm trọng. Bác sĩ (BS) chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ rất nặng sau bị ong đốt và được cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Bệnh nhân được lọc máu và theo dõi chặt chẽ.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh, thoát sốc, chức năng gan, thận đang trong quá trình hồi phục và tiếp tục được theo dõi sát. Đến nay, bệnh nhân qua được cơn nguy kịch, các chỉ số mạch, huyết áp ổn định.
Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Thùy Mỵ, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long, nọc ong có rất nhiều độc tố, gây ra hàng loạt biến chứng khác nhau tùy vào mức độ. Nọc ong nhẹ thì sưng, đau ở vị trí đốt. Nọc ong nặng thì gây sốc phản vệ, tụt huyết áp có thể dẫn đến tử vong. Mức độ nặng và nguy kịch tùy vào loài ong đốt, số lượng mũi ong đốt. Các dấu hiệu, triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm phản ứng ở da, phát ban, ngứa, da ửng đỏ hoặc tái nhợt, phù nề cổ họng, lưỡi, mạch đập nhanh và yếu, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, ngất xỉu, mất ý thức...
Khi bị ong đốt cần nhanh chóng ra khỏi khu vực ong đang phong tỏa và tiến hành sơ cứu ban đầu như: lấy vòi chích của ong ra nhẹ nhàng, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm lan tan nhanh nọc độc của ong, sau đó rửa nhẹ bằng xà phòng. Nạn nhân nếu bị đau nhức nhiều, buồn nôn, hoảng hốt, bồn chồn, tức ngực, khó thở… thì chuyển gấp đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Để phòng chống ong đốt, người dân cần tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết và tuyệt đối không nên kích động hay chọc phá tổ ong; đồng thời cần thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà nhằm hạn chế ong đến làm tổ. Mọi người khi tiếp xúc với ong thì phải mặc đồ bảo hộ để phòng vệ, đảm bảo an toàn.
Bình luận (0)