Điều khiến giảng viên hạnh phúc nhất khi tham gia giảng dạy

Hà Ánh
Hà Ánh
19/11/2022 06:05 GMT+7

ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố kết quả khảo sát các yếu tố tác động đến sự đánh giá và cảm nhận của các giảng viên về sự nghiệp giáo dục , trong đó có kết quả khá bất ngờ về ‘điều giảng viên hạnh phúc nhất’.

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Tp.HCM phát biểu trong tọa đàm

HÀ ÁNH

Chiều 18.11, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức tọa đàm Nghề giáo xưa và nay nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Tham dự tọa đàm có thầy cô giáo nhiều thế hệ công tác tại ĐH Quốc gia TP.HCM.

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đây là dịp để các thế hệ đi trước chia sẻ kinh nghiệm của mình trong quá trình làm nghề giáo với các thế hệ trẻ hệ trẻ hơn. Câu chuyện của các thầy cô sẽ tiếp thêm động lực cho các giảng viên trẻ.

Các lý do khiến giảng viên lựa chọn công việc dạy học

PGS-TS Vũ Hải Quân cho biết trước khi làm tọa đàm, ĐH này đã có một khảo sát, trong đó có một kết quả vô cùng quan trọng và ấm áp. Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ: “Khi hỏi về phẩm chất nào cao quý nhất của nhà giáo, bên cạnh chuyên môn thì điều tôi rất vui mừng, cảm thấy rất tự hào về các thầy cô của ĐH Quốc gia TP.HCM - đó là phẩm chất đạo đức. Rõ ràng là để đứng được lớp, đứng được trên bục giảng, bên cạnh thu nhập là vấn đề thầy cô trăn trở từ kết quả khảo sát thì đạo đức vẫn là giá trị cốt lõi nhất”.

PGS-TS Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã chia sẻ kết quả khảo sát các yếu tố tác động đến sự đánh giá và cảm nhận của các giảng viên ĐH Quốc gia TP.HCM về sự nghiệp giáo dục. Bài khảo sát này được tiến hành trên tinh thần tự nguyện tham gia của các giảng viên và viên chức đang công tác tại đây, với tổng số 16 câu hỏi và 122 ý.

Từ kết quả khảo sát 614 người, theo PGS-TS Thảo, đa phần các giảng viên đều cho rằng áp lực về kinh tế là tác nhân lớn nhất tác động lên việc giảng dạy (chiếm gần 80% phiếu đồng tình). Trong khi các tác nhân khác như áp lực từ gia đình, áp lực từ thái độ của người học… ít có tác động hoặc tác động trung lập. Về các phẩm chất cần thiết để trở thành nhà giáo, các giảng viên đa phần đều đồng ý rằng đạo đức nghề nghiệp (97% phiếu đồng ý) và trình độ chuyên môn (90% phiếu đồng ý) đóng vai trò then chốt. Ngoài ra, các giảng viên cũng đồng ý rằng các mối quan hệ với phụ huynh chỉ đóng vai trò trung lập trong các phẩm chất của nhà giáo.

Về những giải pháp cần khắc phục, theo PGS Thảo, một lần nữa vấn đề về kinh tế (lương, thưởng) là mối quan tâm hàng đầu của các giảng viên và thu được nhiều đề xuất cải thiện nhất (95% tổng phiếu tán thành), theo sau đó là cải thiện về cơ sở vật chất (90% số phiếu). Các đề xuất khác đa phần đều thu được ý kiến trung lập.

Cũng theo PGS Phương Thảo, về các yếu tố khiến giảng viên hài lòng nhất, thái độ của đồng nghiệp, thái độ của người học và công việc giảng dạy đúng như mong đợi chiếm nhiều phiếu tán thành nhất khi cả 3 yếu tố này đều chiếm gần 70% tổng phiếu. Về các lý do khiến giảng viên lựa chọn công việc dạy học, có 2 nguyên nhân chính, đó là: sự hứng thú với môn học/chuyên môn giảng dạy và khát vọng cống hiến cho xã hội tốt đẹp hơn. Đồng thời, đây cũng là 2 yếu tố chính giúp các nhà giáo kiên định với con đường giảng dạy.

“Cuối cùng, các yếu tố khiến giảng viên cảm thấy hạnh phúc nhất khi tham gia giảng dạy chính là thái độ và trình độ của người học được cải thiện, các yếu tố này đóng vai trò quan trọng hơn cả chế độ lương, thưởng tốt”, PGS-TS Nguyễn Phương Thảo chia sẻ về kết quả khảo sát.

Nhiều câu chuyện hay về nghề giáo được chia sẻ trong tọa đàm

HÀ ÁNH

‘Khi mình tôn trọng sinh viên thì sinh viên sẽ tôn trọng mình’

GS-TS Phan Thị Tươi, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, rất đồng tình với một nội dung trong kết quả khảo sát rằng người thầy có 2 phẩm chất nên duy trì là đạo đức và chuyên môn.

Kể về câu chuyện của mình, GS Tươi cho biết khi làm công việc này thì “nghề chọn tôi chứ không phải tôi chọn nghề”. Nhưng chia sẻ về nghề giáo, GS Tươi nhấn mạnh: “Sinh viên làm cho tôi cảm thấy rằng mình phải cố gắng hơn. Các em rất trong sáng, có nhiều năng lượng và tâm huyết nên mình phải có trách nhiệm truyền đạt”.

Còn đạo đức, GS Tươi nhìn nhận: “Đi dạy là để truyền tri thức nhưng cũng phải lấy chính đạo đức của người thầy thông qua đó truyền lại cho sinh viên”. Từ câu chuyện của chính các thầy cô mình, GS Tươi dẫn dắt: “Khi mình tôn trọng sinh viên thì sinh viên sẽ tôn trọng mình”. Bà nhớ lại: “Khi tôi dạy ởTrường ĐH Bách khoa, sinh viên rất trong sáng, vào lớp học sinh viên rất lễ độ. Nhưng sự lễ độ đó không có nghĩa là sinh viên không hỏi, các em hỏi rất nhiều câu mình phải suy nghĩ và phải giải thích. Điều đó khiến mình phải làm việc nhiều hơn nữa, vì thời mình đi học còn khó khăn không được tiếp cận nhiều như các em bây giờ”.

“Nhưng cá nhân tôi nghĩ, tôi có thể kém hơn những sinh viên mà tôi đã dạy nhưng điều quan trọng là mình không được tự để cho mình dốt. Mình phải tự học, tự cập nhật những điều mới. Nó thúc đẩy tôi rằng mình giờ không thể làm việc 12 tiếng thì có thể 10 tiếng hoặc ít hơn nhưng vẫn phải làm việc, tiếp cận cái mới. Trong quá trình làm, tôi tôn trọng ý kiến các em sinh viên từ bậc ĐH đến bậc cao hơn. Chính điều đó giúp mối quan hệ thầy trò, đồng nghiệp mới lâu bền được”, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.