Di tích hay phế tích?

Đức Huy
Đức Huy
19/09/2022 07:15 GMT+7

Năm 2011, UBND tỉnh Phú Yên đã công nhận và xếp hạng Trại an trí Trà Kê (ở thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, H.Sơn Hòa, Phú Yên) là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm được công nhận, di tích lịch sử này đang dần trở thành phế tích.

Khu vực Di tích lịch sử Trại an trí Trà Kê không có tường rào bảo vệ, không có lối đi dẫn vào như nhiều điểm di tích khác, mà nằm lọt thỏm giữa cánh đồng mía. Bên trong khu vực di tích này có một cổng chào còn khá nguyên vẹn, nhưng bị che khuất trong ruộng mía cùng cây bụi mọc rậm rạp. Các chữ và hoa văn trên cổng phần nhiều đã bị mờ. Hai trụ cổng bằng bê tông đã xuống cấp, nứt và sụt lún ở một số vị trí. Cách cổng chào khoảng 50 m có một nền móng nhà cũ đã bị hư hại; gạch và bê tông bị bong tróc ở một số đoạn, cỏ dại mọc um tùm, che lấp phần lớn công trình. Nhiều lớp gạch đá cũ nằm ngay sát khu vực nền móng nhà cũng bị san gạt, dồn lại thành đống.

Cổng di tích nứt, gãy, bị ruộng mía và cây mọc um tùm bao quanh

Ông La Lang Thái, một người dân ở thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, cho biết Trại an trí Trà Kê trước đây gọi là đồn Pháp, là nơi giam giữ nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Sau chiến tranh, công trình này đã bị tàn phá, chỉ còn là một phế tích. Đến năm 2011, Trại an trí Trà Kê được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh nhưng việc này cũng không giúp di tích được bảo vệ, tôn tạo.

Ông Trần Ngọc Tây, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội, băn khoăn: “Năm 2011, UBND tỉnh Phú Yên có quyết định về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Trại an trí Trà Kê. Tuy nhiên, khi được xếp hạng di tích lịch sử, địa phương chỉ nắm được thông tin di tích gồm nền móng nhà cũ và cổng chào nằm trên diện tích 1,3 ha chứ chưa xác định được vị trí, tọa độ cụ thể để cắm mốc bảo vệ; chưa xác định được vùng lõi, vùng đệm của di tích và cũng không có kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích”.

Sau năm 1975, một số hộ dân địa phương đã khai hoang, tận dụng khu vực quanh di tích làm đất canh tác đất nông nghiệp. Trong đó, hộ ông Trần Hoài Nam (ở thôn Tân Hội) có diện tích đất canh tác gần như bao trọn Trại an trí Trà Kê.

Tường di tích giờ chỉ còn là đống gạch

ĐỨC HUY

Ông Tây cho biết, đối với hộ ông Trần Hoài Nam đã canh tác trên diện tích đất này từ trước, địa phương vẫn tạo điều kiện cho ông Nam tiếp tục trồng mía, nhưng không được làm ảnh hưởng đến công trình di tích lịch sử. Tuy nhiên, “Đầu năm 2022, địa phương nhận được thông tin gia đình ông Nam đưa máy móc, thiết bị vào để san gạt, dọn dẹp đất đá nhằm cải tạo đất sản xuất”, ông Tây nói.

Ngay sau đó, UBND xã Sơn Hội đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành để khảo sát hiện trạng Di tích lịch sử Trại an trí Trà Kê. Qua kiểm tra thực tế, địa phương xác định thông tin phản ánh về việc hộ gia đình ông Trần Hoài Nam đã đưa máy cơ giới vào khu vực di tích để cải tạo, nên mời ông Nam đến làm việc, cam kết không được tác động vào di tích, đồng thời hoàn trả diện tích đất khi có nguồn vốn để trùng tu, tôn tạo di tích.

Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin H.Sơn Hòa, cho biết: “Di tích lịch sử Trại an trí Trà Kê đã bị tàn phá bởi thời gian và chiến tranh nên hiện chỉ còn là một phế tích. Tuy nhiên, di tích này có ý nghĩa lịch sử, cần được bảo vệ theo luật Di sản văn hóa. Huyện Sơn Hòa đã chỉ đạo UBND xã Sơn Hội thu hồi diện tích đất này để làm hồ sơ bảo vệ di tích”. Theo đó, trong tháng 10.2022, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện sẽ phối hợp với UBND xã Sơn Hội và các ngành, đơn vị liên quan tiến hành đo đạc, xác định tọa độ, ranh giới, diện tích để tổ chức cắm mốc, quản lý di tích lịch sử Trại an trí Trà Kê.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.