"Hơi thở" của thế hệ trẻ
Trải dài từ năm 2019 đến nay, có thể thấy bên cạnh những dòng nhạc xu hướng, thì các sản phẩm tôn vinh văn hóa - con người VN cũng chiếm số lượng đông đảo, và các nghệ sĩ chủ động thực hiện ngày càng trẻ hóa. Gần đây nhất có thể kể đến các MV như Đi chùa cầu duyên (Đức Phúc), Kén cá chọn canh (Hòa Minzy) phát hành nhân lễ tình nhân 14.2, hay các album thành công lớn trước đó như Vũ trụ cò bay (Phương Mỹ Chi), HOÀNG (Hoàng Thùy Linh)… Không chỉ nổi bật về mặt chất lượng, mà các dự án cũng đã tạo được sức ảnh hưởng đáng kể.
Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Thăng Long và các cộng sự tại ĐH RMIT Việt Nam, khoảng 42% khán thính giả gen Z cho rằng âm nhạc có thể kết nối nhiều dòng văn hóa hơn so với 2 năm trước đó. Chia sẻ với Thanh Niên, ông Long cho biết có 3 lý do tạo nên sức hút của làn sóng này, đó là tinh thần yêu nước của giới trẻ, mong muốn mang âm nhạc vươn tầm ra thế giới và kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp âm nhạc, văn hóa của nước nhà.
Trong đó, nhờ sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội mà gen Z có cơ hội kết nối với bạn bè ở khắp muôn nơi, và có cơ hội hiểu hơn về các nền văn hóa khác nhau. Ngược lại, họ cũng muốn chia sẻ nền văn hóa của nước nhà đến bạn bè năm châu nên họ vừa là động lực, vừa là tác nhân cho sự lớn mạnh của xu hướng nói trên.
Còn theo ông Ngô Minh Thuận, Giám đốc điều hành DNA Digital, một trong những nguyên nhân khiến làn sóng kết hợp này càng phát triển là "âm nhạc hiện đại kết hợp tiết tấu dân gian mang đến sự mới lạ và độc đáo, từ đó tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ đến các nghệ sĩ đang theo đuổi hướng đi này".
TS Long cũng cho rằng 2 trong số những nghệ sĩ tiên phong cho dòng nhạc này tại VN là Hoàng Thùy Linh với album HOÀNG và Phương Mỹ Chi với Vũ trụ cò bay. Ông Long nhận định: "Chọn Folktronica, cả hai nghệ sĩ đều đã tạo nên những dấu ấn âm nhạc cá nhân khi trình làng một phong cách mới. Nghệ sĩ Việt cũng dần có trách nhiệm hơn trong việc góp phần bảo tồn hình ảnh văn hóa dân tộc. Từ khía cạnh truyền thông, các thương hiệu có thể kết hợp khuynh hướng này để quảng bá hình ảnh nhãn hàng, hay rộng hơn là hình ảnh đất nước VN".
Cộng hưởng
Theo ông Long, ngoài việc phản ánh một xu hướng mới thì những thành công kể trên cũng chứng minh rằng âm nhạc kỹ thuật số không chỉ đơn thuần là một phương tiện giải trí, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên làn sóng văn hóa và xã hội. Ông chia sẻ: "Qua một bản nhạc, người nghe vừa cảm nhận âm điệu, vừa hiểu thêm về câu chuyện và giá trị tinh thần của một thế hệ trẻ đang phát triển mạnh mẽ. Việc này góp phần thúc đẩy giao thoa văn hóa và tạo ra một cộng đồng nghe nhạc đa dạng, phản ánh đầy đủ sự đa chiều của đời sống hiện đại VN".
Trong giai đoạn mà lượng người nghe đồng ý trả phí nghe nhạc hằng tháng trên các nền tảng phát nhạc trực tuyến ngày càng cao hơn, có nhiều lựa chọn đối với các nền tảng streaming, thì có thể thấy đây là cách mà các khán giả cho thấy bản thân dần có trách nhiệm, qua đó thể hiện nghĩa cử ủng hộ nghệ sĩ. Về phía ngược lại, những người sáng tạo cũng nhờ điều này sẽ có thêm cơ hội cũng như động lực để cho ra đời nhiều hơn nữa những tác phẩm ấn tượng, mới lạ.
Cùng với mạng xã hội thì sự hậu thuẫn của các hãng đĩa và những lễ hội âm nhạc xuyên quốc gia cũng đóng vai trò lớn trong việc giới thiệu những nghệ sĩ năng động, giúp khán giả ngoài nước biết nhiều hơn đến âm nhạc có dấu ấn văn hóa. Vừa qua Wren Evans, Vũ, Chillies, Tlinh, Khắc Hưng... đã kết hợp với các nhóm nhạc, nghệ sĩ đến từ Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Đông Nam Á... tạo được sự chú ý lớn. Trong khi Limebócx,... cũng góp mặt tại các liên hoan âm nhạc ở Singapore, Pháp... Nếu các dự án mang đậm yếu tố dân gian có sự cộng hưởng hơn nữa với các nghệ sĩ ngoài nước hơn, thì tin chắc làn sóng yêu thích sẽ càng thêm mạnh mẽ.
Bình luận (0)