Việt Nam đánh giá về sự biến đổi của vi rút cúm A/H1

Liên Châu
Liên Châu
15/12/2024 04:33 GMT+7

Do bản chất liên tục biến đổi của vi rút cúm, WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát toàn cầu, nhằm phát hiện những thay đổi về mặt vi rút, dịch tễ và lâm sàng.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 10 tháng năm 2024, trong nước có 264.830 trường hợp mắc cúm mùa được báo cáo, với 8 ca tử vong gồm tại Bình Định (4 ca), Hà Nội (2 ca), Khánh Hòa (1 ca) và Phú Yên (1 ca). So với cùng kỳ 2023 (có 292.719 trường hợp mắc, 1 trường hợp tử vong), số mắc cúm năm nay giảm 9,5%, tử vong tăng 7 trường hợp.

Các chủng vi rút cúm mùa gồm: cúm A/H1N1 (hay A/H1 pdm, còn gọi là cúm lợn), cúm A/H3N2, cúm B và cúm C.

Khí hậu đang thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm lây lan

"Dịch bệnh truyền nhiễm luôn diễn biến khó lường, tiếp tục có nguy cơ xuất hiện và lây lan các biến thể mới, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi. Hệ thống y tế trong nước duy trì giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, trong đó có bệnh viêm phổi nặng do vi rút và các bệnh lây qua đường hô hấp (cúm mùa, cúm gia cầm độc lực cao)", TS Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay.

Việt Nam đánh giá về sự biến đổi của vi rút cúm A/H1- Ảnh 1.

VN tham gia giám sát, nghiên cứu về vi rút cúm mùa

ẢNH: TUẤN MINH

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng nhận định, trong bối cảnh nhu cầu giao thương ngày càng tăng cùng với diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, do đó nguy cơ đối mặt với sự lây truyền của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn. Thời gian tới, với khí hậu mùa đông xuân, là yếu tố thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa.

Đặc tính thay đổi liên tục

Liên quan đến vi rút cúm A/H1N1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông tin: Tháng 8.2024, WHO đã nhận được báo cáo từ Văn phòng Điều lệ y tế quốc tế VN về một trường hợp nhiễm trùng ở người được xác nhận trong phòng thí nghiệm với vi rút cúm A/H1N1 có nguồn gốc từ lợn. Bệnh nhân (BN) là phụ nữ 70 tuổi, có bệnh lý nền, sống ở một tỉnh miền núi phía bắc VN.

Trước đó, tháng 6.2024, BN sốt, mệt mỏi, chán ăn, được đưa vào bệnh viện huyện do các triệu chứng dai dẳng, được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi ngoài các bệnh lý nền. Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy BN bị cúm A và được chuyển đến bệnh viện tuyến T.Ư tại Hà Nội. Xét nghiệm PCR với mẫu bệnh phẩm của BN đã xác nhận vi rút cúm A nhưng không xác định được phân nhóm. Tháng 8, giải trình tự gien đã xác định vi rút cúm A/H1N1.

Các điều tra dịch tễ cho thấy BN này sống một mình và ít tiếp xúc với dân làng trong thời gian bị bệnh tại địa phương. Không có báo cáo nào về các triệu chứng hô hấp trong số những người tiếp xúc, bao gồm cả nhân viên y tế; không có đợt bùng phát dịch bệnh ở vật nuôi nơi cư trú của BN này.

Việc xác định thêm đặc tính của vi rút vẫn đang được tiến hành. WHO đánh giá hiện rủi ro do loại vi rút này gây ra là thấp.

Tại VN, một chuyên gia y tế dự phòng cho biết trong nước vẫn duy trì hệ thống giám sát cúm nhiều năm qua, lấy mẫu bệnh phẩm các ca bệnh đường hô hấp nặng để xét nghiệm. Các nghiên cứu cũng đánh giá, theo sát sự biến đổi của vi rút cúm A/H1N1.

Theo chuyên gia, vi rút này có đặc tính thay đổi liên tục do "trượt gien". Do đó, cúm A/H1N1 thay đổi hằng năm. Đó cũng là lý do vắc xin cúm cần được tiêm hằng năm để phù hợp với các chủng vi rút. Các khuyến cáo về vắc xin được dựa trên kết quả giám sát cúm toàn cầu, đánh giá các chủng vi rút nổi trội lưu hành.

"Vi rút này thay đổi, nhưng chưa đến mức trở thành một biến chủng mới. Nếu vi rút cúm A/H1 pdm thay đổi với tính chất mới về độc lực, về khả năng lây nhiễm thì chúng đã phải mang một tên mới, chứ không thể vẫn được định danh là cúm A/H1N1, như đã xuất hiện từ năm 2009", chuyên gia này cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.