Điểm xung đột: Israel bao vây, bệnh viện Gaza nguy ngập; tên lửa Nga bay vào Kyiv

Điểm xung đột: Israel bao vây, bệnh viện Gaza nguy ngập; tên lửa Nga bay vào Kyiv

11/11/2023 23:47 GMT+7

Các hoạt động tại bệnh viện Al Shifa lớn nhất của Dải Gaza đã dừng lại do hết nhiên liệu trong lúc quân đội Israel siết vòng vây quanh bệnh viện vì cho rằng Hamas đặt trung tâm chỉ huy ở bên dưới.

Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Ashraf Al-Qidra của cơ quan y tế Gaza ngày 11.11 cho hay các hoạt động tại bệnh viện Al Shifa đã dừng lại do hết nhiên liệu. “Hậu quả là một bé sơ sinh mất trong lồng ấp, nơi có tổng cộng 45 bé”, ông Al-Qidra nói và cho hay tình hình tồi tệ hơn tưởng tượng của bất cứ ai.

Ông tố cáo quân đội Israel nhắm vào hầu hết tòa nhà trong khu bệnh viện và bắn vào những người di chuyển bên trong, cản trở việc đi lại từ khu này qua khu khác.

Phó lãnh đạo cơ quan y tế Gaza Youssef Abu Alreesh, người cũng đang ở trong bệnh viện, nói 39 trẻ sơ sinh trong lồng ấp đang chiến đấu trong giờ phút sinh tử.

Giám đốc Muhammad Abu Salmiya của bệnh viện cho hay bệnh nhân đang chết dần sau từng phút. Ông nói “bệnh viện không còn điện, internet và nước, nguồn cung cấp y tế”.

Quân đội Israel trước đó nói các tay súng Hamas đã đặt chỉ huy sở ngay bên dưới Al Shifa và các bệnh viện khác tại Gaza.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 10.11, hệ thống y tế tại Dải Gaza “đang bên bờ vực đổ sụp” với người bị thương nằm đầy hành lang, nhà xác quá tải, bác sĩ phẫu thuật bệnh nhân mà không có thuốc gây mê và hàng chục ngàn người đang trú ẩn tại các bệnh viện.

Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 10.11, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng trung bình cứ 10 phút lại có một trẻ em thiệt mạng ở Dải Gaza.

Phát ngôn viên John Kirby của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng ngày 9.11 cho biết Israel đã đồng ý ngừng bắn 4 giờ mỗi ngày ở Gaza vì lý do nhân đạo. Thời gian ngừng bắn sẽ còn tùy thuộc và Israel sẽ thông báo trước ít nhất 3 giờ.

AP dẫn lời ông Kirby nói thêm rằng một hành lang thứ hai đang được thiết lập cho dân thường chạy khỏi khu vực tập trung chiến sự, bên cạnh tuyến đường ven biển nối xa lộ bắc nam của Dải Gaza.

Phía Israel chưa chính thức lên tiếng về thông báo của Nhà Trắng. Tuy nhiên, tờ The Times of Israel dẫn lời một quan chức cấp cao của nước này xác nhận đã đồng ý với việc tạm dừng “chiến thuật, cục bộ” mỗi ngày ở Gaza.

Lệnh ngừng bắn 4 giờ mỗi ngày của Israel có thể mang lại hy vọng tiếp tế cho một số bệnh viện và cơ sở thiết yếu của Gaza. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã tỏ ra hoài nghi về tác động thực sự của động thái này.

Quan trọng nhất là vì đây chỉ là quyết định tạm ngừng đơn phương của Israel và do Mỹ thông báo, chứ không phải thỏa thuận được nhất trí giữa Israel, Hamas và các bên có liên quan. Vì vậy, không có gì chắc chắn là Hamas và các nhóm vũ trang khác ở Gaza sẽ tôn trọng 4 giờ ngừng bắn mỗi ngày của Israel.

Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích cho rằng việc tạm dừng nhân đạo ở Gaza như vậy là không đủ, mà các bên phải chấp nhận ngừng bắn để đảm bảo cứu trợ nhân đạo, tạo điều kiện sơ tán, giúp người nước ngoài rời khỏi Gaza, và thúc đẩy đàm phán hòa binh.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Israel đã giảm số người ở Israel thiệt mạng khi lực lượng Hamas từ Dải Gaza vượt biên giới tấn công ngày 7.10 xuống còn khoảng 1.200 người. Phát ngôn viên Lior Haiat của Bộ Ngoại giao Israel không giải thích lý do điều chỉnh mà chỉ nói đây là ước tính được cập nhật và có thể thay đổi khi toàn bộ thi thể được nhận diện.

Hôm 11.11 khi chuẩn bị tới Ả Rập Xê Út để tham dự hội nghị thượng đỉnh về cuộc khủng hoảng, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố thay vì nói chuyện, đã đến lúc phải hành động vì cuộc xung đột ở Gaza, theo Reuters.

Phát biểu tại sân bay Tehran trước khi khởi hành đến thủ đô Riyad của Ả Rập Xê Út, ông Raisi nói rằng: “Gaza không phải là đấu trường của lời nói. Nó phải là đấu trường của hành động”. Ông cho biết thêm: “Ngày nay, sự đoàn kết của các quốc gia Hồi giáo là rất quan trọng”.

Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Ả Rập Xê Út của một nguyên thủ quốc gia Iran kể từ khi Tehran và Riyadh chấm dứt nhiều năm thù địch theo thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian vào tháng 3.

Trang web của chính phủ dẫn lời Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian, người đi cùng ông Raisi, cho biết: “Hội nghị thượng đỉnh sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới những kẻ hiếu chiến trong khu vực và dẫn đến việc chấm dứt tội ác chiến tranh ở Palestine”.

Bên cạnh đó, Tổng thống Iran cũng chỉ trích Mỹ vì hành động không đi đôi với lời nói. Ông bình luận rằng: “Mỹ nói không muốn chiến tranh [ở Gaza] lan rộng và đã gửi thông điệp tới Iran cùng một số quốc gia khác. Nhưng những hành động của Mỹ lại không phù hợp với tuyên bố đó”.

Tiếp theo sau đây là những tin tức cập nhật liên quan đến tình hình xung đột Nga-Ukraine. Thị trưởng Vitali Klitschko cho biết thủ đô Kyiv của Ukraine hôm nay đã bị không kích và nhiều vụ nổ lớn đã được nghe thấy. Cảnh báo trên không cho Kyiv và khu vực lân cận đã được phát đi chỉ vài phút trước tiếng nổ. Đây là cuộc tấn công đầu tiên vào Kyiv kể từ cuối tháng 9.

Tư lệnh không quân Ukraine Mykola Oleshchuk sau đó xác nhận Nga đã bắn tên lửa đạn đạo vào Kyiv vào sáng nay 11.11. Ông cảm ơn đơn vị phòng không đã sử dụng khẩu đội tên lửa Patriot đã phản ứng kịp thời.

Ông Oleshchuk nói giới chức đang làm rõ loại tên lửa được Nga sử dụng là tên lửa phòng không S-400 hoán cải hay tên lửa đạn đạo Iskander. Ông cũng cho biết một số tòa nhà bị thiệt hại nhỏ trong vụ tấn công.

Cũng theo không quân Ukraine, trong đêm 10, rạng sáng 11.11, các hệ thống phòng không nước này đã phá hủy 19 trong tổng số 31 UAV tự sát của Nga cùng với một số tên lửa. Trong đó, một tên lửa Kh-31 bắn từ Biển Đen, một tên lửa chống hạm P-800 Oniks bắn từ Crimea và một tên lửa phòng không hoán cải S-300 từ tỉnh Belgorod của Nga.

Về tình hình giao tranh trên bộ, theo các kênh truyền thông Nga, lực lượng nước này đang tiếp tục tìm cách khép vòng vây quanh thành phố Avdiivka ở miền đông. Các đơn vị Nga tấn công từ phía bắc và phía nam còn cách nhau khoảng 6km. Các con đường vào thành phố đều nằm trong tầm pháo của Nga khiến việc tiếp viện cho lực lượng Ukraine cố thủ rất khó khăn.

Kyiv đang tiếp tục gửi quân tiếp viện đến hỗ trợ cố thủ Avdiivka, nhưng điều này có nguy cơ làm suy yếu lực lượng Ukraine ở các phần khác trên chiến tuyến.

Theo báo cáo cập nhật của Viện Nghiên cứu chiến tranh tại Mỹ, lực lượng Ukraine tiếp tục tấn công giới hạn các mục tiêu ở tả ngạn sông Dnipro thuộc vùng Kherson. Báo cáo này dẫn các nguồn tin từ giới quan sát quân sự Nga cho rằng lỗ hổng trong hệ thống phòng không Nga đã cho phép Ukraine điều máy bay cường kích chiến thuật yểm hộ bộ binh ở khu vực này.

Trên trục Kupiansk-Svatove-Kreminna, các hình ảnh được xác nhận địa lý cho thấy Nga có bước tiến nhỏ trong ngày 10.11. Ngược lại, ở phía nam Bakhmut, lực lượng Ukraine đã giành thêm được một diện tích nhỏ.

Cũng trong ngày 10.11, cơ quan tình báo quân sự Ukraine cho biết lực lượng nước này đã làm hư hại hai tàu đổ bộ nhỏ của Nga ở Crimea trong một cuộc tấn công bằng xuồng tự sát trên biển trong đêm.

Như quý vị đã biết, Ukraine rất tự hào về loại xuồng tấn công tự sát mà nước này đã triển khai trong những tháng gần đây nhằm vào tàu và cơ sở hải quân của Nga. Theo Kyiv, những cuộc tấn công thành công như vậy chứng tỏ năng lực tự phát triển và sản xuất vũ khí của mình.

Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ngày 10.11 cho biết ông hy vọng một hội nghị về hợp tác sản xuất vũ khí giữa Ukraine và Mỹ sẽ được tổ chức vào tháng 12 tại Mỹ, nhà cung cấp viện trợ quân sự quan trọng nhất của Kyiv.

Ông Yermak phát biểu trong một chương trình truyền hình rằng: “Đã có một thỏa thuận rất quan trọng giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden... Tôi hy vọng vào tháng tới, một hội nghị sẽ được tổ chức để thảo luận việc sản xuất (vũ khí) chung giữa Ukraine và Mỹ”.

Ukraine đang ưu tiên nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng của mình giữa lo ngại nguồn cung từ phương Tây có thể sụt giảm. Họ cũng hy vọng rằng liên doanh với các nhà sản xuất vũ khí quốc tế có thể giúp hồi sinh ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, vốn đã trì trệ bởi sự kém hiệu quả và thiếu minh bạch trong nhiều năm trước xung đột.

Tìm nguồn cung đạn dược đang là yêu cầu cấp bách của Kyiv, đặc biệt là trước nguy cơ Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ không đạt mục tiêu về cung cấp đạn cho Ukraine vào tháng 3.2024.

Theo kế hoạch được đưa ra hồi đầu năm nay, EU cam kết cung cấp đạn pháo cho Ukraine trong thời gian 12 tháng, trước tiên bằng kho dự trữ hiện có, sau đó thông qua các hợp đồng mua sắm chung và tăng cường sản lượng.

Bloomberg đưa tin, sau khi hơn nửa thời gian thực hiện đã trôi qua, sáng kiến của EU cho đến nay chỉ mới đạt khoảng 30% mục tiêu và có nguy cơ lỡ hẹn, căn cứ số lượng hợp đồng đã ký.

Ukraine cũng đã rất nỗ lực để tự phát triển công nghiệp quốc phòng của mình, đặc biệt là đối với thế mạnh về các loại thiết bị bay không người lái. Mới đây, Kyiv cho biết các thiết bị bay không người lái tự sát có tầm hoạt động lên đến 1.000km đã sẵn sàng cho nhiệm vụ tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh tại Mỹ dựa trên nhận định của phát ngôn viên cơ quan tình báo quân đôi Ukraine Vadym Skibitskyi để ước tính Nga đã sản xuất được khoảng gần 290 tên lửa trong hai tháng 9 và 10. Điều này cho thấy Nga “đã tăng sản xuất tên lửa nội địa nhanh hơn dự báo”, bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp phụ tùng linh kiện.

Trang Business Insider hồi tháng 8 cho biết Nga đã tìm cách lách các lệnh cấm vận bằng việc chuyển hướng mua phụ tùng sang các công ty vỏ bọc và các nước láng giềng.

Trong một diễn biến khác, theo Reuters, EU vẫn có thể xúc tiến việc viện trợ 50 tỉ euro cho Ukraine, kể cả khi Hungary sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn nỗ lực này.

Ủy ban châu Âu đã đề xuất mở rộng hỗ trợ ngân sách để giúp Ukraine trả lương và đáp ứng các chi phí khác khi xung đột vẫn tiếp diễn, và 27 quốc gia thành viên EU sẽ bỏ phiếu về gói viện trợ này tại hội nghị ngày 14-15.12 tại Brussels (Bỉ).

Tuy nhiên, một số người lo ngại khoản viện trợ này có thể bị chặn lại bởi Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Những khoản chi như vậy từ ngân sách chung của EU cần có sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên.

Nếu Budapest sử dụng quyền phủ quyết của mình, hai quan chức EU cho biết liên minh vẫn có thể yêu cầu mỗi chính phủ còn lại trong EU thiết lập gói viện trợ của riêng họ với Kyiv. Cộng lại, các thỏa thuận song phương sẽ cho ra con số viện trợ tương đương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.