Hàng trăm giáo viên và học sinh tại nhiều trường học ở miền bắc Malaysia ngất xỉu hoặc có những hành động kỳ lạ chưa rõ nguyên nhân.
Giáo viên đang chăm sóc cho một học sinh mắc bệnh ở Kota Baru - Ảnh: The Star |
Theo truyền thông Malaysia, ít nhất 4 trường tại thành phố Kota Baru thuộc bang Kelantan đang đối mặt với dịch “ma ám” khi nhiều giáo viên và nữ sinh bỗng dưng la hét vô cớ, đập phá lớp học, lang thang mất tự chủ hoặc lăn ra ngất xỉu.
Tờ The Star đưa tin các trường học bị ảnh hưởng là SMK Pengkalan Chepa 1, SMK Pengkalan Chepa 2, SMK Kemumin và SMK Kubang Kerman 3. Để đối phó, giới chức Sở Giáo dục Kota Baru một mặt cho học sinh nghỉ để chăm sóc y tế, một mặt mời các tu sĩ Hồi giáo và cả pháp sư người Hoa đến trường làm phép nhưng không mang lại kết quả.
Lời đồn ma nữ pontianak
Dịch “ma ám” khởi phát từ Trường trung học cơ sở SMK Pengkalan Chepa 2 hồi đầu tuần trước, ảnh hưởng đến khoảng 170 học sinh và giáo viên, buộc nhà trường phải tạm đóng cửa trong vài ngày.
Hầu hết nạn nhân đều kể mình bị “các bóng đen lởn vởn trong trường tìm cách nhập vào cơ thể”. Họ còn cho rằng những linh hồn này là pontianak, một loại ma nữ phổ biến trong văn hóa dân gian Malaysia, theo tờ The Straits Times. Đây là hồn ma của những phụ nữ chết trong lúc sinh con nên uất ức quay trở lại dương gian.
Đài Astro Awani dẫn lời cô Norlailawati Ramli, giáo viên Trường SMK Pengkalan Chepa 2, kể: “Đang bình thường thì tay tôi bỗng dưng nặng trịch một cách kỳ lạ. Dường như ai đó đè lên nửa thân bên trái của mình. Tôi còn thấy một bóng đen”.
Một cô giáo khác Kamariah Ibrahim cũng khẳng định nhìn thấy một bóng đen. “Nó cố nhập vào người tôi. Tôi thấy đầu óc lơ mơ, tay chân tê cứng, nước mắt không ngừng tuôn rơi. Tôi cố đọc kinh liên tục và sau khoảng 1 giờ thì thấy tỉnh táo lại”, cô này nói.
Thậm chí một thành viên ban giám hiệu cũng sợ hãi nói với BBC: “Học sinh của chúng tôi bị ám ảnh bởi những linh hồn. Chúng tôi không rõ điều gì xảy ra. Có lẽ ai đó đã làm điều gì khiến các linh hồn phiền lòng chăng?”.
Không lâu sau đó, hiện tượng kỳ bí trên cũng xảy ra tại Trường SMK Pengkalan Chepa 1 với 5 nữ sinh bộc phát các triệu chứng la hét giận dữ, ngất xỉu. Ban lãnh đạo trường đã nhanh chóng cho các em học sinh này về nhà để ngăn chặn hội chứng lan truyền. Đến ngày 19.4, hơn 30 nữ sinh tại 2 trường khác tại địa phương cũng mắc các triệu chứng tương tự và đã được cho về nhà nghỉ dưỡng.
Hội chứng cuồng loạn tập thể
Tờ The Star dẫn lời giới bác sĩ và nhiều chuyên gia khẳng định không có chuyện ma quỷ gì ở đây mà các nạn nhân đã mắc chứng cuồng loạn tập thể (mass hysteria) hay còn gọi là rối loạn phân ly tập thể.
Đây là một dạng rối loạn tâm lý khi nhận thức hoặc niềm tin sai lệch từ một cá nhân nhanh chóng lan truyền, phóng đại trong đám đông với các triệu chứng như ngất xỉu hàng loạt, nôn mửa...
Hội chứng thường bùng phát ở một nhóm hoặc trong một cộng đồng nhỏ có những quy định nghiêm ngặt như trường học, trường nội trú, trại trẻ mồ côi và các nhà máy. Cụ thể, một người nào đó lên cơn co giật la hét hoặc bị ngất sẽ dễ gây ra phản ứng dây chuyền, làm hàng chục thậm chí hàng trăm người khác lên cơn tương tự.
Chuyên gia xã hội học người Mỹ Robert Bartholomew, người từng nhiều năm nghiên cứu về hiện tượng này tại Đông Nam Á, chỉ ra rằng các trường học bị ảnh hưởng đều là trường nội trú dành cho nữ sinh.
“Các em cảm thấy gò bó trong môi trường khép kín, không có không gian riêng tư. Thất vọng và căng thẳng tích tụ trong thời gian dài khiến một học sinh bỗng dưng bị “ma ám” và trở thành chất xúc tác lan truyền đến nhiều người khác, kể cả giáo viên”.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia còn cho rằng điều kiện kích hoạt vụ việc là thời tiết nắng nóng đang hoành hành tại Đông Nam Á cùng tin đồn về ma quỷ khiến rối loạn càng lan truyền ra khu vực rộng lớn tại Malaysia. Theo tờ The Star, bang Kelantan nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng El Nino với nhiệt độ có lúc lên tới hơn 39 độ C.
Những cơn cuồng loạn tập thể
Các trường hợp phát cuồng tập thể như trên từng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 2012, báo đài Mỹ đều đưa tin về hiện tượng tại Trường trung học LeRoy ở bang New York khi hơn 20 nữ sinh đột nhiên co giật và nói năng không kiểm soát được. Tháng 11 năm ngoái, khoảng 40 học sinh tại một trường học ở thị trấn Ripon thuộc hạt North Yorkshire (Anh) bỗng ngất xỉu và nôn mửa liên hồi, theo tờ The Guardian.
Tại Đông Nam Á, nhiều trường hợp phát cuồng tập thể từng xuất hiện tại các nhà máy ở Singapore và Malaysia vào thập niên 1970. Chuyên gia Robert Bartholomew cho biết thêm hồi năm 1987, tại một khu ký túc xá ở thành phố Alor Star thuộc bang Kedah, 36 nữ sinh Hồi giáo từ 13 - 17 tuổi la khóc liên tục trong một thời gian dài. “Sau đó, các em đều than phiền phải học nhiều mà không có thời gian thư giãn”, ông cho hay.
|
Bình luận (0)