Điểm sáng Việt Nam trong bất ổn toàn cầu

13/10/2022 20:38 GMT+7

Việt Nam đã tận dụng tốt thời cơ để “ghi điểm” với các nhà đầu tư thế giới ...

Vĩ mô ổn định bất chấp lạm phát bao trùm các nền kinh tế lớn; tiền đồng, tỷ giá không biến động nhiều dù USD tăng cao nhất trong lịch sử, các ngoại tệ khác lao dốc không phanh... Việt Nam đã tận dụng tốt thời cơ để “ghi điểm” với các nhà đầu tư thế giới...

Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, khi trò chuyện với Thanh Niên về những thành quả mà đất nước đã đạt được sau năm 2022 đầy khó khăn.

Khả năng chống chọi của nền kinh tế đã tốt hơn

Di chứng của dịch bệnh vẫn trầm trọng, thêm chiến sự Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng... Đến lúc này nhìn lại có thể nói năm 2022 thế giới đã đối mặt với nhiều bất ổn, đặc biệt là cơn bão lạm phát quét qua nhiều nước lớn. Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định vĩ mô, ông đánh giá thế nào về điều này?

Có thể khẳng định đây là điểm sáng rất lớn của kinh tế Việt Nam (VN). Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, đây là lần đầu tiên nước ta bị tác động mạnh bởi những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu mà kinh tế vĩ mô vẫn ổn định. Tôi nhớ, trong thập niên 1980, khi các nền kinh tế Đông Âu khủng hoảng rồi sụp đổ đã ảnh hưởng rất sâu rộng đến nền kinh tế VN. Không còn được nguồn lực tài chính hỗ trợ từ khối Đông Âu, kinh tế VN rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Hết tiền, hết nguồn lực nhưng khi đó Chính phủ lại dùng chính sách in tiền để hỗ trợ nên đã dẫn tới lạm phát “phi mã” vào cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990. Cái giá phải trả thời điểm đó rất đắt.

Gạo xuất khẩu tại Cảng Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp

TRẦN THANH PHONG

Tới những năm 1998 - 1999, khi khủng hoảng kinh tế Đông Á xảy ra bắt đầu từ các nền kinh tế như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc… VN dù không bị tác động trực tiếp nhưng cũng bị ảnh hưởng khi dòng vốn FDI tụt giảm mạnh. Xuất khẩu chững lại, gây mất cán cân thanh toán và tiền đồng cũng bị mất giá mạnh. Thời điểm đó, ngân hàng mạnh tay cấp tín dụng thư cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng nặng, chịu nợ xấu cao.

Hơn 10 năm sau, tiếp tục đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 - 2009 dẫn đến một giai đoạn bất ổn vĩ mô lớn ở VN. Lạm phát tăng cao, “bong bóng” tài sản, chứng khoán, bất động sản dẫn đến hệ thống ngân hàng yếu kém, đồng VN cũng chịu sức ép và cuối cùng mất giá.

Lần bất ổn toàn cầu này là lần đầu tiên mà ổn định vĩ mô ở VN vẫn được giữ vững.

Theo ông, nhờ đâu mà chúng ta có được thành quả như vậy?

Đầu tiên là chính sách kinh tế vĩ mô. Như tôi vừa kể ở trên, hầu hết những lần VN “thất bại” trong khủng hoảng đều là do áp dụng chính sách “thuận chu kỳ” - khi thị trường tăng trưởng tốt, chính sách vĩ mô về tài khóa và tiền tệ cũng chạy theo, mở rộng... dẫn tới tăng trưởng nóng, lại phải thắt chặt một cách giật cục. Vì thế, khi kinh tế khó khăn, khi khu vực tư nhân không còn tăng trưởng tốt thì cũng không còn dư địa chính sách để hỗ trợ. Chưa kể, cùng chu kỳ, tư nhân co lại thì nhà nước đồng thời cũng co lại, thắt chặt thêm, làm cho kinh tế giảm sâu, đóng băng kéo dài.

Tàu lớn vào ăn hàng tại Cảng Cái Mép

Nguyễn Long

Có lẽ VN đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong quản lý điều hành vĩ mô, đặc biệt là trong những năm trước Covid-19, giai đoạn từ 2017 - 2019. Khi đó chúng ta đi theo hướng “nghịch chu kỳ”. Nghĩa là nền kinh tế vận hành tốt, khu vực kinh tế tư nhân khởi sắc nhưng chính sách vĩ mô không “hùa theo”, chính sách tài khóa, tiền tệ không quá mở rộng. Nhờ vậy, kinh tế vẫn tăng trưởng tốt mà dư địa chính sách lại được tạo lập. Thâm hụt ngân sách duy trì ở mức thấp, quy mô nợ công tương đối giảm so với GDP. Chính vì thế, khi Covid-19 xảy ra, cộng thêm tác động của xung đột Nga - Ukraine, rồi chính sách thắt chặt tiền tệ từ ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn, VN vẫn còn dư địa để giữ được ổn định vĩ mô.

Thứ hai, như bạn nói ở trên, nền kinh tế VN có độ mở lớn. Tôi cho rằng chính yếu tố này lại là một trong những lợi thế giúp VN đứng vững trong tâm bão.

Chứ không phải độ mở lớn tương ứng với chịu tác động lớn và tổn thương cũng lớn, thưa ông?

Thông thường khi nhắc đến độ mở của kinh tế VN, mọi người hay nhìn vào tỷ trọng xuất khẩu và nhập khẩu gấp đôi GDP để nói đó là độ mở lớn. Đây chỉ là độ mở về thương mại hàng hóa, chưa phải độ mở lớn về dòng vốn và tài chính.

Những nước dễ tổn thương nhất trong khủng hoảng là những nước dựa vào dòng vốn tài chính ngắn hạn, đặc biệt là dòng vốn tài chính “nóng”. Khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất điều hành, những nền kinh tế dựa vào dòng vốn “nóng” để hỗ trợ cho tăng trưởng sẽ gặp khó khăn lớn nhất. VN mặc dù là nền kinh tế có độ mở lớn về thương mại nhưng không hề phụ thuộc vào dòng vốn tài chính ngắn hạn. Kể cả các dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán cũng không phải dòng vốn “nóng”. Vì vậy, chúng ta cũng không chứng kiến sự đảo chiều từ các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Còn đầu tư trực tiếp nước ngoài, VN tiếp tục là thị trường hấp dẫn nhờ lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

NVCC

Chính sách hỗ trợ chuyển đổi số phải theo chuẩn quốc tế, không nên tự nghĩ ra chính sách hay chuẩn riêng của VN. Chúng ta nên cùng một số các nước đối tác vận động, thúc đẩy, tiến tới ký kết 1 hiệp định khu vực về hợp tác kinh tế số, trong đó tạo ra những chuẩn mực về kinh tế số, định ra những cam kết về cải cách, đổi mới chính sách theo chuẩn quốc tế. Từ đó, các DN VN cũng đổi mới quản trị, đổi mới công nghệ hướng theo chuẩn mực quốc tế. Cơ hội thành công sẽ rất lớn.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam

Ngay về thương mại hàng hóa thì VN là một trong số rất ít các nền kinh tế mở có cơ cấu thị trường xuất khẩu đa dạng. Chúng ta có các thị trường lớn ngang ngửa nhau. Đó là Mỹ, EU, Trung Quốc, khu vực Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và khu vực Đông Nam Á. Vì thế, khi kinh tế toàn cầu bất ổn, khi một thị trường xuất khẩu của VN suy giảm thì thường sẽ được bù đắp bằng một thị trường khác.

Rõ ràng, độ mở cao, đa dạng hóa được thị trường không những giúp VN không dễ bị tổn thương mà còn tăng khả năng chống chọi tốt hơn.

Tạo cơ chế đột phá để tăng sức cạnh tranh

Cặp chỉ số CPI và GDP thường tỷ lệ thuận với nhau, nhưng năm nay CPI của VN dự báo không vượt quá 4%, trong khi GDP được dự báo sẽ cao hơn so với mục tiêu 7,5%. Ông có thể phân tích kỹ hơn về vai trò điều hành của Chính phủ để vừa kiểm soát lạm phát lại vừa phục hồi kinh tế?

Trước đây, chính sách của VN hay bị tình trạng “giật cục”. Khi mở thì mở hết phanh, khi thắt thì thắt mọi chỗ, tạo ra thách thức rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) và thị trường. Giai đoạn vừa rồi, tác động về dòng vốn, thương mại, đầu tư, tỷ giá, lãi suất… biến động rất nhiều. Chính sách khó có thể mang tính dự đoán trước vì tình hình quá bất ổn. Để vừa đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng, vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, bắt buộc phải linh hoạt theo tính thích ứng.

Cuối 2021, định hướng chính sách của VN là phải làm sao hỗ trợ triển khai được gói phục hồi kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng trong 2022 - 2023, đảm bảo kinh tế phục hồi mạnh trong năm 2022. Thế nhưng, chiến sự Nga - Ukraine bất ngờ nổ ra, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng cao. Cùng với đó, áp lực lạm phát cũng cao vì trong Covid-19 các nền kinh tế giàu có đã “rải tiền” rất nhiều, hỗ trợ mạnh cả về phía tài khóa lẫn tiền tệ. Từ tháng 3, điều hành chính sách kinh tế vĩ mô ở VN đã có sự thay đổi theo hướng ưu tiên ổn định vĩ mô. Chính sách tiền tệ không thể tiếp tục nới lỏng mà chuyển dần theo hướng thận trọng nhưng không phải thắt chặt hoặc tăng lãi suất điều hành giống như các nước. Về phía tài khóa, thu ngân sách vẫn tốt, vẫn nhiều so với dự toán, nên có dư địa để tiếp tục các giải pháp cắt giảm về thuế, phí để giúp kìm hãm đà tăng của giá năng lượng.

Khó khăn sẽ nằm ở năm 2023 khi kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ tăng trưởng rất yếu, với một số nền kinh tế lớn có thể bị suy thoái khi phải thắt chặt tiền tệ quá mạnh. Để vẫn có một tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt trong khoảng 6,8% thì cần dựa vào động lực tăng trưởng từ thị trường nội địa. Chính sách tiền tệ và tài khóa vì vậy phải có đủ dư địa để hỗ trợ tăng trưởng trong năm 2023.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm nay của VN, đó có phải là kết quả của việc chúng ta giữ được ổn định vĩ mô trong cơn khủng hoảng của kinh tế toàn cầu không thưa ông?

Đầu tiên phải khẳng định VN đã mở cửa kinh tế đúng thời điểm, chọn đúng điểm rơi. Nhờ mở cửa, trong ngắn hạn chúng ta đã hồi phục các hoạt động về du lịch, thương mại, vận tải, dịch vụ, ít nhất là ở thị trường nội địa. Trong dài hạn, VN trở thành môi trường kinh doanh thuận lợi để khai thác sự chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay.

Thị trường xuất khẩu đa dạng giúp VN tăng sức chống chịu giữa bất ổn kinh tế toàn cầu

độc lập

Trong các xếp hạng quốc tế, về mặt trình độ phát triển thì VN vẫn là 1 nước có thu nhập trung bình thấp, là 1 nền kinh tế đang phát triển, chưa được gọi là nền kinh tế mới nổi. Đối với các nhà đầu tư, họ vẫn luôn “ngại” nền tảng vĩ mô của VN, sợ đầu tư vào sẽ gặp bất ổn về vĩ mô, lạm phát cao, đồng tiền mất giá, hệ thống ngân hàng tài chính yếu kém… Vì thế, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, khi mà các nước giàu còn lạm phát cao, nhiều nước nền kinh tế mới nổi cũng bị trục trặc, đứng trên bờ vực khủng hoảng thì VN lại duy trì được ổn định, đây chính là cơ hội để trả lời cho các nhà đầu tư quốc tế rằng VN chính là điểm đến của họ.

Ngoài ra, bên cạnh những lợi thế truyền thống như cơ sở hạ tầng, đất đai, nhân công rẻ… lợi thế lớn nhất của VN hiện nay là chúng ta có được các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Đây là điều không phải nền kinh tế nào cũng có. Trong khu vực, đứng đầu về các hiệp định thương mại tự do là Singapore, đứng thứ 2 là VN. Singapore thì tập trung dịch vụ còn VN tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo. Cũng nhờ các hiệp định thương mại tự do, VN tuy không mạnh về mạng lưới các nhà cung ứng tại chỗ, nhưng những nhà cung ứng ở nơi khác vẫn có thể cung ứng xuyên biên giới sang VN. Nguồn cung ứng nội địa là băn khoăn lớn nhất của các nhà đầu tư khi tính toán chuyển dòng đầu tư ra khỏi Trung Quốc.

Thực ra không chỉ VN mà nhiều nền kinh tế trong khu vực cũng đã và đang thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm đón làn sóng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, theo ông chúng ta phải làm gì để tạo sức hút, để cạnh tranh với họ ?

Yếu tố tạo đột phá trong phát triển kinh tế và giúp tăng mạnh năng suất của nền kinh tế hiện nay là chuyển đổi số. Chuyển đổi số vừa thúc đẩy, nuôi dưỡng, phát triển các DN khởi nghiệp VN, vừa thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của nước ngoài đầu tư vào VN, kết nối tạo nên những mối liên kết chặt chẽ giữa DN nội và DN ngoại.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số phải theo chuẩn quốc tế, không nên tự nghĩ ra chính sách hay chuẩn riêng của VN. Chúng ta nên cùng một số các nước đối tác vận động, thúc đẩy, tiến tới ký kết 1 hiệp định khu vực về hợp tác kinh tế số, trong đó tạo ra những chuẩn mực về kinh tế số, định ra những cam kết về cải cách, đổi mới chính sách theo chuẩn quốc tế. Từ đó, các DN VN cũng đổi mới quản trị, đổi mới công nghệ hướng theo chuẩn mực quốc tế. Cơ hội thành công sẽ rất lớn.

Ưu tiên tiếp theo là tháo gỡ ách tắc cơ sở hạ tầng. Chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng trong 3 năm tới là vô cùng lớn. Cần tránh sai lầm trong quá khứ về tình trạng đầu tư dàn trải. Tín hiệu có tiền đầu tư công nhiều thường tạo động cơ cho các ngành, các địa phương đua nhau đề xuất dự án. Sân bay là một ví dụ gần đây. Cần tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng tại các vùng kinh tế động lực.

Về lao động, hiện nhiều nơi đã xuất hiện khan hiếm lao động, trong khi các chính sách thúc đẩy thị trường lao động có tính cạnh tranh cao như nhà ở xã hội cho công nhân, an sinh xã hội cho người lao động… hiện vẫn còn trên giấy. Cần tập trung đẩy nhanh các chính sách này.

Cuối cùng, phải kiến tạo cơ hội cho các DN VN trở thành nhà cung ứng vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Với các nhà đầu tư, sẽ tốt hơn nếu họ có các nhà cung ứng ngay bên cạnh. Điều này cũng cần thiết để tăng giá trị gia tăng thật cho nền kinh tế, tăng tính bền vững về sức cạnh tranh.

Cân đối giữa ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế luôn là việc rất khó khăn. Nền kinh tế cần vốn để tăng trưởng và vốn vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. Thực tế trong 6 tháng đầu năm là tín dụng đã tăng rất mạnh, lên đến 9,4% so với cuối năm trước. Thận trọng với lạm phát nên tăng trưởng tín dụng tháng 7 và 8 đã tăng chậm hẳn lại, và vì thế lạm phát tổng thể đã giảm tốc trong 2 tháng 7 và 8 (từ 3,37% xuống 2,89%). Nếu lạm phát giảm tiếp trong tháng 9 và tháng 10, thì đó sẽ là cơ sở để linh hoạt hơn về chính sách tiền tệ và tín dụng.

Hết quý 1, tăng trưởng kinh tế của VN mặc dù không quá xuất sắc nhưng ở mức trên 5% thì cũng là dấu hiệu rất khả quan. Đến quý 2, tăng trưởng GDP lên hơn 7,7%. Quý 3 tăng trưởng sẽ là 2 chữ số vì quý 3 năm ngoái tăng trưởng âm. GDP cả năm 2022 sẽ tăng trưởng trong khoảng 7,3-7,5%. Nhưng mức tăng trưởng cao này của năm 2023 về thực chất chỉ là bù đắp lại một phần cho mức tăng trưởng rất thấp trong năm 2022. Tính cả 3 năm 2020-2022, GDP VN tăng 13,5%. Nếu không có Covid-19, với mức tăng bình quân 6,5% thì GDP lẽ ra đã tăng được 20,8%.

Trong thiết kế của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế thì hầu hết các dự án đầu tư mới là ở giai đoạn chuẩn bị trong năm nay, phần lớn ngân sách cho đầu tư công tại gói đó sẽ giải ngân trong năm 2023 và cả trong chương trình đầu tư công 2023 - 2025. Thế nên không có nhiều dự án giải ngân trong 2022, những dự án dự kiến giải ngân trong 2022 thì tiến độ cũng rất chậm. Có thể nói, động lực tăng trưởng giai đoạn vừa qua là kinh tế mở cửa trở lại sau 1 năm phong tỏa, cách ly, chưa có động lực đầu tư công. Nhưng rủi ro môi trường kinh tế toàn cầu rất xấu, để có tăng trưởng tốt trong 2023 thì vai trò của đầu tư công là rất quan trọng. Chính sách tài khóa và tiền tệ cần ở trạng thái hỗ trợ tăng trưởng. Yếu tố thứ 2 là phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.