Càng có thời gian tiếp xúc với người Dao, chúng tôi càng được tiếp cận nhiều chuyện kể, sự tích, được chứng kiến phong tục, tập quán, cả các nghi lễ cúng tế, hát đối, vũ đạo… thật đặc biệt, tất cả gắn với đời sống từ thường nhật đến tâm linh trong cộng đồng Dao Lào Cai nói riêng và người Dao Việt Nam nói chung. Ngày nay nhiều bản sắc các dân tộc dần chỉ còn lại trong định nghĩa, hoặc trên giấy, nhiều nét đẹp dân tộc giờ chỉ dừng lại ở cái tên, bản sắc thực sự đã phai nhạt dần, thậm chí là biến mất. "Đi về miền Dao", chúng tôi có cơ hội được trải nghiệm những giá trị văn hóa thực đậm bản sắc của người Dao và vẫn đang được cộng đồng lưu giữ như một di sản đặc biệt.
Sống thuận tự nhiên
Cảm nghiệm lại những việc diễn ra trong thế giới người Dao (với mệnh danh là "người rừng"), có thể thấy rõ cuộc sống của họ giản đơn, gói gọn trong bốn chữ: "Sống thuận tự nhiên". Để thuận được với tự nhiên, rõ ràng người Dao cần những dấu chỉ mà ở góc nhìn tâm linh, họ cho rằng được tổ tiên hoặc tiên thánh phù hộ.
Lấy ví dụ lễ Tẩu Sai - lễ cấp sắc 12 đèn, không phải khi có đủ điều kiện vật chất, không phải dòng họ lớn thích là làm, mà trước tiên phải đợi một dấu chỉ đặc biệt từ con… lợn. Các dòng họ người Dao chỉ làm lễ cúng 12 đèn, khi bất kỳ một người trong họ nuôi con lợn đen, và ngay lứa đầu, lợn đẻ đúng hai con, phải là hai con đực màu đen tuyền. Chủ nhân của đôi lợn phải thông báo ngay với tộc họ, bởi đó là dấu chỉ phải làm lễ lên 12 đèn.
Phải có hai lợn đen mới làm lễ lên 12 đèn. Truyền thuyết kể câu chuyện vượt biển của người Dao đến Việt Nam, khi gặp nạn, tổ tiên người Dao đã hứa vào được đất liền sinh sống, nếu lợn chỉ đẻ đúng hai con đực, màu đen, sẽ làm lễ cúng. Ở góc độ tự nhiên, việc một con lợn đẻ lứa đầu chỉ hai con, màu đen tuyền, là cực hiếm. Dựa trên lịch sử lễ cúng 12 đèn của người Dao ở riêng Lào Cai, từ năm 1991 đến nay mới chỉ có 7 lễ, riêng trong giai đoạn 1991 - 2012 không có lễ nào.
Khi có đôi lợn đen, sau khi trình báo, chủ lợn phải làm lễ cúng và đem hai con lợn đấy về nhà trưởng tộc nuôi đủ 3 năm mới được phép làm lễ lên 12 đèn. Nếu nuôi 3 năm mà chưa đủ khả năng làm lễ cúng vì điều kiện kinh tế, lại tiếp tục nuôi cho đến khi đủ. Trường hợp lên 12 đèn ở xã Phìn Ngan (H.Bát Xát, Lào Cai), gia chủ Chảo Y Sai đã nuôi đôi lợn được 5 năm mới đủ tiền cho lễ lên 12 đèn của 43 cặp vợ chồng đầu năm 2024.
Gia chủ đứng ra tổ chức lễ cấp sắc 12 đèn còn cần đến một dấu chỉ nữa, là củ sắn dây mọc hoang trong rừng, với điều kiện cùng một củ, nhưng mọc lên 12 dây. Thông thường mỗi củ sắn dây chỉ 3 - 5 dây là tối đa, việc chọn tìm trong rừng ra củ 12 dây, đem về bàn thờ tổ tiên trình báo, cũng là chuyện không đơn giản chút nào.
Tâm sự của người trong cuộc
5 năm trở lại đây, lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao Lào Cai diễn ra khá dày, chứng tỏ đời sống phát triển theo hướng tích cực. Tin mới nhất là đầu năm 2025, họ Phàn ở xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) sẽ làm lễ lên 12 đèn. Đôi lợn đen ra đời từ năm 2023 ở nhà của Phàn Quẩy Lụa, đang nuôi ở nhà trưởng họ, nay áng chừng đã hơn 60 kg. Điều lạ là các đôi lợn đen luôn sống cực khỏe, từ bao năm qua ở các lễ cúng 12 đèn, chưa bao giờ nghe tình trạng lợn nuôi dành cho lễ cúng mà bị chết hay nhiễm bệnh. Phàn Quẩy Lụa cho chúng tôi biết: "Dự kiến tháng 1 họ Phàn mình sẽ làm cấp sắc 12 đèn, gốc gác người Dao đến Tả Phìn hơn trăm năm nhưng đây là lần đầu lên 12 đèn đấy".
Trong đời người Dao, việc lên 3 đèn, 7 đèn là quy mô gia đình, hoặc cùng một họ; nhưng khi lên thành 12 đèn là quy mô dành cho cả cộng đồng. Khi lên 12 đèn, phải theo thứ tự ba đời sau dòng họ đó mới được dự tiếp lễ lên 12 đèn.
Nếu quan sát từ bên ngoài, đời sống văn hóa của người Dao thật đa dạng, huyền bí, khó tiếp cận bởi rào cản ngôn ngữ, dẫn đến việc suy diễn thành sai lệch. Câu chuyện hát đối của người Dao là một ví dụ. Thầy cúng Chảo Tờ Sài ở xã Tòng Sành, H.Bát Xát, kể: "Người Dao mình có hát đối, trai gái gặp nhau, hát đối đáp, ai thua thì đưa lại một vật làm tin như cái vòng, cái khăn…; lần gặp sau đến hát đối lại, nếu thắng thì được trả, còn thua thì vẫn bị giữ. Ngày trước hát đối thì đến chợ phiên cuối tuần, nhiều người không hiểu lại gọi chợ tình, rồi suy diễn chuyện trai gái không đúng, giống như đến chợ để mua bán tình duyên, lang chạ, làm cho ý nghĩa hoạt động hát đối thành ra xấu. Bây giờ đám trẻ không đến chợ nữa, tôi mở nhiều lớp dạy chữ, dạy hát đối, chúng nó hát ghi âm qua điện thoại rồi gửi cho nhau thôi".
Trong đời sống người Dao, vợ chồng chia tay và người phụ nữ đi lấy chồng mới là chuyện thường. Nhà nghiên cứu Dương Thanh cho biết: "Người Dao cởi mở trong hôn nhân, tính nữ quyền của họ rất mạnh, người vợ có thể bỏ chồng, tái hôn nếu chung sống không hợp. Nhưng đó không phải là tính lăng nhăng, bay bướm; chỉ khi bất đồng, không thể sống với nhau được họ mới quyết định bỏ nhau, và người phụ nữ được quyền lựa chọn hạnh phúc cá nhân cho chính mình".
Đôi vợ chồng Phàn Quảy Lụa và Chảo Mẩy Kiều ở xã Tả Phìn (Sa Pa) là một ví dụ. Kiều hay đùa vui với chồng: "Tao không cưới mày thì chẳng ai cưới mày đâu". Nhà Lụa nghèo, Kiều từng lập gia đình nhưng đổ vỡ sớm, sau đó Kiều quyết định lấy Lụa về làm chồng, lo hết mọi thứ. Cặp đôi giờ thật hạnh phúc, làm một khu nghỉ trọ, làm dịch vụ tắm lá thuốc người Dao, đời sống bình yên. Năm tới, họ Phàn của nhà Lụa lên 12 đèn, hai vợ chồng đang chuẩn bị sính lễ tham gia trong đợi chờ và hạnh phúc, bởi từ sau lễ lên 12 đèn, đồng nghĩa họ sẽ sống cùng nhau mãi mãi.
Bình luận (0)