Điện mặt trời mái nhà sẽ giảm giá sâu ?

Chí Hiếu
Chí Hiếu
09/03/2021 06:21 GMT+7

Giá điện mặt trời áp mái dự kiến sẽ còn khoảng 5,3 - 5,8 cent/kWh, giảm khá sâu so với mức 8,38 cent/kWh so với mức giá áp dụng cho các dự án đấu nối trước ngày 31.12.2020 theo Quyết định 13.

Giá sẽ giảm 30%

Bộ Công thương đang hoàn tất dự thảo cơ chế giá điện mặt trời áp mái (ĐMT mái nhà) để sắp sửa trình Thủ tướng quyết định nhằm thay thế cho cơ chế tại Quyết định 13 đã hết hiệu lực từ 31.12.2020.
Chuyên gia năng lượng cho biết: Nếu giảm giá quá sâu (ở mức trên 30%) sẽ khiến các hộ gia đình khó vay được ngân hàng để làm dự án. Ví dụ, mức giá trên dưới 5,5 cent/kWh thì sẽ hợp lý với vùng Ninh Thuận, Bình Thuận - là các địa bàn có bức xạ cao. Còn lại với các địa phương khác rất khó có hiệu quả. Khi đó, nếu hộ gia đình vay vốn để làm dự án thì rất khó thuyết phục được nhà băng vì giá này không khả thi về mặt kinh tế.
Chia sẻ với Thanh Niên cuối tuần qua, lãnh đạo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương, đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo quyết định) cho biết cơ quan này vừa hoàn tất dự thảo để trình Bộ Công thương lấy ý kiến các bộ, ngành nhằm thay thế cho một phần của Quyết định 13 về cơ chế ưu đãi cho điện mặt trời (vốn đã hết hiệu lực từ 31.12.2020). “Nói thay thế một phần là bởi quyết định này chỉ quy định riêng cho ĐMT mái nhà. Còn cơ chế cho điện mặt trời trang trại dự kiến sẽ có một văn bản riêng để hướng dẫn việc thực hiện đấu thầu dự án”, vị này giải thích.
Theo lãnh đạo này, chính sách tại Quyết định 13 đã hỗ trợ rất lớn để ĐMT mái nhà phát triển. Số liệu cập nhật cho thấy đến hết năm 2020 đã có 101.029 công trình ĐMT mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ ĐMT mái nhà lũy kế đến cuối năm ngoái đã đạt hơn 1,15 tỉ kWh. Tuy nhiên, do nhu cầu điện xuống thấp (có nguyên nhân đáng kể do tác động của Covid-19) khiến cơ quan quản lý cũng cần xem lại chính sách khuyến khích, trong đó cũng cần "bịt" các kẽ hở mà trong sự phát triển nóng thời gian qua đã bộc lộ.
Lãnh đạo này tiết lộ dự thảo quyết định sẽ có 3 nội dung khác biệt đáng chú ý. “Một là giá mua điện sẽ giảm, dự kiến còn khoảng 5,3 - 5,8 cent/kWh tùy theo công suất. Hai là công suất nhỏ sẽ được ưu tiên mua giá cao hơn, nhằm thực hiện chính sách khuyến khích tự dùng. Ba là dự kiến nhà nước/bên mua chỉ sẽ cam kết mua tối đa 80% sản lượng điện phát, nghĩa là anh phải cam kết dùng tối thiểu 20% sản lượng”, lãnh đạo này tiết lộ.
Mặc dù chưa kịp công khai rộng rãi để lấy ý kiến, song với những nội dung được hé lộ như trên, các quy định mới dự kiến áp dụng đã rất được giới chuyên gia lẫn các nhà kinh doanh ĐMT mái nhà quan tâm và chia sẻ quan điểm.

Điện mặt trời có “đóng băng” ?

Trao đổi với Thanh Niên hôm 7.3, chuyên gia về năng lượng cho rằng có những điểm rất tiến bộ nhưng cũng không ít quy định tại dự thảo quy định nếu thành hiện thực sẽ làm “đóng băng” chủ trương khuyến khích ĐMT mái nhà. “Riêng mức giá mua càng cao đối với quy mô dự án nhỏ, ví dụ như dưới 0,2 MW để khuyến khích tự dùng là điểm rất đáng lưu tâm. Điều này để khuyến khích tự dùng, tức ưu tiên các dự án quy mô nhỏ, cỡ gia đình là rất đáng hoan nghênh. Nhưng điều kiện là làm sao có chính sách để kiểm soát việc các đối tượng sẵn sàng chia nhỏ dự án, ví dụ 2 MW thì họ tách thành 10 hồ sơ, mỗi hồ sơ chỉ 0,2 MW nhằm tận dụng mức giá ưu đãi”, ông Hồi khuyến cáo.
Tương tự, ông Nhữ Văn Hoan, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, một trong những doanh nghiệp nội lớn nhất về kinh doanh thiết bị ĐMT mái nhà, cho rằng rất ủng hộ hướng khuyến khích tự dùng. Thế nhưng bài toán về giá mà dự thảo đặt ra cho các đối tượng là tương xứng. “Chúng tôi rất đồng ý cách tiếp cận của chính sách là ưu tiên hộ/đối tượng lắp để tự dùng trước. Nhưng khi đó, quy định có thể áp đặt cứng là phải tự dùng 30 - 40%, song với sản lượng còn lại cần có giá mua cao, thậm chí giữ nguyên 8,38 cent/kWh”, ông Hoan nói.
Đại diện Sơn Hà cho hay các điều tra cho thấy rằng, đa số doanh nghiệp mong muốn phát triển ĐMT mái nhà nhằm tự dùng. “Một công ty dệt nhuộm ở Nam Định có sản lượng dùng vào giờ cao điểm lên đến 60%. Tương tự, một nhà máy may ở Lào Cai cũng có không dưới 50% sản lượng tự dùng vào cao điểm đầu giờ chiều. Nghĩa là nếu dùng hết, họ đã tiết kiệm được hơn một nửa số kWh phải mua giá trên 2.300 đồng, khi đó họ đã lợi rồi nên có thể đầu tư. Nhưng với các hộ cá nhân, nếu không có giá cao, ví dụ chỉ cần cho phần 70 - 80% sản lượng dư thừa thì họ sẽ không có động lực để đầu tư, chưa kể ngân hàng sẽ không cho vay. Như thế, vô tình các hộ muốn tự dùng trước rồi bán phần dư thừa sẽ không có động lực và chính sách khuyến khích sẽ bị “đóng băng”, ông Hoan phân tích.
“Chúng ta phải khoanh vùng đối tượng khuyến khích, khoanh lại đối tượng muốn “trục lợi” là làm ra chỉ để bán. Theo đó, người muốn làm tự dùng thì chỉ cần bán 70%, hoặc chỉ 60% thôi với giá cũ là họ sẵn sàng đầu tư tiếp. Ngược lại, các đối tượng mà muốn sản xuất ra chỉ để bán cho nhà nước thì giá có thể giảm mạnh là hoàn toàn phù hợp. Cho nên, cần nhắm đúng đối tượng khuyến khích”, ông Hoan nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.