Trong danh sách truy nã gắt gao nhất của Israel, cái tên Marwan Issa nằm trong nhóm đầu, cùng với chỉ huy quân sự của Hamas là Mohammed Deif, và lãnh đạo lực lượng này tại Gaza là Yahya Sinwar. Tuy nhiên, giới chức Hamas chưa xác nhận thông tin về số phận của ông Issa.
Trước đó, quân đội Israel ngày 26.3 tuyên bố máy bay chiến đấu đã tăng cường không kích, và tấn công hơn 60 mục tiêu ở Dải Gaza trong 24 giờ trước đó, chủ yếu nhằm yểm trợ các lực lượng cơ động trên bộ.
IDF cũng cho biết chiến dịch chống Hamas tại Bệnh viện Al-Shifa ở TP.Gaza vẫn tiếp diễn.
Chiến sự liên miên không dứt khiến cho cuộc sống của dân thường tại Gaza càng thêm khốn khổ. Theo Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế, việc đưa hàng cứu trợ vào bên trong khu vực phải là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, tuyến cung cấp lương thực, nước sạch và nhu yếu phẩm đến Gaza vẫn đang gặp rất nhiều trở ngại, tắc nghẽn, khiến nguy cơ nạn đói đang ngày càng hiển hiện tại đây.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng ngày đã cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tại Lầu Năm Góc. Tại đây, ông nói rằng việc bảo vệ thường dân Palestine trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas là một mệnh lệnh mang tính đạo đức và chiến lược trong bối cảnh thảm họa nhân đạo ở Gaza đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
“Ở Gaza ngày nay, số thương vong dân sự quá cao và số lượng viện trợ nhân đạo quá thấp. Gaza đang hứng chịu một thảm họa nhân đạo và tình hình thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn”, ông Austin nói.
Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, liên quan đến xung đột với Hamas.
Tổng thống Joe Biden hiện phải chịu áp lực từ các nhóm nhân quyền và một bộ phần thành viên đảng Dân chủ đòi hỏi dừng viện trợ quân sự bổ sung cho chính quyền ông Netanyahu nhằm gây sức ép trì hoãn cuộc tấn công vào thành phố Rafah ở miền nam Gaza, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.
Chuyển sang tình hình xung đột ở Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga ngày 26.3 tuyên bố trong 24 giờ trước đó, các lực lượng Nga đã thực hiện một cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác tầm xa và máy bay không người lái nhắm vào các trung tâm ra quyết định tình báo của Ukraine cũng như các khu vực triển khai của lính đánh thuê nước ngoài.
Nga trong thời gian gần đây đã liên tiếp thực hiện các cuộc tập kích quy mô lớn vào các hạ tầng quân sự và năng lượng của Ukraine. Giới chức Ukraine đang tiếp tục hối thúc đồng minh phương Tây nhanh chóng viện trợ các tổ hợp phòng không Patriot để giúp nước này tăng cường năng lực phòng thủ, bảo vệ các hạ tầng quan trọng.
Ở phía ngược lại, hải quân Ukraine ngày 26.3 tuyên bố một cuộc tấn công bằng tên lửa của nước này đã đánh trúng một tàu trinh sát của hải quân Nga và một tàu đổ bộ cỡ lớn mà Moscow đã thu giữ trong quá trình sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Hải quân Ukraine nói rằng Ukraine đã tấn công hai tàu trên trong cuộc tấn công vào Crimea trong cuối tuần. Trước đó, quân đội Ukraine nói rằng cuộc tấn công đó đánh trúng hai tàu chiến khác là tàu đổ bộ Azov và Yamal.
Hải quân Ukraine khẳng định tàu đổ bộ cỡ lớn Konstantin Olshansky đã bị tên lửa chống hạm Neptune tấn công, gây ra thiệt hại mà Kyiv vẫn đang đánh giá mức độ.
Chưa có thông tin về phản ứng của Nga đối với tuyên bố trên của Hải quân Ukraine. Tuy nhiên ảnh chụp từ vệ tinh của khu vực này dường như cũng không cho thấy nhiều bằng chứng để xác nhận tuyên bố từ phía Kyiv.
Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 27.3.2024 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)