Dịch bệnh tay chân miệng gia tăng, người dân TP.HCM cần làm gì?

Duy Tính
Duy Tính
18/04/2024 11:13 GMT+7

Năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 180.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ 2022 và 31 ca tử vong (tăng hơn 10 lần so với năm 2022).

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) vừa có báo cáo tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tuần 15 (từ ngày 8 - 14.4).

Theo đó, trong tuần 15, TP.HCM ghi nhận 287 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 87% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 15 là 2.289 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao là H.Nhà Bè, Q.6 và Q.8.

Trong tuần 15, TP.HCM cũng ghi nhận 136 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 15 là 2.585 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao, gồm Q.1, Q.7 và TP.Thủ Đức.

Theo HCDC, dịch bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, xảy ra quanh năm và thường gia tăng trong giai đoạn từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12. Bệnh lây qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (bắt tay, ôm, hôn), tiếp xúc với đồ chơi, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, bề mặt có chứa vi rút. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt ở môi trường tập thể như mẫu giáo, trường học.

Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

DUY TÍNH

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Theo HCDC, khi mắc bệnh tay chân miệng, trẻ có các dấu hiệu đau họng, sốt nhẹ, quấy khóc, biếng ăn, tiêu chảy... Đặc biệt là nổi bóng nước. 

Nếu bóng nước ở trong miệng thì vỡ ra thành vết loét; bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông thường không bị vỡ ra và sau đó sẽ khô dần. 

Diễn tiến bệnh thường kéo dài từ 5 - 7 ngày, có thể nhiều hơn 10 ngày. Sau đó thì bóng nước có thể tự khô, tự ổn định và tự khỏi.

Khoảng trên 90% trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng có thể tự khỏi. Một số ít mắc bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng ảnh hưởng tới não bộ, thân não gây ra suy hô hấp; ảnh hưởng tới tim gây ra viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp…, thậm chí dẫn đến tử vong.

Do đó khi chăm sóc trẻ bệnh, người chăm sóc cần theo dõi kỹ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo trẻ chuyển bệnh nặng để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Nổi bóng nước bàn tay là dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng

Nổi bóng nước bàn tay là dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng

DUY TÍNH


Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng chuyển nặng

Thông thường các biến chứng bệnh tay chân miệng thường xuất hiện vào ngày thứ 3 - 5 của bệnh. Dấu hiệu quan trọng nhất và đầu tiên để nhận biết bệnh tay chân miệng chuyển nặng là trẻ bị thay đổi giấc ngủ, giật mình, chới với.

Nếu nhẹ, khi thiu thiu ngủ trẻ sẽ bị giật mình, ngồi dậy chơi bình thường. Độ nặng hơn là trẻ vừa nằm ngã ra là sẽ giật mình, chới với. Nặng hơn nữa là khi bồng trên tay, trẻ vẫn giật mình chới với. Nếu trong vòng 30 phút trẻ giật mình 2 lần trở lên thì chắc chắn sẽ trở nặng, phụ huynh phải cho trẻ đến viện ngay.

Dấu hiệu thứ hai, một số trẻ sẽ quấy khóc liên tục, mạch nhanh, da nổi bông tím hoặc trẻ yếu tay, yếu chân.

Dấu hiệu thứ ba, trẻ sốt cao, không đáp ứng với điều trị (trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ, dùng thuốc hạ sốt cũng không hạ).

Chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Theo HCDC, cách chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng chủ yếu liên quan đến chế độ ăn, vì khi trẻ bị tay chân miệng sẽ rất khó ăn.

Nên chú ý cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu. Nếu miệng trẻ đau nhiều thì phải đi bác sĩ để khám và cho thuốc giảm đau vùng miệng. Nếu chăm sóc tốt thì 5 - 7 ngày trẻ sẽ khỏi bệnh.

Thực hiện "3 sạch" phòng chống tay chân miệng

Trong bối cảnh dịch bệnh tay chân miệng gia tăng, HCDC khuyến cáo thực hiện "3 sạch". Đó là ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch vì đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa, nên quan trọng nhất vẫn là giữ vệ sinh. Bệnh vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.