Hài từ trường tới sân khấu
Tôi còn nhớ ấn tượng mạnh của mình về diễn viên này bắt đầu từ vở Ăn khế trả vàng tại sân khấu kịch cà phê Bệt. Tôi tới đó, thấy bảng hiệu trương tên vở kịch, liền tự nhủ: “Một câu chuyện cổ tích quá quen thuộc, không biết lấy gì mà diễn?”. Không ngờ, vô xem rồi mới bị hớp hồn. Có hai con quạ “quậy banh” sàn diễn, trong đó con quạ sư phụ là Quốc Thịnh, con quạ đệ tử là Thanh Tuấn. Cả hai đều duyên tới nỗi khán giả cười riết mà miệng mỏi, bụng đau. Hài nhưng không lệch lạc, không lạm dụng hình thể, không lạm dụng ngôn ngữ tào lao, không cần õng ẹo, uốn éo… Quốc Thịnh và Thanh Tuấn tung hứng đẹp như người ta chơi banh, hễ chụp là trúng. Trong đó Quốc Thịnh gây ấn tượng đậm nhất, với dáng người nhỏ xíu, ốm nhách, con mắt thì bự cứ giương giương lên rất ngộ. Bây giờ kể lại cho Quốc Thịnh nghe thì anh chàng cười ngất, thêm thắt vô nữa: “Trời đất ơi, hồi đó tui như con ma đói, xấu kinh khủng. Má hóp vô vầy nè…”. Tay Thịnh bóp cái má khiến mỏ chu ra, rồi chúng tôi cười ha ha.
Đúng là Quốc Thịnh có nhan sắc thật là… khiêm tốn. Cao có 1,62m, vậy làm sao đóng kép? Nói luôn, làm sao thi vô khoa Sân khấu Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM? Thế nhưng cái duyên nghệ sĩ ông trời đặt không sai, và con mắt của ban giám khảo cũng không sai, cho nên anh mới thi đậu và trở thành học trò cưng của đạo diễn Ái Như, Thành Hội. Cùng thời với Thịnh còn có Lương Duyên, Thế Sơn và Tuyết Mai sau này thành vợ của anh. Những gương mặt trẻ giờ làm rạng danh cho thầy Thành Hội và cô Ái Như.
Quốc Thịnh ban đầu thi vô Trung học Kỹ thuật Cao Thắng, nhưng học nửa năm thì anh thấy hình như… đi lộn tiệm. Vậy là nghỉ. Nửa năm sau, lò mò vô Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, học thấy mê quá xá. Và học rất nghiêm túc bởi “cái sự khó” của thầy Hội, cô Như thì ai cũng biết. Và học tất cả các vai từ bi tới hài, tới già trẻ lớn bé, độc lẳng. Anh nói: “Thật ra hồi đó tôi đâu có định hướng cho mình là theo hài. Thầy cô bắt học tất cả các vai thì mình cứ làm theo. Chừng ra nghề, hôm diễn Ngôi nhà của những linh hồn tại 5B, anh Phước Lộc đổi vai cho tôi đóng nhân vật Bảy trợ lý, tôi mới hài luôn đó chứ”. Cô vợ Tuyết Mai chen vào: “Không dám đâu, hồi đi học ảnh cũng quậy quá trời. Chị biết không, ảnh nói cái gì cả lớp cũng mắc cười”. Quốc Thịnh: “Thiệt tình là tui cũng có khả năng hài hước từ hồi học phổ thông, nhưng cứ tưởng tánh mình nó vậy thôi, đâu có ngờ đó là tố chất để làm diễn viên hài”.
Thế là đạo diễn Ái Như - Thành Hội đưa Quốc Thịnh vào hàng loạt vở tại 5B lẫn Hoàng Thái Thanh như Bàn tay của trời, Người điên trong ngôi nhà cổ, Oan tình ai thấu, Tái sinh, Con ma nhà họ Hứa… Một anh Ba Tây lười biếng, bỏ vợ con nhếch nhác, nghèo đói, nhưng ông chồng này tức cười quá xá, khán giả vừa tức vừa cười là vậy đó. Một ông quản gia Bảy Dúi cứ rón rén rón rén rình căn phòng coi có ma thiệt không, và khi chén thuốc bắc bị đổ vô quần thì cái hài bật ra…
Ấn tượng của Quốc Thịnh còn là một vai rất lạ, không phải hài, cũng không phải bi, cứ bàng bạc, mộng mơ như một bài thơ. Vở Tình ca phố tại 5B, với ông Tư chủ quán cà phê nằm khuất trong một khu phố nhỏ, mà chỉ những ai hoài niệm cà phê pha theo kiểu xưa mới tìm về, ngồi lặng thinh mà thấm từng giọt đen rơi vào ký ức mênh mông. Không phải kép đẹp, cũng không được sử dụng quá nhiều chất hài của mình, vậy mà Quốc Thịnh đã dẫn Tình ca phố đi suốt những rung động dịu dàng, điều khó tìm thấy trong một thị trường sân khấu quá nhiều hoạt náo.
|
|
Và mảnh đất yêu dấu của Quốc Thịnh còn ở cà phê Bệt, với những vở ngắn thật gần gũi lớp trẻ như Chị Dậu, Tiền là số 1, Rồi 30 năm sau, Lẽ ra anh nên trả cho em nhiều hơn, Đoạn tuyệt, Người ngựa ngựa người… Nét diễn của anh chân thật, cho nên với những không gian nhỏ như Bệt, như 5B thì tương tác với khán giả rất tốt. Chính vì vậy khi Bệt tạm ngưng thì nhóm bạn trẻ đồng cam cộng khổ của Quốc Thịnh rất buồn. Ở đây họ có hàng loạt vở diễn hay do chính họ vừa viết vừa dựng, dù chỉ lãnh cát-sê vừa đủ đổ xăng và son phấn, nhưng họ vẫn vui vì được làm nghề nghiêm túc. Họ ao ước sẽ có một sân khấu kịch cà phê nào đó mời về để họ phục dựng những vở ấy. Thiết nghĩ, những tác phẩm văn học khi bước lên sân khấu có vẻ hấp dẫn hơn, khiến các em học sinh chịu học hơn. Những vở kịch ngắn khoảng 1 tiếng đồng hồ của nhóm Bệt đều mang tính giáo dục rất tốt, rất cần cho lớp trẻ thẩm thấu. Quốc Thịnh trầm ngâm: “Tôi cứ mơ chị à. Mong sao những vở diễn này được ra mắt trở lại. Nhưng chị hỏi chúng tôi có muốn làm chủ một sân khấu như vậy hay không thì xin lắc đầu. Chúng tôi chỉ biết diễn, còn chuyện quản lý một cơ sở kinh doanh khó lắm, mình là nghệ sĩ thì chịu thua”.
Bươn chải và hạnh phúc
Quốc Thịnh và Tuyết Mai khi học chung thì hay cãi lộn, vậy mà ra trường mấy năm sau lại yêu nhau, giờ đã có hai mặt con. Nhưng trông hai anh chị vẫn rất trẻ trung. Quốc Thịnh còn đẹp trai hơn xưa nữa. Mập lên một chút, gương mặt đầy đặn, lại để tóc theo kiểu mới, khiến anh trông bớt nhỏ thó, nhìn rất dễ thương. Hai vợ chồng diễn cho Hoàng Thái Thanh mỗi tuần cũng chỉ vài suất, cho nên phải làm thêm đủ thứ, từ đi đóng kịch cho HTV, đóng phim, viết kịch bản, đạo diễn…
Hai đứa con được bà nội ở nhà chăm sóc để hai vợ chồng cày từ sáng tới tối. Và họ đi chung với nhau trên chiếc xe hơi vừa dành dụm mua được. Thịnh nói: “Nhà tuốt Hóc Môn xa quá, phải đi xe hơi thôi chị, cho an toàn, chứ tụi em không có đua đòi”. Anh lại hài: “Đi chung để mình quản lý bả chứ. Có vợ đẹp mắc lo hà! Nói giỡn thôi, chứ vợ chồng chung nghề cũng đỡ lắm, thông cảm với nhau, không có ghen tuông bậy bạ”.
Hỏi “nghe nói Thịnh “dị ứng” gameshow?”. Anh giãy nãy: “Bởi vậy mới chết tui. Ai mà đồn kỳ ghê. Tôi chỉ không thích những game tào lao thôi, chứ game nghiêm túc như Kịch cùng Bolero tôi cũng hoan nghênh mà. Nhiều game cũng mời, nhưng vợ chồng tôi bận quá, không tham gia được. Diễn trong đó cũng phải tập tuồng rất kỹ chứ đâu phải làm ẩu, làm ẩu là chết danh mình luôn. Tôi nhắm không đủ thời gian nên thôi không dự”.
Hai vợ chồng lại như đôi chim cùng nắm tay nhau đi làm nghề. Nói an phận cũng được, mà nói bình yên cũng được. Họ biết mình cần gì, không chộn rộn, không bon chen. Quốc Thịnh nói: “Cuối cùng thì tôi vẫn biết ơn thầy Thành Hội và cô Ái Như đã dạy chúng tôi diễn xuất, đồng thời dạy cả đạo đức làm nghề. Sống vừa đủ và tử tế là hạnh phúc rồi”.
Bình luận (0)