Chuyện lạ... có thật này diễn ra trong phiên đấu giá trực tuyến từ ngày 11.6 đến 18.6.2021 của nhà Christie's, đấu giá bức tranh chép The Hekking Mona Lisa. Đây là tác phẩm về mặt kỹ thuật phải khẳng định là chép quá đẹp. Tranh sử dụng chất liệu sơn dầu trên bố, kích thước 79,5cm x 47 cm, chép vào thế kỷ 17, đã được gõ búa…với giá khá bất ngờ là 2.900.000 EUR (tương đương 3.440.658 USD). Trước khi đưa “lên sàn”, giá ước định cho bức tranh này chỉ xê dịch từ 200.000 đến 300.000 EUR.
|
Phiên đấu gía trực tuyến bức tranh chép The Hekking Mona Lisa của nhà Christie's thu hút tới 14 nhà sưu tập quốc tế tham gia sự kiện văn hóa, cũng nói lên phần nào sức hút của bức tranh chép này.
Nói về nguồn gốc bức tranh chép độc, lạ, nhà nghiên cứu và sưu tập Lý Đợi cho biết: “Tác giả chép được ghi là ÉCOLE ITALIENNE DU DÉBUT DU XVIIE SIÈCLE, SUIVEUR DE LÉONARD DE VINCI. Nó từng được một đại lý đồ cổ ở Magagnosc thuộc vùng Nice (Pháp) bán lại vào đầu những năm 1950. Sau đó thuộc bộ sưu tập của Raymond Hekking (1886 - 1977) và dòng họ của ông ở Nice từ ấy cho đến nay”.
Mặc dù không phải hàng thật nhưng phiên đấu giá diễn ra quá thành công nên được đem ra soi. Nhà nghiên cứu Lý Đợi nhận định: “Đầu tiên, tác phẩm đấu được giá...ngon lành như vậy vì nó có một hành trình làm giả rõ ràng, xuất hiện trong vô số sách và nhiều triển lãm quốc tế. Thứ hai, với nhiều người, họ “mặc kệ” phiên bản gốc “Mona Lisa”, vốn thuộc bộ sưu tập hoàng gia Francois đệ nhất từ khoảng 1517. Họ nỗ lực làm các bản sao, rồi các tác phẩm phái sinh, lấy cảm hứng, giễu nhại… để sở hữu riêng, trong khi nhà sưu tập Raymond Hekking rất ghét cái câu “bông hoa này là của chung”. Và lý do thứ ba, theo tôi nói như phim kiếm hiệp, thà rằng “chân tiểu nhân còn hơn ngụy quân tử”, chép nói chép, giả nói giả…, vì “chép chân tình”, “giả cố tình” vẫn có giá cao hơn việc “đánh lận con đen”.
|
Nhìn nhận về thị trường tranh chép, cũng theo nhà sưu tập Lý Đợi: “Lâu nay trên thế giới các bức tranh chép kiểu như The Hekking Mona Lisa được bán thành công ở mức giá từ 500.000 – 700.000 USD không còn là hàng hiếm nữa, nhưng việc một tác phẩm sao chép đấu được tới giá trên 3 triệu USD thì thuộc về hàng …kỷ lục, rất đáng khiến chúng ta phải suy ngẫm và đánh giá lại dòng tranh này”.
Bình luận (0)