Đơn vị tổ chức chính cuộc đối thoại với tên gọi Diễn đàn Doanh nghiệp Cấp cao Việt Nam – Thụy Sĩ (VSBS) là economiesuisse, liên đoàn doanh nghiệp quốc gia có vai trò gần giống Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Economiesuisse phối hợp Tổng cục Kinh tế (SECO) trực thuộc Bộ Kinh tế, Giáo dục và Đào tạo Thụy Sĩ (EAER), Đại sứ quán/Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sĩ và chuyên viên Bộ Kế hoạch – Đầu tư Việt Nam trong việc tổ chức Diễn đàn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Cấp cao Việt Nam – Thụy Sĩ |
TTXVN |
Diễn ra vào chiều tối 26.11.2021 tại khách sạn Bellevue Palace ngay trung tâm thành phố Bern và trong điều kiện phải phòng dịch Covid-19, số người tham dự VSBS rất hạn chế. Quan chức phía chủ nhà có Tổng thống Guy Parmelin và 9 thuộc cấp của ông ở EAER mà chủ yếu là người của SECO, cộng 1 người từ Bộ Ngoại giao phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông Parmelin là Bộ trưởng EAER và đang nắm ghế Tổng thống luân phiên năm 2021. Cánh doanh nghiệp Thụy Sĩ có 29 người, đại diện 21 doanh nghiệp và 5 tổ chức, hiệp hội kinh doanh.
Về phía Việt Nam, đoàn chính thức gồm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hơn 15 người gồm phó thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ, một số cục trưởng, vụ trưởng, chủ tịch, bí thư tỉnh… Đoàn danh nghiệp gồm 26 người đại diện 26 doanh nghiệp.
Bố trí chỗ ngồi độc đáo
Khâu tổ chức của phía Thụy Sĩ rất đặc biệt, có lẽ xuất phát từ tập quán đề cao doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là nguồn sống của xã hội, là khách hàng của cơ quan công quyền.
Tôi tham dự diễn đàn với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam – Thụy Sĩ (SVBG), một thành viên của đoàn doanh nghiệp Thụy Sĩ. Khác với phía Việt Nam, danh sách đoàn doanh nghiệp Thụy Sĩ được xếp theo thứ tự chữ cái đầu tiên của họ người tham dự. Vì vậy, dù đại diện một đơn vị nhỏ mới thành lập, khi cầm bản danh sách trên tay, tôi không có cảm giác mình bị xếp thấp hơn lãnh đạo của những doanh nghiệp có vài chục ngàn nhân công, doanh thu hàng chục tỉ USD.
Tuy nhiên, chỗ ngồi của mỗi người tại Diễn đàn thì được sắp xếp theo “trật tự” đầy chủ ý mà tôi phải thán phục.
Trên sân khấu, đại diện mỗi bên gồm 4 người, là các lãnh đạo nhà nước và bộ máy kinh tế quốc gia.
Bên dưới hội trường là một dãy bàn hình chữ U chia đôi cho mỗi nước. Theo hướng nhìn lên sân khấu, nửa bên trái dành cho Việt Nam, bên phải là Thụy Sĩ. Hai bên hông đặt một hàng ghế sát tường có cách quãng.
Điều đặc biệt là phía Thụy Sĩ dành toàn bộ ghế ngồi có bàn cho doanh nghiệp, 7 chiếc ghế đầu tiên là 7 doanh nghiệp sẽ có phát biểu kiến nghị với phía Việt Nam. Các quan chức của SECO không có mặt trên sân khấu thì ngồi ở 4 chiếc ghế sát tường, sau lưng doanh nghiệp; một số phải đứng vì số ghế hạn chế.
Tôi nghĩ cách xếp ghế như vậy cho thấy họ đề cao doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp gây chú ý với đối phương, đồng thời cũng thể hiện ngầm ý nhà nước luôn đứng sau hậu thuẫn doanh nghiệp.
Tối đa hóa cơ hội gây ảnh hưởng
Cũng như đối với đoàn doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, doanh nghiệp Thụy Sĩ đăng ký tham dự VSBS được yêu cầu đưa câu hỏi hay ý kiến muốn phát biểu tại Diễn đàn. Khác với phía Việt Nam chỉ một doanh nghiệp đặt câu hỏi, doanh nghiệp nào của Thụy Sĩ cũng nêu ra vài vấn đề muốn trao đổi.
Do thời gian có hạn, economisuisse chỉ chọn ý kiến của 7 doanh nghiệp và gửi cho phía Việt Nam trước.
Tại Diễn đàn với thời lượng được ấn định 90 phút, ban tổ chức sắp xếp chương trình sít sao đến từng phút một. Tổng thống Guy Parmelin và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mỗi người có 5 phút để phát biểu giới thiệu về quan hệ giữa hai nước và các chủ trương, chính sách quốc gia. Tiếp theo là Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Thụy Sĩ Switzerland Global Enterprise (S-GE) được phát biểu 10 phút; đối lại từ phía Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Trần Duy Đông và Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ Philipp Rösler.
Ngay sau đó là phần phát biểu của doanh nghiệp Thụy Sĩ. 7 doanh nghiệp được phát biểu làm 2 đợt, xen giữa 2 đợt là phản hồi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Mỗi doanh nghiệp có tối đa 3 phút để trình bày về công ty, tình hình hoạt động và những đóng góp của họ tại Việt Nam, họ đang hoặc muốn triển khai thêm sản phẩm gì, đầu tư thêm mảng nào tại Việt Nam, và đang gặp trở ngại nào.
Chủ tịch tập đoàn sản xuất thang máy Schindler có mặt tại Việt Nam từ năm 1997 cho biết công ty đang muốn đưa vào thị trường loại thang máy tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; Giám đốc đối ngoại của tập đoàn cơ khí ABB muốn phát triển sản phẩm robot và năng lượng sạch ở Việt Nam; Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn khai thác mỏ và sản xuất hóa chất Omya cho biết họ đang xây nhà máy khai thác mỏ đá vôi ở phía bắc Việt Nam nhưng bị đình trệ vì thủ tục bàn giấy; Giám đốc đối ngoại và Y tế toàn cầu của tập đoàn dược Novartis thì nêu những vấn đề vướng trong việc đấu giá thuốc tại Việt Nam…
Trong khi đó, tập đoàn sản xuất thiết bị đường sắt Stadler Rail và tập đoàn bảo hiểm Swiss Re đang muốn thâm nhập thị trường Việt Nam thì đặt câu hỏi về chủ trương của nhà nước và khuôn khổ pháp lý trong các lĩnh vực này.
Và những lời hứa
Đáp lại ý kiến của doanh nghiệp Thụy Sĩ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc “vui mừng với thành công của các bạn tại Việt Nam”, đồng thời ghi nhận, thừa nhận có những bất cập trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh ở địa phương sau khi cấp phép đầu tư. Ông chỉ đạo ngay tại diễn đàn, yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành và địa phương sau cấp phép phải “tiếp tục xử lý, giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư” với phương châm “coi thành công của các bạn là thành công của chúng tôi”.
Bộ trưởng Công – Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời về vấn đề năng lượng sạch mà ABB và Schindler gợi ý. Ông cũng nhấn mạnh chiến lược cắt giảm điện than, cam kết về phát thải carbon của Việt Nam tại Hội nghị LHQ về Biến đổi khí hậu COP26 hồi tháng trước. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trả lời Stadler Rail về chiến lược phát triển hệ thống đường sắt cũng như gợi ý về năng lượng tái tạo của ABB. Ông đề nghị cần có một Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Việt Nam và mời các doanh nghiệp Thụy Sĩ tham gia đối thoại, tìm kiếm cơ hội trao đổi công nghệ cụ thể hơn. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng gợi ý tập đoàn Omya gửi văn bản cho Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch – Đầu tư để có thể được xem xét, giải quyết các vướng mắc nhanh chóng hơn.
Trong khi đó, vấn đề đấu thầu thuốc mà Novartis nêu ra đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trả lời. Ông Tuyên cũng nói về tình hình chống dịch Covid-19 tại Việt Nam và mong muốn hợp tác với các tập đoàn dược của Thụy Sĩ trong việc nghiên cứu, điều chế vaccine và thuốc điều trị. Còn câu hỏi về quy định trong ngành bảo hiểm của Swiss Re được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Trần Duy Đông trả lời. Ông Đông cho hay Việt Nam đang sửa luật kinh doanh bảo hiểm, cho phép các công ty tái bảo hiểm của nước ngoài như Swiss Re thâm nhập thị trường 100 triệu dân…
Trao đổi sau Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ cho biết họ rất hài lòng với những câu trả lời từ các lãnh đạo Việt Nam.
Trong khi đó, một người Việt trong đoàn doanh nghiệp Thụy Sĩ tỏ ra khá bất ngờ trước sự đầy đủ, thấu đáo và thuyết phục của các câu trả lời. Tôi nói với người ấy: Do khâu tổ chức thôi!
Bình luận (0)