Đi tìm “chính mình” - Kỳ 3: Luật không theo kịp

30/01/2013 14:40 GMT+7

(TNO) Các cơ quan như Bộ Tư pháp, Bộ Y tế hiện nay đều lâm vào tình trạng lúng túng khi giải quyết những trường hợp như Cindy Thái Tài, “anh” Phạm Văn Hiệp hay anh Q. (Thừa Thiên-Huế). Câu trả lời từ các cơ quan này mà Thanh Niên Online ghi nhận được cho thấy luật đã không còn theo kịp thực tế cuộc sống.

(TNO) Các cơ quan như Bộ Tư pháp, Bộ Y tế hiện nay đều lâm vào tình trạng lúng túng khi giải quyết những trường hợp như Cindy Thái Tài, “anh” Phạm Văn Hiệp hay anh Q. (Thừa Thiên-Huế)... Câu trả lời từ các cơ quan này mà Thanh Niên Online ghi nhận được cho thấy luật đã không còn theo kịp thực tế cuộc sống.

>> Đi tìm “chính mình” - Kỳ 2: Mặc dèm pha, vẫn lạc quan chờ đợi
>> Đi tìm "chính mình" - Kỳ 1: Cindy Thái Tài - Không thể kết hôn

Nên xây dựng lại khái niệm

Trao đổi với phóng viên, TS Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính - Tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết ông vẫn giữ quan điểm như có lần từng phát biểu trong hội thảo dành cho người đồng tính, chuyển giới. Đó là phải xem xét lại các quy định để bảo vệ quyền lợi của nhóm yếu thế trong xã hội, trong đó có người chuyển giới.

TS Trần Thất cho rằng những nhà làm luật khi tiến hành xây dựng, sửa đổi luật Dân sự, luật Hộ tịch, luật Hôn nhân và gia đình tới đây cần chú ý, xem xét lại việc có nên bóc tách thành hai khái niệm “xác định lại giới tính” và “chuyển giới” hay không.

Ông Thất cho rằng chỉ tồn tại một khái niệm là “xác định lại giới tính” và cơ quan chức năng cần xem xét cho phép những người đã sang Thái Lan phẫu thuật hay điều trị trong nước được xác định lại hộ tịch.

Một cán bộ Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết người đồng tính, chuyển giới, song tính đáng được đảm bảo công bằng về quyền lợi trước pháp luật.

“Trên thế giới đã xuất hiện tình trạng chuyển đổi giới tính để vi phạm pháp luật, trốn chạy truy nã. Ai dám chắc nếu chúng ta chấp nhận chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính thì việc đó sẽ không xảy ra?”, vị cán bộ này đặt vấn đề.


Nhiều trường hợp đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính như Cindy Thái Tài vẫn chưa thể được công nhận chính thức - Ảnh: M.C

Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho biết: “Chúng tôi đã tiếp xúc với những người đã lập gia đình nhưng không thể nào đi đăng ký kết hôn, xin phép đăng ký kinh doanh, đi lại bằng máy bay, tàu hỏa,… bởi hình hài một đằng, thông tin trên giấy tờ tùy thân một nẻo”, ông Bình nói.

Nhiều người chuyển giới đã phẫu thuật (tự thực hiện chui ở trong nước hoặc sang Thái Lan) đến nay rất khó để tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tìm kiếm việc làm,… và cũng khiến công tác quản lý Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn.

Để góp phần giải quyết một phần vấn đề trên, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết đang tiến hành rà soát một số bệnh viện, cơ sở y tế trên khắp cả nước có đủ điều kiện xác định lại giới tính để trình Bộ Y tế phê duyệt trong thời gian sắp tới.

Phải sửa sớm, triệt để

Từ vụ việc cụ thể của "anh" Phạm Văn Hiệp, TS Trần Thất đã có cuộc trao đổi thẳng thắng với Thanh Niên Online về quan điểm của ông cũng như gợi ý cách giải quyết các trường hợp tương tự đang bị "ách lại".

* Anh Hiệp sống 39 năm là con trai, nhưng trong suy nghĩ, khát khao của anh ấy luôn là con gái. Ông có nghĩ việc anh ấy sang Thái Lan thực chất là “xác định lại giới tính” chứ không phải “phẫu thuật chuyển đổi giới tính”?

- TS Trần Thất: Dân gian thì hiểu là một nhưng trong Bộ luật Dân sự thì dùng hai khái niệm khác nhau. Họ dùng khái niệm “xác định lại” có nghĩa là trước đây xác định sai giờ xác định lại cho đúng. Còn “chuyển đổi giới tính” thì hiểu rằng từ cái đúng này sang cái đúng kia. Trong Bộ luật Dân sự có nói về quyền của những người này nhưng bó hẹp quá. Những người như anh Hiệp được quyền thay đổi giới tính nhưng các điều kiện quá hẹp, quá cứng nhắc, không phù hợp với thực tiễn. Hiện nay các cơ quan liên quan cũng đang tiến hành sửa Bộ luật Dân sự nhưng đi vào vấn đề cụ thể như thế này thì cũng chưa bàn luận.

 
Tôi nghĩ rằng pháp luật đã cho phép người liên giới tính phẫu thuật, xác định lại giới tính thì cũng nên cho phép người chuyển giới phẫu thuật, thay đổi lại giới tính phù hợp tâm hồn mình

Ông Lê Quang Bình - Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE)

* Không chỉ người chuyển giới mà người đồng tính, song tính cũng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội và đang rất cần được luật pháp bảo vệ quyền lợi?

- TS Trần Thất: Tôi rất hoan nghênh những đề xuất gần đây về việc phải đưa quy định bảo vệ nhóm người yếu thế vào Hiến pháp sắp tới. Hôm trước họp sửa đổi luật Hôn nhân gia đình vấn đề hôn nhân đồng giới cũng được nêu ra nhưng để thuyết phục được Quốc hội chắc sẽ còn mất thời gian. Riêng việc xác định lại giới tính thì tôi cho rằng có thể thuyết phục được, dễ hơn việc chấp nhận hôn nhân đồng tính. Luật Hộ tịch cũng có quy định liên quan, khi thay đổi cải chính giới tính.

* Qua những thông tin nắm được, ông có thấy nên giữ nguyên việc thay đổi hộ tịch của anh Phạm Văn Hiệp?

- TS Trần Thất: Tôi chưa xem cụ thể nhưng trên báo cáo của Sở Tư pháp Bình Phước chúng tôi có thể sẽ làm việc trực tiếp với anh Hiệp. Nếu thấy hợp lý thì sẽ chúng tôi sẽ kiến nghị giữ nguyên việc thay đổi hộ tịch đó để cuộc sống của anh ấy tốt hơn. Cái này trên quan điểm, như anh Nguyễn Bá Thanh từng nói ở Đà Nẵng: cái gì có lợi cho dân thì phải làm. Luật do mình đặt ra chứ còn ai đặt ra nữa.

* Nhưng làm thế có sợ trái Nghị định 88?

- TS Trần Thất: Cái gì quá trái thì không nói. Nhưng có những cái là thực tế, nghị định nào cũng phải phù hợp với thực tế. Pháp luật phải trên cơ sở thực tế, quy định cứng nhắc thì không thể bắt người dân sống phi thực tế để qua luật được.

* Với những trường hợp tương tự anh Hiệp, cũng đi phẫu thuật chuyển đổi giới tính về nhưng khó khăn trong việc xác định lại thông tin hộ tịch, ông có sẵn sàng giúp đỡ?

- TS Trần Thất: Thông qua các bạn, nếu trường hợp nào gặp khó khăn do địa phương không giải quyết, hãy bảo họ chụp hồ sơ gửi cho chúng tôi hoặc lãnh đạo Bộ Tư pháp để chúng tôi có cách giải quyết cụ thể.

* Xin cảm ơn ông!

Việc xác định lại giới tính là một quyền nhân thân được quy định tại Điều 36 Bộ luật Dân sự năm 2005 và sau đó được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 88/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó chỉ áp dụng việc xác định lại giới tính đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác, trên nguyên tắc bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình.

Tiêu chuẩn y tế xác định khuyết tật bẩm sinh về giới tính gồm có: Nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ và lưỡng giới thật. Tuy nhiên tiêu chuẩn y tế xác định giới tính chưa được định hình chính xác: Nhiễm sắc thể giới tính có thể giống như trường hợp nữ lưỡng giới giả nam hoặc nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật nhưng bộ phận sinh dục chưa được biệt hóa hoàn toàn và không thể xác định chính xác là nam hay nữ.

Thái Sơn - Thiên Hương - Thế Văn

>> Rắc rối chuyện "giới tính" của anh Phạm Văn Hiệp
>> Chí Thiện "chuyển giới" thành công
>> Mike Tyson bác tin chuyển giới
>> Người mẫu chuyển giới “khuynh đảo” sàn catwalk
>> Mỹ tranh cãi việc cho người chuyển giới vào phòng thay đồ nữ
>> Philippines thắng giải "Nữ hoàng chuyển giới quốc tế 2012
>> Người nổi tiếng chuyển giới - Kỳ 2: Hạnh phúc nhọc nhằn
>> Người nổi tiếng chuyển giới - Kỳ 1: Trả “xác” lại cho “hồn”
>> Chuyển giới nữ nhưng không được mặc đồ phụ nữ
>> Vietnam Idol “nóng” vì thí sinh chuyển giới
>> Thí sinh chuyển giới vào top 16 Vietnam Idol 2012
>> Thẩm phán Mỹ cho phép tù nhân phẫu thuật chuyển giới
>> Thái Lan cho phép sinh viên chuyển giới nhận bằng
>> Serbia - thiên đường phẫu thuật chuyển giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.