Đi từng hẻm, gõ cửa từng nhà giúp trẻ vào lớp 1

Thúy Hằng
Thúy Hằng
08/08/2023 07:39 GMT+7

TP.HCM đang trong quá trình tuyển sinh đầu cấp, nhiều đơn vị đã tuyển sinh lớp 1 xong đợt 1, có địa phương đã hoàn thành đợt 2. Phía sau những hồ sơ học sinh vào lớp 1 thành công là công việc của nhiều người thầm lặng.

KỊP THỜI HỖ TRỢ CÁC TRƯỜNG HỢP BỊ SÓT, THIẾU GIẤY TỜ…

Năm học 2023 - 2024 là năm đầu tiên toàn TP.HCM thực hiện tuyển sinh trực tuyến, có đơn vị thí điểm theo bản đồ GIS nhằm tiện lợi, minh bạch, tiết kiệm thời gian, hiệu quả hơn cho học sinh, phụ huynh. Song, để phối hợp, hỗ trợ nhịp nhàng cùng các phụ huynh trong quá trình đăng ký trực tuyến, đặc biệt là tránh bỏ sót các trường hợp trẻ tạm trú, người từ nơi khác đến cư trú tới tuổi vào lớp 1, công việc của những người phụ trách phổ cập giáo dục ở các phường, xã, khu phố rất quan trọng.

Đi từng hẻm, gõ cửa từng nhà giúp trẻ vào lớp 1 - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Văn Dũng trao đổi với các cô giáo, học sinh Trường tiểu học Huỳnh Văn Chính (Q.Tân Phú) về tuyển sinh lớp 1

THÚY HẰNG

Tại Trường tiểu học Huỳnh Văn Chính (Q.Tân Phú, TP.HCM), các giáo viên đều không xa lạ với ông Huỳnh Văn Dũng, người phụ trách phổ cập giáo dục của UBND P.Hòa Thạnh, từ 3 năm nay. Khi phụ huynh có con sinh năm 2017 làm thủ tục nhập học lớp 1 cho con ở ngôi trường công lập này, ông Huỳnh Văn Dũng thi thoảng vẫn ghé qua trường, cập nhật thông tin phụ huynh đăng ký học cho con, hướng dẫn phụ huynh trong phường làm đơn xin đăng ký học bán trú cũng như mua đồng phục, sách giáo khoa đầu năm học mới.

Ông Huỳnh Văn Dũng cho biết, thông thường đầu năm mới, dựa trên cơ sở dữ liệu dân cư của công an phường cũng như phần mềm dữ liệu dân số đã có thể lên danh sách sơ bộ những trẻ 6 tuổi sẽ vào lớp 1 để gửi về phòng GD-ĐT quận, từ đó dự trù cơ sở trường lớp cho năm học mới. Tuy nhiên, đây chưa phải là danh sách "chốt". Ông Dũng sẽ triển khai công việc tới các khu trưởng, tổ trưởng các tổ dân phố, mọi người sẽ đi từng con hẻm, gõ cửa từng nhà trọ, khu chung cư… thu thập danh sách cụ thể những trẻ đến tuổi vào lớp 1, hướng dẫn thủ tục đăng ký tuyển sinh trực tuyến.

Từ 2 danh sách này, ông Dũng và các tổ trưởng, khu trưởng cùng rà soát lại, trường hợp nào có trong danh sách mà đang không cư trú ở địa phương thì sẽ gọi điện từng người, xem cháu đi học lớp 1 tại đâu. Hoặc có cháu không có trong danh sách trên phần mềm dữ liệu dân cư, nhưng mới theo cha mẹ từ nơi khác đến thuê nhà trọ ở đây, tổ trưởng xác nhận cháu có ở trọ thì đều tạo điều kiện hết sức để cháu được đi học.

"Mỗi tổ dân phố, khu phố đều có nhóm Zalo để gửi thông tin, nhưng nhiều người lao động khó khăn không có phương tiện này. Hoặc nhiều cha mẹ mải đi làm, buôn bán, gửi con cho ông bà lớn tuổi nên quên luôn là trẻ đến tuổi đi học, mình vẫn cần đi tận chỗ, đến tận nơi, gõ cửa từng nhà để hỗ trợ cho dân. P.Hòa Thạnh đã cơ bản hoàn thành 2 đợt tuyển sinh, năm học này có gần 400 trẻ đang cư trú ở phường sẽ vào lớp 1", ông Dũng chia sẻ.

Đi từng hẻm, gõ cửa từng nhà giúp trẻ vào lớp 1 - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Ngọc Oanh thăm các trẻ em trong khu phố 15, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân

Tại khu phố 15, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân (TP.HCM), suốt thời gian qua, ông Huỳnh Ngọc Oanh, trưởng khu phố, cùng 10 tổ trưởng dân phố trong khu liên tục cập nhật, hỗ trợ từng trường hợp tạm trú, con em công nhân, con em người ở trọ… để các bé đủ giấy tờ, thủ tục vào lớp 1.

Ông Oanh cho biết, để việc tuyển sinh được thuận lợi, việc rà soát danh sách học sinh đến tuổi đến trường được tổ trưởng, khu phố cùng chuẩn bị từ tháng 11.2022, sau đó cập nhật theo từng giai đoạn, đến nay vẫn tiếp tục bổ sung những trường hợp bị sót, làm sao để trẻ được hỗ trợ tốt nhất để đi học. Trẻ chưa có mã số định danh, chưa học mẫu giáo, địa chỉ thường trú một nơi, còn đi học thì lại nơi khác… đều được khu phố nắm, hướng dẫn các thủ tục để đăng ký tuyển sinh.

ĐỂ ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG CỦA TRẺ RỘNG MỞ HƠN

Không chỉ hỗ trợ công tác tuyển sinh đầu cấp, những người phụ trách công việc phổ cập giáo dục ở các địa phương của TP.HCM cũng tâm huyết trong việc vận động trẻ đến trường, ngăn bỏ học, tìm các nguồn lực hỗ trợ cho các em tiếp tục theo con chữ.

Khu phố 15, P.Bình Trị Đông (Q.Bình Tân) mới được nhận giấy khen của thành phố về việc làm tốt công tác khuyến học trong 5 năm qua. Những năm qua, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại đây, không phân biệt tạm trú hay thường trú, được khu phố vận động các nhà hảo tâm tặng góc học tập với bàn ghế, giá sách, tập vở, đồng phục, học bổng tiền mặt trước năm học mới.

Tại P.Hòa Thạnh (Q.Tân Phú), ông Huỳnh Văn Dũng tâm sự "thấy trẻ nào nghỉ học giữa chừng là rất day dứt". Ông còn nhớ cách đây mấy năm trong con hẻm trên đường Đoàn Hồng Phước có một cháu rất thương tâm. Bố mất, mẹ bán hột vịt lộn, cháu bị khuyết tật. Khi cháu nghỉ học hơn một tháng, nhà trường liên hệ UBND P.Hòa Thạnh, ông Dũng tới tận phòng trọ động viên cháu đừng dở dang việc học.

Người đàn ông làm công tác phổ cập giáo dục ở P.Hòa Thạnh cho hay niềm hạnh phúc của ông là đi đến từng con hẻm, từng dãy nhà trọ đều được người dân nhận ra. "Có những bà con từ miền Tây lên làm thuê, ở trọ, không biết bắt đầu từ đâu để con họ được đi học, tôi giúp đỡ tận tình, cháu được vào học Trường tiểu học Huỳnh Văn Chính khang trang ngay trong phường mình, phụ huynh cứ gặp là cảm ơn không ngớt. Tôi vui vì công việc mình làm rất ý nghĩa, bởi giúp được một trẻ đi học là có thể thay đổi nhiều cuộc đời", ông Dũng bộc bạch.

Đi từng hẻm, gõ cửa từng nhà giúp trẻ vào lớp 1 - Ảnh 3.

Phụ huynh nộp hồ sơ vào lớp 1 cho con tại Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, Q.8

NHẬT THỊNH

RƠI NƯỚC MẮT KHI GẶP HỌC SINH NGHỈ HỌC Ở UBND P.8, Q.8

(TP.HCM), ông Cao Hoàng Quốc Việt nhiều năm qua phụ trách phổ cập giáo dục tại phường, vừa hỗ trợ công tác tuyển sinh lớp 1, vừa vận động trẻ không bỏ học giữa chừng. Những kỷ niệm đáng nhớ và xúc động nhất với ông Việt chính là khoảng thời gian năm 2021, khi TP.HCM vừa đi qua mùa dịch khốc liệt, nhiều trẻ em đã trở thành mồ côi. Tại hẻm 232 đường Hưng Phú, có bé gái mồ côi mẹ vì Covid-19, ba bỏ đi, chỉ còn ông bà, bé gái nghỉ học khi mới lớp 1. Ông Việt cùng thầy cô giáo đến nhà, vận động bé quay trở lại trường, bố trí thầy cô hỗ trợ kèm cặp để bé nắm vững kiến thức.

Cũng trong mùa dịch, phường này có 3 anh em hoàn cảnh vô cùng chật vật: mẹ đi tù, ba và ông nội lần lượt mất do Covid-19, chỉ còn bà nội gồng gánh nên các cháu khó khăn, không đi học. Ông Việt và thầy cô đến tận nhà động viên các bé quay trở lại trường; tất cả các chính sách cho trẻ mồ côi do dịch Covid-19, các học bổng đều được ưu tiên, đến nay bé lớn nhất đã học lớp 10, bé út đang học lớp 5.

"Thương tâm nhất là ngày tôi đến nhà một em học sinh được nhà trường báo là đã lâu không đi học, trước đó thường xuyên nghỉ. Nào ngờ, đến nơi thấy em nằm một chỗ, mẹ em khóc ngất nói em chỉ sống được 30 ngày nữa thôi vì bị u não. Chưa bao giờ tôi đi vận động mà lại khóc cùng học trò như thế…", ông Việt xúc động kể.

Công tác điều tra, rà soát trẻ ra lớp từ khu phố, phường rất quan trọng

Sáng 7.8, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, cho biết việc tuyển sinh lớp 1 trên địa bàn quận đã gần hoàn tất 100%. Hệ thống tuyển sinh trực tuyến cho thấy có 11.300 hồ sơ đăng ký trẻ vào lớp 1, tới nay đã có hơn 10.650 phụ huynh xác nhận nhập học và nộp hồ sơ giấy tại các trường tiểu học cho con, chuẩn bị sẵn sàng vào năm học mới. Ông Tuyên cho hay trong số các hồ sơ còn lại (khoảng 650 hồ sơ), có thể có một số lý do như thí sinh "ảo", do trong quá trình nhập liệu lên hệ thống tuyển sinh bị nhầm lẫn chỉ 1 ký tự cũng có thể phát sinh thêm 1 cái tên học sinh mới; hoặc em đó đã chuyển về quê; hoặc trẻ học lớp 1 tại địa bàn quận, huyện khác…

Ông Tuyên đánh giá quá trình tuyển sinh lớp 1 trong năm học 2023 - 2024 tại quận suôn sẻ, nhanh chóng, để đạt được điều này thì công tác điều tra, rà soát trẻ ra lớp từ khu phố, phường của những người làm nhiệm vụ phổ cập giáo dục rất quan trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.