HTS bị nhiều và tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ, Nga, Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu xem là nhóm khủng bố. Tổ chức này và các nhóm đồng minh từng kiểm soát Aleppo và nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền bắc Syria, trước khi phải rút đi vào năm 2016 trước sức tấn công của quân đội chính phủ Syria, với sự hỗ trợ đắc lực từ quân đội Nga và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Sau 8 năm, HTS, mà tiền thân là chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria, cùng các nhóm phiến quân đồng minh bất ngờ trỗi dậy. Và sau khi đẩy lùi quân chính phủ Syria khỏi Aleppo thì lực lượng này đang tiếp tục tiến quân về thành phố Hama ở phía nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cáo buộc xung đột bùng phát trở lại ở Syria "nằm trong tính toán của Israel và Mỹ". Tuy nhiên giới chức Mỹ hôm qua đã bác bỏ thông tin này. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Sean Savett khẳng định nước này "không có bất kỳ liên hệ nào" với đợt tiến công của nhóm phiến quân HTS cùng lực lượng đồng minh, và nhắc lại việc Washington từ lâu đã xem HTS là tổ chức khủng bố.
Ông Savett nói: "Mỹ cùng đối tác và đồng minh kêu gọi tiến hành các biện pháp hạ nhiệt căng thẳng, bảo vệ dân thường và cộng đồng thiểu số, thúc đẩy tiến trình chính trị nghiêm túc và uy tín để chấm dứt nội chiến".
Ông Savett cho rằng xung đột Syria căng thẳng trở lại là do chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad "phụ thuộc quá nhiều vào hỗ trợ từ Nga và Iran" mà không tìm kiếm giải pháp chính trị lâu dài.
Theo giới phân tích, sự trỗi dậy của lực lượng HTS và đồng minh có một phần đóng góp quan trọng từ đồng minh của Mỹ là Israel, nhưng theo một góc độ khác. Ông Nanar Hawach, nhà phân tích cấp cao về Syria tại tổ chức nghiên cứu Nhóm Khủng hoảng Quốc tế ở Bỉ, nói: "Phiến quân đã nhận thấy cơ hội mới khi lực lượng Hezbollah ở Li Băng chịu nhiều tổn thất trong cuộc chiến với Israel, trong khi Iran chịu nhiều áp lực và Nga đang bận rộn với chiến dịch ở Ukraine",
Ông Hawach nói việc Israel dồn dập tấn công Hezbollah đã khiến lực lượng này phải rút bớt thành viên từ Syria về Li Băng để tham chiến.
Trong khi đó, Nga, bên bảo trợ quan trọng của quân đội chính phủ Syria, cũng đang phải dồn nguồn lực cho chiến sự Ukraine. Điều này khiến quân đội Nga khó có thể tập trung lực lượng yểm trợ Syria khi họ bị tấn công.
Chiến dịch tấn công bất ngờ của lực lượng HTS, cũng như các cuộc xung đột trong suốt 4 năm qua, cho thấy tầm quan trọng không thể thay thế của lực lượng máy bay không người lái quân sự. Đây không còn là cuộc chơi dành cho các cường quốc, mà mọi lực lượng đều phát triển và sử dụng, từ những loại to lớn đắt tiền cho đến những thiết bị thương mại rẻ tiền để cải tiến thành máy bay tự sát.
Tỷ phú Elon Musk mới đây đã chia sẻ video cho thấy hàng loạt phương tiện bay không người lái phối hợp hoạt động theo bầy, và qua đó chỉ trích việc chính phủ Mỹ chi tiền để chế tạo các loại chiến đấu cơ có người lái như F-35.
Một số người nhận định chỉ trích của ông Musk nhắm vào ngân sách khổng lồ dành cho chương trình F-35. Đây là dự án tiêm kích đắt đỏ nhất của Lầu Năm Góc với tổng chi phí lên tới khoảng 485 tỉ USD và có thể tiếp tục tăng lên. Các tiêm kích F-35 dự kiến hoạt động tới năm 2088, chương trình sẽ tốn hơn 2.000 tỉ USD để chế tạo và duy trì hoạt động của máy bay.
Bình luận (0)