Điều chỉnh thuế, chờ giá tăng đến bao giờ?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
06/11/2024 05:57 GMT+7

Với lý do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa tăng quá 20%, Bộ Tài chính một lần nữa "bác" kiến nghị điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân của cử tri. Trước đó, có rất nhiều kiến nghị liên quan đến việc này nhưng cũng chưa được tiếp thu, chỉnh sửa.

Bộ Tài chính nói chưa thể điều chỉnh mức GTGC

Mới đây, cử tri đoàn đại biểu Quốc hội (QH) TP.HCM kiến nghị lên Bộ Tài chính việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) để phù hợp tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Trước đó cử tri ở các tỉnh thành khác cũng đều có kiến nghị tương tự. Trả lời về kiến nghị này, Bộ Tài chính cho rằng: "CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức mức GTGC gần nhất (năm 2020), do đó theo quy định của luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức GTGC". Bộ Tài chính dẫn tại khoản 4 điều 1 luật Thuế TNCN số 26 quy định: "Trường hợp CPI biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH điều chỉnh mức GTGC quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo". Bộ dẫn chứng thực tế của Tổng cục Thống kê thì chỉ số CPI năm 2020 tăng 3,23%, năm 2021 tăng 1,84%, năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25%.

Điều chỉnh thuế, chờ giá tăng đến bao giờ?- Ảnh 1.

Cần sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người làm công ăn lương

ẢNH: NGỌC THẠCH

Hiện Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể luật Thuế TNCN (trong đó có nội dung về mức GTGC…) để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH, QH xem xét sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng luật của QH, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của VN cũng như thông lệ quốc tế. Dự kiến đăng ký chương trình xây dựng luật vào năm 2025, trình QH cho ý kiến vào tháng 10.2025 và thông qua vào tháng 5.2026.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, phân tích: luật Thuế TNCN đưa ra quy định khi nào CPI tăng trên 20% mới thay đổi mức GTGC, ở thời điểm trước đây là hợp lý. Cụ thể, năm 2005, dự thảo luật Thuế TNCN được đề xuất, năm 2006 được thông qua, năm 2007 được áp dụng. Những năm trước khi xây dựng luật và sau khi luật ban hành thì lạm phát ở mức cao. Có những năm lạm phát của VN tăng gần 2 con số hoặc trên 2 con số, chỉ cần 2 năm là có thể đạt mức tăng 20%. Còn những năm gần đây, lạm phát liên tục được kiểm soát quanh mức 3 - 4% mỗi năm, nên việc dựa vào chỉ số CPI để điều chỉnh mức GTGC sẽ kéo dài nhiều năm, gây thiệt thòi cho người lao động. Đó là chưa kể chỉ số CPI bao gồm đến 752 mặt hàng hóa, trong đó có những hàng hóa tăng giá mạnh, chẳng hạn như hàng thiết yếu có tác động đến cuộc sống hằng ngày của người nộp thuế. Do đó việc quy định dựa vào chỉ số CPI hiện nay là không còn phù hợp.

"Đừng lo việc điều chỉnh mức GTGC tăng lên, đừng lo số thuế giảm. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Năm 2013, khi mức GTGC được điều chỉnh tăng từ 4 triệu đồng/người/tháng lên 9 triệu đồng/người/tháng (tức mức tăng lên 125% chứ không phải 120%); hay năm 2020, mức GTGC tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng… thì những năm điều chỉnh mức GTGC tăng lên này, số thuế người lao động đóng góp cho ngân sách cũng tăng cao hơn", ông Trần Xoa cho hay.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM), cho rằng chỉ số CPI phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau nên khi đưa vào căn cứ tính mức GTGC để điều chỉnh là chưa phù hợp. Trong rổ hàng hóa tính CPI, nhiều mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng có tốc độ tăng cao hơn. Việc Bộ Tài chính dẫn quy định của luật Thuế TNCN trước hàng loạt kiến nghị việc điều chỉnh mức GTGC khi CPI tăng trên 20% là không sai. Luật hiện nay quy định như vậy. Thế nhưng nếu muốn hỗ trợ cho người nộp thuế thì không phải không có cách để xử lý vấn đề này. Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, việc đề xuất tăng mức GTGC lên đã có từ nhiều năm nay và quy định chờ CPI tăng lên 20% mới thay đổi khiến người nộp thuế chịu thiệt. Theo ông, không nên chờ CPI tăng lên 20% mới thay đổi mà những gì đã lạc hậu thì cần nhanh chóng sửa đổi ngay, tránh gánh nặng thuế cho người lao động. Khi lạm phát tăng chưa đến 20% thì người làm công ăn lương đã chịu mức lạm phát cao trong khoảng thời gian dài, nhưng mức GTGC lại phải chờ.

Đừng lo việc điều chỉnh mức GTGC tăng lên, đừng lo số thuế giảm. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Năm 2013, khi mức GTGC được điều chỉnh tăng từ 4 triệu đồng/người/tháng lên 9 triệu đồng/người/tháng; hay năm 2020, mức GTGC tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng… thì những năm điều chỉnh mức GTGC tăng lên này, số thuế người lao động đóng góp cho ngân sách cũng tăng cao hơn.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang

Cần sớm tăng mức GTGC

Để bù đắp cho phần lạm phát, mức lương hằng năm được điều chỉnh tăng thêm. Thế nhưng mức GTGC lại không theo kịp. Đó là minh chứng rõ nhất của sự bất hợp lý của thuế TNCN. Theo Hội đồng Tiền lương quốc gia, tiền lương tối thiểu đã được điều chỉnh liên tục trong giai đoạn 2008 - 2020, tốc độ tăng bình quân của giai đoạn này là 15,52%/năm. Trong đó, đối với doanh nghiệp trong nước tăng bình quân năm là 18,24% và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) là 12,79%. Mức tăng hằng năm cao hơn 2 lần mức tăng chỉ số CPI, trong khi tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm là 4,31%.

Ông Trần Xoa cho rằng việc đợi tăng mức GTGC theo lộ trình làm luật sắp tới sẽ chờ đợi thêm hơn 2 năm nữa, khiến sự lạc hậu này sẽ còn tiếp tục duy trì thêm nhiều năm. Theo lộ trình thì luật Thuế TNCN sửa đổi dự kiến xây dựng năm 2025, đến tháng 10.2025 trình QH và thông qua vào tháng 5.2026. Như vậy mất ít nhất từ 2 - 3 năm nữa mới thay đổi mức GTGC, người nộp thuế sẽ phải chịu thiệt thòi này. "Ai cũng thấy sự bất hợp lý này, chỗ nào sai thì sửa chỗ đó chứ chờ lâu như vậy cũng khó cho người chịu thuế. Còn khi luật sửa tổng thể vào những năm sau, quy định dựa vào CPI tăng 20% mới thay đổi mức GTGC cần được bãi bỏ. Thay vào đó cần điều chỉnh mức GTGC theo lương tối thiểu vùng, có thể từ 4 - 5 tháng lương tối thiểu vùng. Khi lương tăng lên thì mức GTGC cũng được điều chỉnh tăng lên nên sẽ không bị lạc hậu như căn cứ vào CPI hiện nay", ông Trần Xoa cho hay.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng trường hợp chưa điều chỉnh tăng mức GTGC được thì có thể thực hiện mức giảm thuế TNCN như đã thực hiện vào năm 2009. Về lâu dài khi sửa luật, "cần bỏ quy định căn cứ dựa trên chỉ số CPI để điều chỉnh mức GTGC, thay vào đó là 4 lần lương tối thiểu vùng. Thu nhập của người lao động tăng qua các năm khi lương tối thiểu tăng lên thì mức GTGC cũng sẽ tự động điều chỉnh tăng lên. Căn cứ như vậy sẽ phù hợp hơn". Còn ông Nguyễn Ngọc Tú cho biết: "Từ năm 2020 đến nay, người làm công ăn lương chưa được hỗ trợ về chính sách thuế, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra, các doanh nghiệp được hỗ trợ thuế trực tiếp là giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, cần hỗ trợ giảm thuế TNCN".

Số thu thuế TNCN năm 2024 gần 170.000 tỉ đồng

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 trình Quốc hội. Theo dự kiến thu ngân sách nhà nước giai đoạn 3 năm 2025 - 2027, số thu thuế TNCN năm 2025 là 180.397 tỉ đồng, cao hơn năm 2024 là 10.891 tỉ đồng (dự kiến số thu năm 2024 là 169.506 tỉ đồng), tăng gần 6,5%. Năm 2026, số thu thuế TNCN tăng lên 195.019 tỉ đồng và năm 2027 lên 210.591 tỉ đồng. Số thuế TNCN chiếm tỷ trọng từ 10 - 11% trong tổng thu nội địa các năm. Dự toán thu ngân sách nội địa năm 2025 đạt 1,668 triệu tỉ đồng, năm 2026 đạt 1,652 triệu tỉ đồng, năm 2027 đạt 1,725 triệu tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.