Những câu hỏi trước khi quyết định làm thêm
Nhiều nơi có xu hướng muốn thuê sinh viên một phần vì chi phí rẻ và các bạn khá nhiệt huyết với công việc của mình. Tuy nhiên, “trẻ” không phải là lý do để ngụy biện cho việc thiếu chuyên nghiệp. Võ Hồng Bửu, 21 tuổi, nhân viên công ty về nhân sự (TP.HCM) cho hay khi các nhà tuyển dụng xem xét hồ sơ xin việc của ứng viên, những hoạt động tham gia hay dự án cá nhân cũng là điểm sáng để phân biệt bạn là ai và tại sao nhà tuyển dụng nên chọn bạn.
Bên cạnh đó, không phải công việc nào cũng cần kinh nghiệm và chuyên môn theo lối học thuật, các bạn sinh viên có thể rèn giũa bản thân mình qua những công việc để phát triển kỹ năng. Do đó, dù là chọn công việc nào đi nữa các tân sinh viên cũng nên trả lời 3 câu hỏi trước khi bắt đầu: Mình chọn công việc này được gì (phát triển kỹ năng hay kiếm thêm nhu nhập); Mình sẽ làm công việc này trong bao lâu? Mình sẽ học được gì khi làm công việc này?
Các việc làm thêm phù hợp cho sinh viên năm nhất
Làm gia sư
Dạy thêm hoặc gia sư tại nhà là một trong những công việc đầu tiên nhiều bạn lựa chọn khi quyết định làm thêm. Việc dạy thêm có thể tìm kiếm dễ dàng hơn bao giờ hết: làm gia sư tại nhà, đi làm trợ giảng cho các trung tâm tiếng Anh hoặc tự mở các lớp học thêm của chính mình để thu hút “học trò”.
Nguyễn Vũ Tường Linh (20 tuổi, sinh viên năm 3 Trường ĐH Ngoại thương - Cơ sở TP.HCM) cho biết từ năm nhất Linh đã bắt đầu tự tạo các lớp học thêm vật lý để dạy cho các bạn nhỏ tuổi, vừa tận dụng được kiến thức Linh học được từ cấp 3, vừa tìm được cho mình khoảng 4 triệu đồng một tháng.
Với những bạn có năng khiếu ngôn ngữ hơn như cô bạn Ngô Đặng Thùy Dung (19 tuổi, sinh viên năm 2 Trường ĐH Luật TP.HCM), Dung chọn làm trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh, tiền lương được tính tầm 38.000 - 45.000 đồng/giờ. Đặc biệt hơn, với những bạn có sức ảnh hưởng hơn trên mạng xã hội, các bạn có thể tạo lớp dạy thêm online để thu hút nhiều học viên cho mình.
Đơn cử cho trường hợp này là Đàm Thanh Tùng (23 tuổi, tốt nghiệp Học viện Báo chí - Tuyên truyền) hiện là người sáng lập của nhiều tổ chức phi lợi nhuận tại Hà Nội cho hay từ khi còn là sinh viên Tùng thường dạy các khóa học địa lý online trên mạng để cho các em có nhu cầu ôn thi đại học theo học.
|
Phục vụ quán cà phê, nhà hàng
Nếu không yêu thích với việc dạy thêm, các bạn có thể ứng tuyển vào các vị trí tại hàng quán đồ ăn và cà phê để làm phục vụ. Lương khi làm phục vụ dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/giờ.
Nguyễn Thanh Loan (20 tuổi, sinh viên năm 2 Trường ĐH Ngoại thương - Cơ sở TP.HCM) chia sẻ: “Nhờ đi bán sữa cho một nhãn hàng khởi nghiệp, mình đã có thêm thu nhập, phát triển được khả năng giao tiếp cũng như tự tin hơn trước đám đông khá nhiều”.
Công việc phát triển kỹ năng chuyên môn
Xu hướng phát triển của xã hội kéo theo cơ hội việc làm trong các ngành chuyên môn cũng gia tăng với người trẻ. Ngay cả việc khi bạn là sinh viên năm nhất vẫn có thể tìm được các công việc thực tập, bán thời gian tại những tập đoàn lớn với mức phụ cấp từ 1 triệu đến 5 triệu đồng/tháng.
Trần Thu Hiền (21 tuổi, sinh viên năm 4 Trường ĐH Ngoại thương - Cơ sở TP.HCM) vui vẻ kể rằng từ đầu năm hai, tích lũy được một ít kiến thức về thiết kế và truyền thông, bạn ứng tuyển vào một công ty truyền thông có tiếng và may mắn được nhận. Dù là sinh viên nhưng số tiền bạn thu về mỗi tháng có thể giúp bạn trang trải cuộc sống mà không cần chu cấp của bố mẹ.
Võ Hồng Bửu, cho biết trước khi quyết định đi làm thêm, bạn hãy chuẩn bị một tinh thần ham học hỏi, muốn biết cái mới, tinh thần làm việc hiệu quả để phát triển trước khi nghĩ đến chuyện lợi nhuận thu về. Điều đó một phần sẽ giúp cho các bạn sinh viên nhận được những cơ hội việc làm tốt hơn sau khi ra trường cũng như tránh bị vào danh sách đen của các nhà tuyển dụng về thái độ hời hợt của mình.
Bình luận (0)