Giải pháp đào tạo "3 tại chỗ" được nêu ra tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức vào sáng ngày 20.7. Gần 500 đại diện đến từ các sở LĐ-TB-XH, trường CĐ, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp tham dự hội nghị trong điều kiện dịch Covid-19 hoành hành.
Tuyển sinh và đào tạo khó khăn vì dịch Covid-19
Tại hội nghị, đại diện nhiều trường nghề cho biết dịch Covid-19 năm nay kéo dài và phức tạp khiến cho công tác tuyển sinh gặp nhiều trở ngại dù hầu hết các trường đều nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tuyến. Một trong những nguyên nhân đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trễ, thí sinh đợi có kết quả xét tuyển vào ĐH, nếu không đậu mới nghĩ đến việc đăng ký học nghề.
Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, cho biết đến thời điểm này, giáo dục nghề nghiệp tại thủ đô chỉ mới đạt 16% chỉ tiêu và sẽ rất khó để thực hiện thành công kế hoạch đã đề ra trong năm 2021. Nhiều trường CĐ, trung cấp trên toàn quốc cũng đạt dưới 20% chỉ tiêu.
Số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy trong 6 tháng đầu năm, số lượng người học đăng ký trình độ trung cấp và CĐ là 45.000 người, đạt khoảng 7,5% kế hoạch. Tính cả trình độ sơ cấp và các chương trình dạy nghề khác là 645.000 người, đạt 27,2% chỉ tiêu đề ra. Chỉ có một số ngành nghề có kết quả tuyển sinh tốt như máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ ô tô...
"Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó tiếp cận với các trường THCS, THPT để thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp. Trong khi đó, hình thức tuyển sinh trực tuyến chưa thu hút được nhiều người tham gia. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm không phải là thời điểm tuyển sinh chính của giáo dục nghề nghiệp do thời điểm này thí sinh chưa kết thúc năm học và chưa qua kỳ thi tuyển sinh ĐH. Tuyển sinh nghề chỉ thực sự bắt đầu cao điểm trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 11 hàng năm", đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lý giải.
Không chỉ vậy, các trường nghề còn nêu khó khăn trong công tác đào tạo, vì nhiều địa phương phải cho sinh viên nghỉ tránh dịch Covid-19 từ tháng 5 đến nay nên vẫn chưa thể tổ chức đi học lại. "Đào tạo trực tuyến chỉ có thể áp dụng ngay với các môn lý thuyết, còn thực hành là vô cùng khó khăn, trong khi đặc thù của dạy nghề là 70% thực hành", đại diện Trường CĐ Long An nhìn nhận.
Giải pháp "3 tại chỗ"
Để tháo gỡ khó khăn, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, chia sẻ biện pháp '3 tại chỗ': "Chúng tôi đã gọi 400 sinh viên năm cuối trở lại trường để tiếp tục chương trình đào tạo. Các em đều được xét nghiệm và có kết quả âm tính Covid-19 mới được vào trường. Sinh viên được 'cắm trại' để ăn, ở và học tập tại chỗ. Đồng thời, trường liên kết với một bệnh viện để theo dõi sức khoẻ, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian '3 tại chỗ' này", ông Ngọc nói.
Không đủ điều kiện để thực hiện "3 tại chỗ" như Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, ông Lê Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường CĐ Long An lo lắng tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến cho việc trở lại trường của sinh viên không biết khi nào mới diễn ra. "Các em tạm dừng đến trường từ ngày 17.5 đến nay. Nhằm giúp học sinh, sinh viên được tốt nghiệp ra trường đúng tiến độ đào tạo để sớm có việc làm ổn định cuộc sống, chúng tôi kiến nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có văn bản cho phép các trường được cắt giảm một số giờ trong chương trình đào tạo nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu đào tạo", ông Hùng nêu ý kiến.
Bà Nguyễn Thanh Nhàn chia sẻ thêm, thời gian qua Sở LĐ-TB-XH đã chỉ đạo các trường xây dựng mô hình mô phỏng để chuyển tải một số học phần thực hành thành hình thức trực tuyến, nhằm giúp sinh viên có được những kỹ năng cơ bản khi chưa thể đến trường và doanh nghiệp học thực hành.
Đại diện Trường CĐ Y tế Đồng Tháp kiến nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp miễn, giảm học phí cho sinh viên các trường nghề thuộc các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để các em an tâm tiếp tục theo học, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh giữa lúc dịch bệnh còn đang căng thẳng.
Bình luận (0)