Đi vệ sinh: Ngồi xổm hay ngồi trên bệ tốt cho sức khỏe hơn?

Thiên Lan
Thiên Lan
01/06/2022 04:02 GMT+7

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư ruột, như chế độ ăn uống kém lành mạnh, ít vận động, hút thuốc và béo phì. Nhưng theo các chuyên gia, việc ngồi sai cách khi đi đại tiện cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ ung thư ruột.

Nguyên nhân là do tư thế đi đại tiện ngồi trên bệ dễ dẫn đến táo bón hơn. Rất nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra, táo bón mạn tính là một yếu tố nguy cơ chính gây ung thư ruột, bác sĩ Deborah Lee, từ Phòng khám trực tuyến Dr Fox Online Pharmacy (Anh), lưu ý, theo nhật báo Anh Express.

Ngồi xổm sẽ mở góc hậu môn trực tràng rộng hơn, ống hậu môn thẳng hơn, so với ngồi trên bệ, cho phép thải phân dễ hơn và hiệu quả hơn

Shutterstock

Về vấn đề này, đã có những cuộc tranh luận về cách tốt nhất để đi vệ sinh: ngồi trên bệ hay ngồi xổm.

Hơn nữa, 63% trường hợp ung thư ruột đáng kinh ngạc tập trung ở các nước phương Tây.

Bác sĩ Lee giải thích: “Một giả thuyết khả dĩ cho rằng người phương Tây đi đại tiện ngồi trên bệ, trong khi ở các nước đang phát triển, chủ yếu là ngồi xổm”, bác sĩ Lee giải thích.

Bác sĩ Lee tiếp tục: Ngồi trên bệ dễ gây táo bón hơn ngồi xổm.

Ngồi xổm là tư thế đại tiện tự nhiên, nó phù hợp hơn.

Tại sao ngồi xổm giúp đi tiêu dễ hơn, nhanh hơn?

Có nhiều bằng chứng cho thấy ngồi xổm giúp đi tiêu dễ dàng hơn.

Quá trình đi tiêu phức tạp hơn mọi người vẫn tưởng rất nhiều. Đầu tiên, trực tràng co lại khi chứa đầy phân. Điều này làm cho cơ trơn của ống hậu môn bị giãn ra.

Trong quá trình thải phân, cơ hậu môn trực tràng sẽ giãn ra và góc hậu môn trực tràng sẽ rộng ra.

Ngồi xổm sẽ mở góc hậu môn trực tràng rộng hơn, ống hậu môn thẳng hơn, so với ngồi trên bệ, cho phép thải phân dễ hơn và hiệu quả hơn.

Vấn đề với việc ngồi trên bệ là nó khiến ruột dưới bị gấp khúc, từ đó buộc phải “rặn” nhiều hơn để đẩy phân ra ngoài. Ngồi xổm giúp thư giãn cơ hậu môn trực tràng nhiều hơn và kéo thẳng ruột kết ra ngoài, giúp phân thẳng ra ngoài. Do đó, có thể đi dễ dàng hơn mà không phải căng thẳng, theo chuyên trang sức khỏe WebMD.

Các nghiên cứu phát hiện điều gì?

Nghiên cứu của Israel đã ghi nhận thời gian trung bình để đi tiêu khi ngồi xổm là 51 giây, so với ngồi bệ thấp là 114 giây và ngồi bệ cao là 130 giây. Những người tham gia nhận thấy đại tiện khi ngồi xổm dễ dàng hơn so với khi ngồi trên bệ, theo chuyên trang nghiên cứu The Conversation.

Một nghiên cứu của Nhật Bản cũng nhận thấy ở tư thế ngồi xổm, góc hậu môn trực tràng mở rộng hơn, dẫn đến ít phải “rặn” hơn khi ngồi xổm.

Một nghiên cứu khác năm 2019 lưu ý rằng ở các quốc gia sử dụng nhà vệ sinh ngồi xổm, có ít trường hợp mắc một số bệnh liên quan đến xương chậu hơn. Điều này có thể cho thấy nhà vệ sinh kiểu Tây hoặc bệ ngồi đóng vai trò trong việc khởi phát các bệnh như bệnh trĩ, sa vùng chậu hoặc sa tử cung, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, viêm ruột thừa, ung thư ruột kết, viêm loét đại tràng, theo chuyên trang sức khỏe Health Line.

Mẹo để đi đại tiện hiệu quả nhất

Vì vậy, có một cách giúp bạn khắc phục nhược điểm này của bệ ngồi.

Đó là ngồi gập hông trên bệ ngồi và đặt 2 chân lên một chiếc ghế đẩu cao - nhằm tạo tư thế giống như ngồi xổm

Shutterstock

Đó là ngồi gập hông trên bệ ngồi và đặt 2 chân lên một chiếc ghế đẩu cao - nhằm tạo tư thế giống như ngồi xổm.

Những người “rặn” quá mức dễ bị nứt hậu môn. Một nghiên cứu đã xem xét những người bị nứt hậu môn mạn tính, đại tiện đau đớn, trực tràng chảy máu và khó ngồi. Kết quả cho thấy, họ đã giảm đáng kể các triệu chứng kể trên, nếu áp dụng cách ngồi gập hông trên bệ ngồi này.

Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra kết luận chính xác, nhưng việc ngồi xổm có những lợi ích rõ ràng.

Phim chụp X-quang trong quá trình nghiên cứu cho thấy trực tràng thẳng ra nhiều hơn khi bạn ngồi xổm. Áp lực trong bụng cũng thấp hơn ở vị trí này, đó có thể là dấu hiệu bạn không phải căng thẳng nhiều.

Khi mọi người dùng ghế đẩu tạo tư thế giống như ngồi xổm, các nghiên cứu cho thấy, họ đi tiêu nhanh hơn. Họ cũng ít căng thẳng hơn và đi hoàn toàn hơn so với khi không dùng ghế đẩu, theo WebMD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.