Điểm tín dụng cá nhân quyết định lãi suất vay

18/07/2016 08:00 GMT+7

Khi cho vay tiền, ngoài tài sản thế chấp, khả năng trả nợ... của người vay, tổ chức tín dụng còn dựa vào điểm tín dụng cá nhân để quyết định lãi suất cho vay. Khách hàng có nợ xấu, điểm tín dụng thấp sẽ bị thẩm định kỹ, lãi suất vay cao hơn nhằm hạn chế rủi ro và ngược lại với người có điểm tín dụng cao.

Ông Cao Văn Bình
Thanh Niên có cuộc phỏng vấn ông Cao Văn Bình (ảnh), Phó tổng giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia VN (CIC), để làm rõ hơn về điểm tín dụng (ĐTD). Ông Bình nói:
Chấm ĐTD là một phương pháp phân tích, đánh giá dựa trên xác suất thống kê để dự đoán mức độ rủi ro về tín dụng qua lịch sử quan hệ tín dụng, giao dịch khác của khách hàng cá nhân với tổ chức tín dụng (TCTD) và các tổ chức khác. Những thông tin được CIC đưa vào mô hình chấm ĐTD bao gồm tuổi của khách hàng vay, tình trạng dư nợ (bao gồm cả dư nợ tín dụng và dư nợ thẻ), lịch sử dư nợ, số TCTD đang có quan hệ tín dụng…
Đến nay, CIC đã hoàn thành việc xây dựng mô hình chấm ĐTD thể nhân và đang triển khai xây dựng mô hình xếp hạng tín dụng doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Kết quả chấm ĐTD là nguồn tham khảo quan trọng để TCTD đưa ra quyết định tín dụng và mức lãi suất. Ngoài ra, ĐTD cá nhân còn được một số doanh nghiệp sử dụng trong tuyển dụng nhân sự.
Có thông tin CIC sẽ phối hợp với các ngành như công an, điện nước… để thu thập thêm thông tin khách hàng cho việc chấm ĐTD. Thực tế, một số người khi bán nhà, các hợp đồng về điện, nước, điện thoại thường không cắt hợp đồng với nhà cung cấp. Người mua nhà có thể sử dụng các dịch vụ này theo hợp đồng của chủ cũ... Vậy việc thu thập thông tin này liệu có chính xác trước khi đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng?
Đây là những khó khăn mà chúng tôi đã nhận thấy khi triển khai việc thu thập thông tin dữ liệu ngoài ngành trong tình hình thực tế như hiện nay. Việc sử dụng các loại giấy tờ, tài sản không chính chủ ở VN tương đối nhiều, người dân chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của chính bản thân mình. Để giải quyết triệt để những khó khăn trên cần có sự tham gia của nhiều cơ quan và bản thân người vay. CIC hiện chưa đưa những thông tin này vào đánh giá ĐTD, nhưng chúng tôi sẽ làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ để làm sao đưa những thông tin này vào đánh giá ĐTD trong thời gian tới.
Ông có thể cho biết khách hàng nợ bao nhiêu thì tổ chức cho vay phải chuyển các thông tin lên CIC?
CIC thu thập toàn bộ các khách hàng có dư nợ tại các TCTD, không có ngưỡng giới hạn vay phải báo cáo. Sau khi khách hàng tất toán toàn bộ phần dư nợ và không có phát sinh bất kỳ thông tin dư nợ xấu nào trong 5 năm thì thông tin nợ xấu của khách hàng sẽ không còn hiển thị trên hệ thống.
Trường hợp khách hàng có khiếu nại thông tin tín dụng không chính xác thì CIC sẽ xử lý ra sao?
Khách hàng có nhu cầu khai thác báo cáo thông tin tín dụng phải thực hiện đăng ký với CIC, sau đó có thể khai thác báo cáo chấm ĐTD tại quầy hoặc online (http://creditdata.cic.org.vn/). Nếu khách hàng phát hiện có thông tin không chính xác về chính bản thân có thể gửi yêu cầu khiếu nại và tài liệu chứng minh tới CIC hoặc chính TCTD có thông tin bị sai để yêu cầu trả lời hoặc đính chính. Thông tin gửi tới CIC theo 3 hình thức: qua đường bưu điện, gửi mail tới địa chỉ htkh@creditinfo.org.vn hoặc gửi trực tiếp tại CIC. Chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát để xác định nguyên nhân sai sót và xử lý trong từng trường hợp khác nhau.
Để đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng nên đăng ký và thường xuyên truy cập vào website của CIC để tra cứu báo cáo TCTD và ĐTD bản thân. Theo quy định, trong 1 năm khách khai thác báo cáo chấm ĐTD được miễn phí 1 lần, từ lần thứ hai trở đi mức phí là 50.000 đồng/lần. Hiện tại, trong giai đoạn thí điểm, để khuyến khích người dân đăng ký thông tin và sử dụng sản phẩm, CIC đang thực hiện miễn phí số lần hỏi tin của khách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.