Điểm xung đột: Chiến đấu cơ Pháp 'thử lửa' trước Nga; những UAV kỳ lạ ở Ukraine

Điểm xung đột: Chiến đấu cơ Pháp 'thử lửa' trước Nga; những UAV kỳ lạ ở Ukraine

12/10/2024 23:00 GMT+7

Bộ chỉ huy chiến dịch miền nam của quân đội Ukraine ngày 11.10 cho biết Nga trong tuần qua đã tăng cường hoạt động tấn công ở miền nam. Tuy nhiên, phía Ukraine nói quân Nga đã không đạt được tiến triển gì sau 5 ngày tấn công.

Ở miền đông Ukraine, hãng tin Sputnik cùng ngày dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã kiểm soát thành công làng Ostrovskoye, cách vùng Kurakhove khoảng 5km về hướng đông. Thắng lợi này cho phép bảo vệ sườn của lực lượng Nga tiến về Kurakhove. Ukraine chưa bình luận thông tin trên.

Ở mặt trận Kursk trên lãnh thổ Nga, một số kênh Nga và Ukraine trên Telegram dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ quân đội chính quyền Moscow đã triển khai đợt phản công mới ở khu vực này, nhưng phía Ukraine tuyên bố đã chặn đứng thành công kế hoạch của đối phương.

Trong khi đó, Hãng TASS dẫn thông tin từ quân đội Nga cho biết đã phá hủy gần 70% số phương tiện tác chiến được Ukraine triển khai ở vùng Kursk. Trang tin Forbes dựa trên các video thực địa cũng nhận định rằng lực lượng Ukraine đã tổn thất rất nhiều thiết bị có giá trị vì lọt vào bẫy phục kích của Nga ở Kursk hồi cuối tháng 9.

Tuy nhiên, có một tin vui vừa đến với Ukraine khi nước này sẽ nhận một phi đội máy bay phản lực siêu ạm Mirage 2000-5 của Pháp, sớm nhất là vào đầu năm sau.

Lúc này, Tổng thống Volodymyr Zelensky đang thực hiện chuyến công du châu Âu để thu hút thêm hỗ trợ từ các đồng minh, trong lúc Ukraine chuẩn bị bước vào mùa đông thứ ba kể từ khi xung đột nổ ra với Nga.

Tại Đức, ông Zelensky cho biết ông mong muốn cuộc xung đột sẽ chấm dứt vào năm 2025.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Olaf Scholz cũng thông báo khoản viện trợ quân sự trị giá 1,4 tỉ euro cho Ukraine từ đây đến cuối năm. Gói viện trợ mới sẽ bao gồm các tổ hợp phòng không tự hành, UAV chiến đấu và pháo các loại.

Đức hiện là nước viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine. Tuy nhiên, đến nay ông Scholz vẫn chưa có ý định chuyển giao tên lửa Taurus tầm xa theo yêu cầu của chính quyền Kyiv. Và gói viện trợ mới cũng vắng bóng dòng tên lửa mà Kyiv mong muốn.

Cũng trong ngày 11.10, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ khối này sẽ công bố lệnh cấm vận đối với các cá nhân và tổ chức bị cáo buộc tham gia chương trình chuyển giao tên lửa đạn đạo từ Iran cho Nga. Nga và Iran chưa bình luận về thông tin này.

Quan hệ giữa Iran và Nga được củng cố mạnh mẽ kể từ khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022. Trong cuộc gặp lần đầu với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ở Turkmenistan hôm 11.10, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Quan hệ với Iran là ưu tiên của Nga và đang tiến triển vô cùng thành công”.

Nhà lãnh đạo Nga cho hay hai bên tích cực hợp tác trên trường quốc tế, và “quan điểm song phương về thế giới thường rất tương đồng”.

Về phần mình, Tổng thống Pezeshkian ca ngợi quan hệ song phương thật sự "chân thành" và đồng ý rằng lãnh đạo hai nước có quan điểm giống nhau về các vấn đề thế giới. Hai ông sẽ gặp lại vào thời điểm Nga tổ chức hội nghị BRICS+ từ ngày 22-24.10.

Ngoài mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Nga thì Iran cũng là cái gai lớn trong mắt Mỹ do hoạt động hỗ trợ các nhóm vũ trang tại Trung Đông. Bên cạnh cách nhóm Hamas và Hezbollah đang ngày đêm giao chiến trực tiếp với Israel, thì lực lượng Houthi ở Yemen trong suốt một năm qua cũng không ngừng tấn công tàu ở biển Đỏ và vịnh Aden.

Sau một năm căng mình đối phó tại đó, hải quân Mỹ cho biết đã học hỏi được nhiều điều để thay đổi và thích nghi, tìm cách phù hợp hơn để chống Houthi.

Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 12.10.2024 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.