Reuters hôm qua đưa tin Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 11.11 đã phê chuẩn đầy đủ cho việc dùng hai hỗn hợp thuốc kháng thể đơn dòng để điều trị bệnh Covid-19.
Thuốc kháng thể đơn dòng REGEN-COV |
Globalnews.ca |
“Được đánh giá tích cực”
Đó là thuốc Ronapreve, do Công ty Roche (Thụy Sĩ) và Công ty Regeneron (Mỹ) phát triển; và Regkirona, do Công ty Celltrion (Hàn Quốc) bào chế. “Ronapreve và Regkirona là những thuốc kháng thể đơn dòng đầu tiên nhận được đánh giá tích cực cho việc điều trị Covid-19”, EMA nhấn mạnh trong một thông báo. Bên cạnh đó, EMA khuyến nghị dùng Ronapreve cho những bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi trở lên, có nguy cơ diễn tiến nặng.
Regkirona thì chỉ được khuyên dùng cho những bệnh nhân lớn tuổi có tình trạng tương tự. Ronapreve cũng có thể được dùng để ngăn ngừa Covid-19 ở những người trên 12 tuổi và nặng ít nhất 40 kg, theo EMA. Cách đây vài ngày, Regeneron thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy một liều Ronapreve, ở Mỹ có tên REGEN-COV, giảm 81,6% nguy cơ mắc Covid-19, có khả năng bảo vệ trước bệnh này trong thời gian tới 8 tháng.
Châu Âu bắt đầu đánh giá hiệu quả hỗn hợp kháng thể của AstraZeneca |
Ngoài ra, Cơ quan Quản lý dược phẩm Úc (TGA) ngày 9.11 thông báo đã đồng ý cho phép đăng ký liệu pháp kháng thể Evusheld của Công ty AstraZeneca ở Úc, theo Reuters. Loại thuốc này cũng đang được chờ phê chuẩn dùng khẩn cấp ở Mỹ.
Hồi tháng trước, EMA thông báo đã bắt đầu đánh giá thời gian thực đối với Evusheld trong việc ngăn ngừa và điều trị Covid-19. Evusheld là hỗn hợp của 2 kháng thể đơn dòng tixagevimab và cilgavimab, được phát triển từ phòng thí nghiệm nhằm chữa trị và ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng trong tuần đầu tiên khi bệnh nhân Covid-19 biểu hiện triệu chứng. Trước đó, AstraZeneca thông báo kết quả thử nghiệm cho thấy Evusheld giảm nguy cơ phát triển triệu chứng Covid-19 đến 77%.
Đặt trước hàng triệu liệu trình
Trong khi đó, nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống Covid-19, nhiều nước đã ký hợp đồng mua những loại thuốc còn trong quá trình thử nghiệm và xin cấp phép.
Reuters ngày 10.11 đưa tin Hãng Merck đã ký nhiều hợp đồng bán hơn 6 triệu liệu trình thuốc uống điều trị Covid-19 Molnupiravir cho nhiều nước, trong đó có Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines, trong khi loại thuốc này vẫn đang được xem xét phê chuẩn ở Mỹ và châu Âu. Hôm qua (12.11), chính phủ Nhật thông báo đã quyết định mua 1,6 triệu liều thuốc Molnupiravir cho người dân để chuẩn bị đối phó làn sóng Covid-19 tiềm tàng thứ 6 ở nước này, theo Kyodo News. Hồi tháng trước, Merck thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy Molnupiravir giúp giảm 50% số ca nhập viện.
Thuốc kháng virus của Pfizer giúp giảm 89% nguy cơ mắc Covid-19 nặng |
Ngoài ra, Mỹ, Anh, Úc, Hàn Quốc cũng đã đặt mua tổng cộng hơn 2,5 triệu liều thuốc kháng vi rút gây Covid-19 của Công ty Pfizer, theo Reuters. Ngày 5.11, công ty này khẳng định kết quả thử nghiệm cho thấy loại thuốc mới làm giảm 89% khả năng nhập viện hoặc tử vong đối với những bệnh nhân Covid-19 ở tuổi trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh nặng. Pfizer cho hay định gửi kết quả thử nghiệm tạm thời cho Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) trước ngày 25.11.
Tuy ngày càng có nhiều loại thuốc hữu ích cho cuộc chiến chống Covid-19, giới chức và chuyên gia cho rằng công cụ quan trọng nhất để tự bảo vệ mình và người khác trước bệnh này là vắc xin. Trong đó,
TS Marcella Nunez-Smith, đứng đầu lực lượng chuyên trách chống Covid-19 của Nhà Trắng, từng nhấn mạnh “chiến lược tốt nhất để được bảo vệ khỏi tình trạng xấu nhất của Covid-19 là tiêm vắc xin đầy đủ”, theo Đài NBC News.
Trung Quốc thử dùng vắc xin mRNA làm liều tăng cường
Tờ South China Morning Post hôm qua dẫn thông báo từ Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho hay bộ này đã phê chuẩn các cuộc thử nghiệm dùng một loại vắc xin mRNA nội địa làm liều tiêm tăng cường cho những người lớn đã được tiêm vắc xin bất hoạt. Đó là vắc xin ARCoVax, do Học viện Khoa học quân y và 2 công ty Suzhou Abogen Biosciences cùng Walvax Biotechnology phát triển. Vắc xin này đang được thử nghiệm trong giai đoạn cuối trên người ở nhiều nước, với hy vọng thu hút khoảng 30.000 người tham gia. Trong giai đoạn đầu của chương trình tiêm chủng, Trung Quốc chủ yếu dùng vắc xin bất hoạt và hiện chỉ cho phép tiêm nhắc lại bằng loại vắc xin tương tự được tiêm lúc đầu. Bắc Kinh cũng mới chỉ cấp phép cho 2 loại vắc xin bất hoạt do Sinopharm và Sinovac sản xuất cùng vắc xin vector do Công ty CanSino Biologics sản xuất làm liều tăng cường.
Bình luận (0)