Điểm xung đột: Ông Biden nới 'vòng kim cô' cho Ukraine; Nga có mất nhiều Su-25?

Điểm xung đột: Ông Biden nới 'vòng kim cô' cho Ukraine; Nga có mất nhiều Su-25?

31/05/2024 23:21 GMT+7

Trang tin The Kyiv Independent ngày 30.5 dẫn lời Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho rằng Nga đang dồn quân gần tỉnh Kharkiv, nhưng chưa đủ để đột phá xuyên hàng phòng ngự của Ukraine.

Nga bất ngờ tấn công tại tỉnh đông bắc Ukraine hôm 10.5. Tuần trước, quân đội Ukraine cho biết cuộc tấn công của Nga tại đây đã dừng và các binh sĩ Ukraine đang phản công.

Theo ông Syrskyi, lực lượng Nga đang gia tăng số lượng gần các làng Strilecha và Lyptsi, cũng như thị trấn Vovchansk. Ông cho biết hoạt động của lực lượng Nga đang trở nên phức tạp do Ukraine điều động những đơn vị dự bị đến những khu vực “nóng” ở tiền tuyến.

Viết trên Facebook, ông Syrskyi cho rằng khó khăn đạn dược và sự xuống sức cũng làm giảm khả năng tấn công của Nga. Vì vậy, theo tướng Syrskyi, phía Nga đã chuyển sang chiến thuật tấn công các vị trí của chúng tôi bằng hỏa lực pháo binh và tấn công bằng bom”.

Về phía Nga, hãng TASS ngày 30.5 dẫn lời nghị sĩ Viktor Vodolatsky cho rằng các thị trấn Vovchansk (Kharkiv) và Chasiv Yar (Donetsk) có thể sớm được Nga giành quyền kiểm soát. Ông ca ngợi sự phối hợp hiệp đồng chiến đấu tốt của lực lượng vũ trang Nga. Ông cho biết Moscow đang khép gọng kìm của mình trên các vùng lãnh thổ này, bao gồm cả Vovchansk.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các đơn vị nhóm tác chiến phía bắc tiếp tục thọc sâu vào hàng phòng ngự của đối phương và gây tổn thất về nhân lực, thiết bị của các đơn vị Ukraine tại Kharkiv.

Trong khi đó, tờ Politico ngày 30.5 dẫn các nguồn thạo tin cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã âm thầm cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ, với một số điều kiện.

Thời gian qua, Tổng thống Biden đang chịu sức ép ngày càng tăng từ các nước đồng minh lẫn cố vấn trong chính quyền về việc có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga hay không. Đây có thể là một trong những quyết định quan trọng nhất kể từ khi xung đột nổ ra bởi có nguy cơ làm leo thang khả năng đối đầu trực tiếp giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Theo báo The New York Times, Nhà Trắng đã bắt đầu quá trình đánh giá chính thức về việc liệu có nên chấp nhận rủi ro hay không. Động thái bật đèn xanh của Mỹ sẽ giúp Ukraine có thể sử dụng vũ khí Mỹ phản công vào các địa điểm pháo binh và tên lửa nằm bên trong đất Nga.

Từ đầu xung đột, Mỹ đã nhiều lần điều chỉnh chính sách liên quan việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, từ hệ thống rốc két HIMARS, hệ thống phòng không Patriot, xe tăng Abrams, cho đến tên lửa tầm xa ATACMS hay chiến đấu cơ F-16.

Tính toán của Nhà Trắng diễn ra trong lúc Ukraine đang nỗ lực vận động Tổng thống Biden tham dự hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ vào giữa tháng 6.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky muốn hội nghị hình thành mặt trận thống nhất để gây sức ép lên Nga. Đồng thời, ông muốn thúc đẩy công thức hòa bình của Kyiv, theo đó kêu gọi rút toàn bộ quân Nga khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục biên giới như thời điểm năm 1991, tức bao gồm bán đảo Crimea và bốn vùng mà Nga tuyên bố sáp nhập hồi năm 2022.

Tuy nhiên, tình báo phương Tây mới đây đưa ra cảnh báo Ukraine có thể sẽ mất thêm nhiều lãnh thổ từ đây cho đến hết năm 2024.

Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 31.5.2024 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.