Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha ngày 13.11 cho biết ông “lạc quan một cách thận trọng” sau khi thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về khả năng tiến hành các cuộc tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga khi xung đột vẫn đang leo thang.
Kyiv từ lâu đã vận động các đồng minh phương Tây cho phép các cuộc tấn công tầm xa vào các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga, đồng thời cũng thúc đẩy lời mời tham gia liên minh NATO.
Tuy nhiên các đồng minh, kể cả Mỹ, đều không muốn “bật đèn xanh” cho các cuộc tấn công tầm xa vì lo ngại xung đột leo thang hơn nữa. Một số thành viên còn phản đối việc mời Ukraine gia nhập liên minh quân sự này.
Các cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Sybiha với người đồng cấp Blinken tại Brussels (Bỉ) diễn ra vào thời điểm chỉ một tuần sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Trump từ lâu đã chỉ trích quy mô viện trợ tài chính và quân sự của Mỹ cho Ukraine, đồng thời đã tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến sự nhưng không nêu chi tiết cách thức.
Ukraine và các đồng minh châu Âu lo ngại điều này có thể dẫn đến việc Kyiv phải chấp nhận hòa bình theo các điều kiện của Nga, dẫn đến mất mát lớn về lãnh thổ và khiến Ukraine không bao giờ có thể gia nhập NATO.
Trong khi đó tại Trung Đông, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã đề xuất khối này đình chỉ đối thoại chính trị với Israel, viện dẫn những vi phạm nhân quyền có thể xảy ra trong cuộc chiến ở Gaza.
Trong lá thư gửi tới các bộ trưởng ngoại giao EU trước cuộc họp vào ngày 18.11, ông Borrell đã trích dẫn “những lo ngại nghiêm trọng về khả năng vi phạm luật nhân đạo quốc tế ở Gaza” và cho biết “cho đến nay, những lo ngại này vẫn chưa được Israel giải quyết thỏa đáng”.
Đối thoại chính trị được ghi nhận trong một thỏa thuận rộng hơn về quan hệ giữa EU và Israel, bao gồm cả quan hệ thương mại sâu rộng, có hiệu lực vào tháng 6.2000. Ông Borrell viết rằng “Dựa trên những cân nhắc đó, tôi sẽ đưa ra đề xuất rằng EU nên viện dẫn điều khoản nhân quyền để đình chỉ đối thoại chính trị với Israel”.
Việc đình chỉ sẽ cần sự chấp thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên EU, điều mà các nhà ngoại giao cho biết là rất khó xảy ra.
Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 14.11.2024 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)