Người phát ngôn Phạm Thu Hằng nói: “Trên tinh thần nghị quyết được phiên họp khẩn cấp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 27.10, chúng tôi kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, tuân thủ luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế, bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, thiết lập hành lang nhân đạo và thả ngay lập tức những con tin đang bị giam giữ”.
Việt Nam cũng hoan nghênh và ủng hộ nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy các bên kiềm chế, đối thoại, giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên Hiệp Quốc, nhằm đạt được giải pháp công bằng, thỏa đáng và lâu dài cho tiến trình hòa bình Trung Đông.
Israel đã tiến hành chiến dịch tấn công Dải Gaza sau khi các tay súng Hamas bất ngờ mở cuộc đột kích vào đất Israel hôm 7.10 làm hơn 1.400 người thiệt mạng. Theo chính quyền Gaza, tính đến nay đã có hơn 10.000 người tại dải đất này thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel, trong đó 40% là trẻ em.
Trong ngày hôm nay, những trận đánh cận chiến đã diễn ra sâu trong thành phố Gaza, trong lúc hàng ngàn dân thường tìm cách sơ tán về phía nam.
Quân đội Israel cho biết họ đã tiến vào trung tâm thành phố Gaza, cứ điểm chính của Hamas và là thành phố lớn nhất ở vùng ven biển. Nhóm Hồi giáo cho biết các tay súng của mình đã kháng cự quyết liệt, lợi dụng các đường hầm ngầm để tiến hành phục kích gây tổn thất cho đối phương.
Trong khi giao tranh tiếp diễn thì số phận Dải Gaza sau khi Israel kết thúc chiến dịch quân sự đang được bàn tính. Ý kiến do Mỹ đưa ra hôm 8.11 là người Palestine nên quản lý Gaza.
Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nêu ra những bình luận toàn diện nhất về vấn đề này cho đến nay và những kỳ vọng của Washington đối với Dải Gaza. Ông nói: “Không có chiếm đóng Gaza sau khi xung đột kết thúc. Không có nỗ lực phong tỏa hoặc bao vây Gaza. Không thu hẹp lãnh thổ của Gaza”.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết có thể cần có “một số giai đoạn chuyển tiếp” khi xung đột kết thúc, nhưng việc quản lý sau khủng hoảng ở Gaza phải có tiếng nói của người Palestine. “Nó phải bao gồm sự quản lý do người Palestine lãnh đạo và việc Gaza thống nhất với Bờ Tây dưới sự quản lý của Chính quyền Palestine”.
Về tình hình giao tranh giữa Nga và Ukraine, trong báo cáo tối 7.11, quân đội Ukraine tuyên bố đã chống trả thành công 15 cuộc tấn công gần thành phố Kupiansk (tỉnh Kharkiv) và 18 cuộc tấn công gần thành phố Maryinka (tỉnh Donetsk), theo Reuters.
Ukraine cũng tuyên bố đẩy lùi 9 cuộc tấn công trong và gần thành phố Avdiivka (tỉnh Donetsk), nơi Moscow phát động đợt tấn công mới nhất vào giữa tháng 10.
Avdiivka đã trở thành biểu tượng cho sức kháng cự của Ukraine trước Nga và được coi là cửa ngõ nếu Kyiv muốn giành lại các khu vực chính ở phía đông đất nước, bao gồm thành phố Donetsk mà Nga đang kiểm soát cách đó chỉ 20km. Tuy nhiên, theo một người phát ngôn của Trung tướng Marko Bezruchko, Lữ đoàn cơ giới riêng biệt số 110, Avdiivka hiện đang bị bao vây từ ba phía và quân Nga đang cố gắng xác định vị trí pháo binh của đối phương.
Bộ Năng lượng Ukraine ngày 8.11 cho hay cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này đã bị Nga tấn công 60 lần trong những tuần qua bằng nhiều vũ khí, khi mùa đông đến gần và nhu cầu năng lượng tăng cao, theo Reuters. Năm ngoái, Nga cũng sử dụng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tấn công hạ tầng năng lượng Ukraine.
Dù đã được phương Tây cung cấp các hệ thống phòng không nhưng mạng lưới năng lượng của Ukraine chưa phục hồi hoàn toàn. Cơ quan tình báo quân sự của nước này ước tính Nga có hàng trăm tên lửa cho một chiến dịch không kích vào mùa đông.
Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 9.11.2023 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)