Thông tư này nhằm hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 80 về kinh doanh xăng dầu đã được ban hành hồi tháng 11.2023. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định tại các thông tư liên quan quản lý xăng dầu đã ban hành trước đó.
Điểm đáng chú ý tại thông tư này là Bộ Công thương tăng "siết" việc cho thuê, mượn kho chứa xăng dầu của các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xăng dầu có kho xăng dầu cho thuê phải báo cáo định kỳ hàng quý tình hình sử dụng kho và cho thuê kho gửi về Bộ Công thương trước ngày 10 của tháng đầu tiên của kỳ tiếp theo.
Về phía đơn vị đi thuê, các đầu mối, thương nhân phân phối cũng phải báo cáo định kỳ hàng quý tình hình sử dụng kho thuê về Bộ Công thương và sở công thương tại địa bàn thuê kho trước ngày 10 của tháng đầu tiên của kỳ kế tiếp.
Liên quan đến quy định về kho, bể chứa xăng dầu, tại kết luận thanh tra xăng dầu của Thanh tra Chính phủ công bố đầu năm nay nêu rõ: Nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối ký hợp đồng thuê kho, bể chứa xăng dầu chỉ theo mùa vụ. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm, nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa xăng dầu không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... gây ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm ở khâu cấp phép và thực hiện các điều kiện cấp phép của Bộ Công thương, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu.
Việc để xảy ra tình trạng trên là do Bộ Công thương đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện các vi phạm trong việc duy trì điều kiện về kho, bể chứa, về hệ thống phân phối xăng dầu...
Ngoài ra, tại Nghị định 80 quy định, đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng tối đa từ ba nguồn (có thể là từ thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối), thay vì chỉ được nhập hàng từ duy nhất một nguồn theo quy định cũ. Theo đó, dự thảo thông tư quy định thương nhân bán lẻ xăng dầu có trách nhiệm ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ với các thương nhân phân phối, đầu mối. Nếu doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có nhiều cửa hàng xăng dầu và đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu trước đó, khi ký hợp đồng đại lý với 2 hoặc 3 thương nhân cấp nguồn, phải có trách nhiệm lập hồ sơ gửi sở công thương các tỉnh để sửa đổi, cấp lại... Nếu doanh nghiệp là đại lý bán lẻ chỉ có một cửa hàng, cần báo cáo sở công thương các tỉnh để sửa đổi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Liên quan đến nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, Bộ Công thương giữ quan điểm là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá. Đáng lưu ý, khi ý kiến về mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tại thời điểm công bố giá cơ sở có ý kiến khác nhau giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính, Bộ Công thương sẽ là cơ quan quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận (0)