(TNO) Trong khi các bệnh viện tại TP.HCM đang quá tải với bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) thì tại các khu dân cư, nhiều dụng cụ, vật phế thải đang 'làm nhà' cho muỗi và lăng quăng vẫn chưa được xử lý triệt để.
Bệnh nhi phải nằm điều trị sốt xuất huyết tại hành lang Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 - Ảnh: Nguyên Mi |
Hôm nay (6.10), ông Phu cùng đoàn Bộ Y tế đã đi kiểm tra tình hình SXH tại TP.HCM.
Quá tải và mở rộng vùng dịch
Ghi nhận tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), hiện có hơn 100 bệnh nhi SXH đang nằm điều trị nội trú mỗi ngày. Trong đó, 20% là ca nặng, cần phải truyền dịch, điều trị tích cực. Số bệnh nhi nằm viện đã vượt quá số giường bệnh của khoa. Vì vậy, trong phòng bệnh và dọc hành lang của Khoa Nhiễm đã được tận dụng hết chỗ trống để kê thêm giường cho bệnh nhân.
|
|
|
Chắc chắn năm nay dịch SXH, không chỉ ở Việt Nam mà cả quốc tế, diễn biến phức tạp và mở rộng vùng dịch. Nguyên nhân chủ yếu là do đời sống chật chội và vệ sinh môi trường không đảm bảo
|
|
|
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
|
|
|
Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết: Bệnh SXH bắt đầu tăng từ tháng 8, với 1.441 ca khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (gần gấp 3 lần tháng 7), trong đó có 620 trường hợp nhập viện. Đến tháng 9, tổng số trường hợp khám bệnh SXH đã lên đến 2.525 ca, với 882 trường hợp điều trị nội trú. Tính từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, đã có 5 trường hợp tử vong và 2 trường hợp nặng xin về do SXH. Trong đó, có đến 6 ca là của tháng 8, 9.
“Các trường hợp tử vong và nặng xin về đa phần đều ở bệnh viện tỉnh chuyển lên. Bệnh đã chuyển biến nặng và diễn tiến nhanh nên dù điều trị tích cực, chúng tôi cũng không thể cứu được các bé”, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết.
Đồng thời, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng đang quá tải và phải kê thêm giường vì hầu hết bệnh nhân SXH đều lên thẳng bệnh viện tuyến trên chứ không qua bệnh viện tuyến dưới điều trị.
Đặc biệt, theo bác sĩ Châu, bệnh SXH ở người lớn hiện gia tăng và số lượng mắc đã đạt tỷ lệ gần như 50/50 so với trẻ em. “Nếu như ở trẻ em, biểu hiện SXH nặng chủ yếu là sốc thì với người lớn bị SXH nặng sẽ chảy máu nhiều, suy đa tạng (suy gan, suy tim), có thể tổn thương tạng và đặc biệt men gan tăng rất cao, gan có thể bị hoại tử. Nếu không xử lý kịp thời, đúng cách có thể tử vong”, bác sĩ Châu cảnh báo.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) lưu ý phụ huynh về cách đề phòng, nhận biết và chăm sóc bệnh SXH ở trẻ
|
Trong khi đó, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu năm đến hết tháng 9 này, toàn TP.HCM có 10.060 ca mắc SXH, tăng 79% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, có 4 trường hợp tử vong do SXH tại TP.HCM.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hiện TP.HCM ghi nhận có khoảng 600 ca mắc SXH mỗi tuần.
“Chắc chắn năm nay dịch SXH, không chỉ ở Việt Nam mà cả quốc tế, diễn biến phức tạp và mở rộng vùng dịch. Nguyên nhân chủ yếu là do đời sống chật chội và vệ sinh môi trường không đảm bảo”, Phó giáo sư -tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đánh giá.
Hành lang bệnh viện hầu như không còn chỗ kê giường cho bệnh nhân - Ảnh: Nguyên Mi
|
1/3 lon bia chứa hàng trăm con lăng quăng
Kiểm tra tận nhà dân tại quận Tân Phú, TP.HCM, đoàn của Bộ Y tế phát hiện nhiều đồ phế thải được trữ trong nhà đang là “ổ” trú ẩn cho muỗi, chỗ đọng nước phát sinh lăng quăng. “Soi” vào một vỏ lon bia có nước đọng 1/3 lon thì Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát hiện có đến hàng trăm con lăng quăng đang sinh sôi. Những vật dụng như ủng, bình cắm cây phát tài,… có đọng nước trong một số nhà dân mà đoàn kiểm tra cũng là “nhà” của bầy đàn lăng quăng.
Hay có nơi treo nguyên băng-rôn to: "Không có lăng quăng, không có SXH" nhưng cách vài trăm mét là cái vườn hoa đọng nước với nguyên một "làng" lăng quăng đang sinh sôi.
“Còn có các ổ lăng quăng, bọ gậy nguồn không phải ở trong nhà và xung quanh nhà mà là từ các công trường, nhà bỏ hoang, khu vực công trình thi công dang dở. Cơ quan y tế dự phòng rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương để có thể kiểm tra, xử lý những khu vực đó”, Phó giáo sư - tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, có ý kiến.
Hằng trăm con lăng quăng sinh sôi trong vỏ lon bia chứa nước đọng được đoàn kiểm tra đổ ra chén - Ảnh: Nguyên Mi
|
Theo ông Lân, các ổ dịch, khu vực trọng điểm SXH cần phải đảm bảo được phun thuốc diệt muỗi 100%, chứ chỉ phun được 80% thì hiệu quả dập dịch, phòng bệnh cũng không cao vì muỗi sẽ bay từ nhà này sang nhà khác, không giải quyết được tận gốc rễ.
Qua kiểm tra, ông Phu kết luận, ngoài các biện pháp phun xịt muỗi, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và tuyên truyền cho người dân phòng SXH, Bộ Y tế sẽ ra các quy định đẩy mạnh xử phạt các trường hợp, công trình để “ổ” lăng quăng, môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi. Đồng thời, cần có chiến dịch loại bỏ vật phế thải trong nhà dân, khu dân cư, công cộng để không còn chỗ sinh sôi, trú ẩn cho muỗi.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các bệnh viện phải chú ý các biện pháp phòng chống lây chéo trong bệnh viện trong bối cảnh đang quá tải điều trị. Mặt khác, theo ông Phu cần giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện, các trường hợp nhẹ nên điều trị ở tuyến dưới, nặng mới lên tuyến trên và các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên gia cho tuyến dưới.
Bình luận (0)