Theo đó, Kyiv nói rằng các lực lượng của Nga đã tiến hành 150 cuộc tấn công bằng tên lửa và 74 cuộc không kích, đồng thời 84 lần khai hỏa hệ thống tên lửa phóng loạt vào các mục tiêu cả dân sự lẫn quân sự của Ukraine.
Ngoài ra, lực lượng Ukraine cũng tuyên bố đã chặn 5 máy bay không người lái (UAV) chiến đấu của Nga trong cùng ngày. Ukraine nói đã có thương vong với dân thường sau các lần đụng độ này. Nhiều nhà ở và cơ sở hạ tầng dân sự cũng bị hư hại hoặc phá hủy.
Nga chưa bình luận thông tin Ukraine đưa ra nhưng trước nay luôn bác bỏ cáo buộc nhằm vào mục tiêu dân sự.
Trong một diễn biến khác, Thị trưởng TP.Kyiv Vitali Klitschko cho biết ngày đầu tiên của năm 2024 sẽ là ngày để tang ở thủ đô của Ukraine.
Ông Klitschko đề cập rằng cuộc tấn công tên lửa hôm 29.12 của Nga là vụ gây thương vong lớn nhất cho dân thường. Moscow bị cáo buộc đã sử dụng UAV chiến đấu, nhiều loại tên lửa khác nhau, và nhất là 160 vũ khí để tiến hành cuộc oanh tạc này.
Theo phía Ukraine, 16 thi thể được kéo ra từ đống đổ nát của một nhà kho ở quận Shevchenkivskyi của Kyiv. Lực lượng cứu hộ tiếp tục làm việc tại hiện trường. Hoạt động tìm kiếm người mất tích sẽ kéo dài đến hết ngày 31.12.
Ngược lại, Nga tố cáo Ukraine đã sử dụng vũ khí cấm để tấn công vào tỉnh Belgorod, khiến hơn 20 người thiệt mạng.
Theo đó, Thống đốc vùng Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết số người chết trong vụ tấn công bằng tên lửa của Ukraine vào thành phố cùng tên đã tăng lên 24 người. Trong một bài đăng trên Telegram, ông Gladkov cho biết thêm cuộc tấn công đã làm hư hại 37 tòa nhà chung cư cùng các địa điểm khác.
Giống như các khu vực biên giới khác của Nga, Belgorod đã hứng chịu các cuộc tấn công bằng pháo kích và máy bay không người lái trong một năm qua, dù trước đây chưa có vụ nào ở quy mô lớn như lần này.
Cả hai bên đều phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường trong cuộc xung đột bùng phát vào cuối tháng 2.2022. Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 10.000 thường dân đã thiệt mạng ở Ukraine và gần 60 người ở Nga.
Về tình hình xung đột Israel-Hamas, giao tranh ngày 30.12 tập trung ở các khu vực Al-Bureij, Nuseirat, Maghazi cũng như Khan Younis ở trung tâm và phía nam Gaza. Giao tranh trên bộ được hỗ trợ bởi các cuộc không kích dữ dội khiến các bệnh viện phải tiếp nhận hàng loạt người bị thương.
Gần như toàn bộ 2,3 triệu dân thường Palestine ở Gaza đã buộc phải rời bỏ nhà cửa vì chiến dịch quân sự đến nay đã kéo dài dài 12 tuần của Israel. Theo giới chức y tế ở Gaza, xung đột đã làm thiệt mạng ít nhất 21.672 người, với hơn 56.000 người bị thương và hàng nghìn người khác có thể đã chết dưới đống đổ nát tại lãnh thổ này. Israel cho biết 172 quân nhân của họ đã thiệt mạng trong giao tranh ở Gaza.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói nước này phải kiểm soát hoàn toàn Philedelphi - hành lang biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập, để đảm bảo “phi quân sự hóa” lãnh thổ ven biển.
Thủ tướng Israel không trình bày chi tiết kế hoạch, nhưng nếu được thực hiện, một động thái như vậy sẽ đặt Gaza dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Israel sau nhiều năm do lực lượng Hamas điều hành, kể từ khi quân đội Israel rút khỏi lãnh thổ này vào năm 2005.
Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 31.12.2023 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)