Đi tìm đồng đội

13/01/2018 07:35 GMT+7

Mấy chục năm qua, khi mùa khô rám cháy, những cán bộ, chiến sĩ Đội K53, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum, lại khoác ba lô vào rừng tìm đồng đội hy sinh tại 2 chiến trường Campuchia và Lào, để đưa về Tổ quốc.

Ăn rừng, ngủ núi
"Ăn rừng, ngủ núi" hay "làm bạn với rừng" là cái tên mà Đội K53 (trước đây gọi là Đội quy tập mộ liệt sĩ) hay ví về đơn vị mình. Cũng phải thôi, 7 tháng đội quân này ăn ở thực địa trong rừng, dấu chân in khắp vùng rừng núi 3 tỉnh nam Lào (Attapư, Sê Kông, Chămpasăk) và tỉnh Rattanakiri (Campuchia), thời gian còn lại là nghiên cứu trên bản đồ, tư liệu tại đơn vị.
Thiếu tá Lê Công Khoa, Đội trưởng Đội K53, hoài niệm: “Ngày xưa tôi về đơn vị là trung úy, tóc còn xanh lắm, sau đó chuyển công tác 14 năm rồi trở lại đội, tóc đã bạc rồi, đồng đội cũ chỉ còn dưới chục người ở lại”. Bởi vậy nên ký ức luôn gắn với từng miền đất mà thiếu tá Lê Công Khoa đã đi qua như đèo Âmpun, dốc cổng trời, làng Mui, làng Két, làng Choong… Mỗi địa danh là những giọt mồ hôi và nước mắt trăn trở.
"Xưa chủ yếu là đi bộ. Đến làng bên Lào, Campuchia mất mấy ngày, anh em lại chui vào rừng, có khi đi bộ 3 - 4 ngày mới tới địa điểm tìm kiếm, quy tập. Có lần, trước khi hành quân sang tỉnh Attapư (Lào), đội chúng tôi mua trứng vịt lộn mang theo để làm thức ăn. Gần 10 ngày đến nơi, mở ra thì trứng vịt lộn đã nở thành vịt con rồi, anh em cười ra nước mắt", thiếu tá Khoa chia sẻ.
Đất rừng núi Lào, Campuchia thâm u. Thời gian vật đổi sao dời, việc tìm mộ liệt sĩ không phải dễ. Đất rừng đồi dốc, mưa gió đã khiến vị trí xác định các ngôi mộ bị thay đổi đi rất nhiều so với những thông tin được cung cấp: Có mộ nước cuốn trôi; còn nhân chứng, người trực tiếp chôn cất, chăm sóc thì người còn, người mất, nên việc xác định vị trí mộ chính xác giống như đi trong mây núi.
Khó khăn là vậy nhưng hằng năm Đội K53 đã khảo sát, khai quật trên 500 vị trí, đào trên 2.000 m3 đất, đá; đã tìm kiếm, cất bốc, đưa về nước hàng chục hài cốt liệt sĩ. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1994 đến nay, Đội K53 đã quy tập khoảng 1.300 hài cốt liệt sĩ, trong đó, ở Lào là 900 liệt sĩ.
“90% thông tin tìm được là từ người dân nước sở tại và các doanh nghiệp, còn lại là từ các cựu chiến binh, Bộ Quốc phòng và các quân khu. Có điều dù biết ở đâu thì Đội K53 cũng tìm đến cho bằng được, dù mất cả tuần băng rừng lội suối. Bởi biết liệt sĩ nằm ở đó rồi, nếu không đưa về là có tội. Khi đã tìm thì ngay cả một mẩu xương cũng quy tập đủ để đưa về Tổ quốc. Niềm vui lớn nhất của toàn đội là khi tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Giữa rừng thiêng, mỗi khi tìm được hài cốt liệt sĩ nào, nước mắt anh em trong Đội K53 cứ chảy dài vì chiến tranh kết thúc đã lâu mà các anh vẫn còn nằm lại nơi đất khách. Có khi, đưa hài cốt về gặp lũ rừng, thú dữ, anh em thà mất tư trang còn hài cốt liệt sĩ thì khư khư giữ trong lòng”, thiếu tá Khoa chia sẻ.
Không hạnh phúc nào bằng
Thiếu tá Trịnh Minh Đạt (Đội K53) kể, vào năm 1997, đội nhận thông tin có 5 mộ liệt sĩ (thuộc Đoàn A1 Bộ Tư lệnh đặc công) tại một địa điểm ở H.Mường Mun, tỉnh Chămpasăk (Lào) nên bắt đầu tìm kiếm. Thế nhưng từ năm 2001 đến năm 2012, cả đội mới tìm được 4 hài cốt, còn một hài cốt mãi tìm không ra. Qua hết 6 đời đội trưởng Đội K53, hài cốt thứ 5 vẫn là ẩn số, anh em đào hết hình ao, đến mở rộng theo hình xương cá, mà hài cốt thứ 5 vẫn biền biệt. Đến cuối năm 2014, cả đội bàn với nhau thử đào ở phía trên đường đi và vỡ òa khi liệt sĩ thứ 5 đã tìm thấy tên là Trần Văn Vương. “Không còn hạnh phúc nào bằng. Bởi cả 5 hài cốt đó, dù thời gian dài 17 năm nhưng đều tìm thấy và đã xác định được danh tính, đưa về Tổ quốc”, thiếu tá Đạt nói.
Tròn 20 năm gắn bó với đơn vị, thiếu tá Đạt chứng kiến hết những niềm vui và nỗi niềm riêng của đồng đội mình. Nhất là mùa khô 2007 - 2008, chuyến xe đưa thành viên Đội K53 đi làm nhiệm vụ ở Campuchia bị tai nạn giao thông, 1 người hy sinh, còn lại bị thương. Hay có bận, có đồng đội quê ở Hà Nam, đã nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ thì nhận tin người thân mất, nhưng thành viên ấy vẫn nuốt nước mắt, lên đường. Đó là chưa kể những trận sốt rét kinh hoàng, những nguy hiểm rình rập - bãi bom mìn dày đặc còn sót lại có thể nổ bất cứ lúc nào khi bới đất tìm đồng đội.
Bản thân thiếu tá Đạt thì hai đứa con sinh năm 2003 và 2007, anh đều không có mặt khi vợ chuyển dạ, bồng con lúc chào đời. Thiếu tá Đạt được đồng đội xem là người dày dạn nhất đơn vị. Anh nói, viết rành tiếng Lào, giao tiếp trực tiếp với người dân sở tại, nên đã giúp cho việc tìm kiếm đồng đội thuận lợi rất nhiều.
Công việc vất vả, hầu như chỉ ở trong rừng núi nhưng thiếu tá Đạt luôn là tấm gương sáng của đơn vị, 5 năm liền anh là chiến sĩ thi đua toàn quân. "Đồng đội thương mà bầu chọn thôi, đồng đội tôi ai cũng xứng đáng cả", thiếu tá Đạt cười, nhẹ nhàng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.