Di tích “giếng vua” đang bị xâm hại

03/12/2013 15:45 GMT+7

(TNO) Hàng trăm người dân trên đảo Lý Sơn tỏ ra bức xúc vì đơn vị thi công tuyến kè chắn sóng đào bới tan hoang ngay cạnh khu vực giếng Xó La, hay còn gọi là “giếng vua”.

(TNO) Hàng trăm người dân trên đảo Lý Sơn tỏ ra bức xúc vì đơn vị thi công tuyến kè chắn sóng đào bới tan hoang ngay cạnh khu vực giếng Xó La, hay còn gọi là “giếng vua”.

 Đừng xâm hại di tích “Giếng Vua” 2
"Giếng vua" là nơi cung cấp nước ngọt cho hàng ngàn hộ dân trên đảo - Ảnh: Văn Mịnh

Giếng Xó La hay còn gọi là “giếng vua” ở thôn Đông, xã An Vĩnh, là di tích lịch sử liên quan đến giai thoại về vua Gia Long, thời nhà Nguyễn. Đây còn là nơi cung cấp nước ngọt cho hàng ngàn hộ dân trên đảo.

Tuy nhiên, những ngày qua, đơn vị thi công tuyến kè chắn sóng phía đông nam đảo Lý Sơn là Công ty cổ phần xây dựng Thành An 96 đã sử dụng xe múc để đào bới bên cạnh khuôn viên “giếng vua”.

Nhiều diện tích đất bị đào bới tan hoang, đe dọa đến mạch nước ngầm và làm cho giếng có nguy cơ nhiễm mặn bởi sự xâm thực của nước biển.

Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng khu dân cư số 1, thôn Đông, bộc bạch: "Nếu họ không dừng lại thì trước sau gì giếng nước này cũng sẽ bị nhiễm mặn. Xây dựng kè chắn sóng là điều cần thiết nhưng vì xây kè mà làm hư hại đến "giếng vua" là điều không thể chấp nhận".

Còn ông Phạm A, 60 tuổi, nhà ở gần "giếng vua", cho biết: "Khi thấy đơn vị thi công đưa máy móc đến đào bới ngay khu vực "giếng vua", chúng tôi đã ra sức ngăn cản. Đào bới ban ngày không được nên họ chuyển sang ban đêm".

Ông A cho biết thêm, vào mùa khô, toàn bộ giếng nước sinh hoạt trên đảo đều cạn kiệt hoặc bị nhiễm mặn, chỉ có "giếng vua" là còn nước. Nếu "giếng vua" cũng bị nhiễm mặn thì hàng ngàn hộ dân trên đảo không biết lấy nước đâu mà dùng.

Đừng xâm hại di tích “Giếng Vua” 1
Những hố sâu cạnh "giếng vua" - Ảnh: Văn Mịnh 

Theo ghi nhận của phóng viên, đơn vị thi công đã tạm dừng việc đào bới cạnh khu vực giếng nhưng vẫn để lại hậu quả là nhiều hố sâu từ 2 - 3 m vẫn chưa được lấp lại.

Khi thủy triều lên, những hố sâu này trở thành những túi nước biển lớn, có nguy cơ sạt lở và làm cho nguồn nước giếng bị nhiễm mặn.

Ông Trần Bút, Chủ tịch UBND xã An Vĩnh, cho biết trước bức xúc của người dân, địa phương cũng đã có văn bản gửi các ngành chức năng của tỉnh và huyện xin điều chỉnh thiết kế, nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm.

Văn Mịnh

>> “Giếng vua” ở đảo Lý Sơn
>> Ô nhiễm ở đảo Lý Sơn
>> Giúp dân đảo Lý Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.